Giảm phí cho ô tô, ai hưởng lợi?
Vốn được xem là mặt hàng dành cho người có điều kiện, để hỗ trợ ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, mới đây Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho mặt hàng này. Thời gian dự kiến giảm từ tháng 8/2024 đến hết tháng 1/2025. Tổng số tiền giảm khoảng 5.238 tỷ đồng.
Lý giải về đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu đối với các mặt hàng có giá trị cao, trong đó có ô tô. Vì vậy, việc giảm 50% lệ phí trước bạ nhằm kích thích nhu cầu mua ô tô của người dân. Theo Bộ Tài chính, giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước nhưng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với mặt hàng này cũng tăng lên.
Cần phải nói thêm rằng, Bộ Tài chính đã có 3 lần giảm lệ phí trước bạ 50% với xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước (gồm năm 2020, năm 2021 và năm 2023). Mỗi lần giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước kéo dài 6 tháng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trước giờ ô tô được xem là mặt hàng dành cho “người có điều kiện”, Việt Nam cũng có chính sách tập trung phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
“Chính sách hỗ trợ thuế phí cho ô tô cần thiết, tuy nhiên cơ quan chức năng cần có giải pháp hài hòa, cải cách, sửa đổi chính sách thuế phí phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng sản phẩm; tránh bất cập thuế phí, gây mất công bằng giữa các mặt hàng, sản phẩm, ngành nghề và đối tượng tiêu dùng, sử dụng sản phẩm”, ông Long kiến nghị.
Một số chuyên gia lưu ý tới vấn đề ngân sách nhà nước hạn hẹp, cần ưu tiên cho những đối tượng khó khăn thay vì những người có điều kiện mua ô tô. Bên cạnh đó, việc ưu đãi lệ phí cho ô tô chạy xăng đi ngược lại chủ trương của Chính phủ về việc giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Không thể có net zero như Chính phủ cam kết nếu vẫn khuyến khích những sản phẩm đang gây ô nhiễm cho môi trường. Nên dùng nguồn lực định hỗ trợ cho người đi ô tô sang các đối tượng khó khăn hơn, để đảm bảo công bằng xã hội.
Lợi - hại thuế phân bón
Chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) với phân bón - mặt hàng quan trọng nông nghiệp, tác động trực tiếp tới nông dân đang tồn tại nhiều bất cập. Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết hiện mặt hàng phân bón không áp thuế VAT, vì vậy doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ. Chi phí đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ sản xuất phân bón phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá bán phân bón tăng. Hiệp hội này kiến nghị sửa đổi chính sách, áp thuế VAT với phân bón.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, chính sách thuế VAT cho phân bón tác động trực tiếp tới nông dân, nền nông nghiệp Việt Nam. Cơ quan chức năng cần lắng nghe, tiếp thu, có giải pháp sửa đổi phù hợp để tránh việc nông dân đã gặp khó khăn, nay càng khó khăn hơn.
Liên quan tới vấn đề này, chiều 24/6, tại phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về chuyển đổi phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cho rằng việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành sản xuất phân bón trong nước là vô cùng cần thiết và cần tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu kỹ việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%, bởi phân bón là một trong những hàng hóa đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp, là hàng hóa sử dụng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, đặc biệt là người nông dân sẽ chịu tác động lớn bởi quy định này.
Nêu quan điểm tại phiên thảo luận, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) nhấn mạnh sự mâu thuẫn giữa giá nông sản và giá phân bón kéo dài thời gian qua vẫn luôn là vấn đề nóng của nông nghiệp Việt Nam. Nữ đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất giá trị gia tăng 0%.
"Nếu Luật vẫn giữ 5% đối với mặt hàng phân bón thì nông dân phải bỏ ra khoảng 6.000 tỷ đồng. Nếu dự thảo Luật áp dụng thuế giá trị gia tăng 0% đối với mặt hàng phân bón thì khoảng 2.000 tỷ đồng thay vì được bổ sung vào nguồn thu ngân sách thì nguồn này sẽ hỗ trợ lại cho doanh nghiệp và nông dân. Như vậy nông dân sẽ được giảm đáng kể chi phí đầu vào", đại biểu Vang cho hay.