Trước đó, Bộ VH-TT&DL nhận được tờ trình của UBND tỉnh TT-Huế, bao gồm hồ sơ và biên bản tổng hợp ý kiến về phương án bảo tồn, tu bổ di tích điện Thái Hòa.
Qua xem xét, việc thoả thuận này bao gồm các nội dung liên quan như: bảo quản, tu bổ bộ khung gỗ, hệ mái, nền và tường điện Thái Hòa; bảo quản, tu bổ, phục hồi các thành phần trang trí và nội thất công trình; tu bổ, gia cường, cân chỉnh sân nền khuôn viên điện, lan can và hệ thống tường kè chắn đất; tôn tạo vườn cây, tiểu cảnh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Thỏa thuận đã có những lưu ý, qua đó nhấn mạnh thực hiện biện pháp bảo quản đối với các cấu kiện gỗ còn tốt, gia cố tu bổ đối với các cấu kiện gỗ bị hư hỏng một phần; chỉ thay thế hạn chế đối với các cấu kiện gỗ đã hư hỏng hoàn toàn.
Ngoài ra, lựa chọn và chỉ định rõ trong hồ sơ một số cấu kiện gỗ cổ, cũ (như cột, xà…) có sơn thếp còn khá nguyên vẹn về màu sơn để bảo tồn và làm mẫu khi sơn phục hồi các cấu kiện, bộ phận kiến trúc gỗ của công trình; tính toán, lựa chọn, đề xuất cụ thể sắc độ màu sơn thếp phục hồi, đảm bảo hạn chế tối đa việc phải sơn phục hồi lại các cấu kiện sơn thếp cổ, các cửa ván có sơn thếp trang trí rồng, trần gỗ có trang trí; chỉ rõ chủng loại vật liệu sơn và quy trình sơn phục hồi.
Thỏa thuận còn đặt vấn đề, trong quá trình thực hiện dự án phải hết sức thận trọng đối với việc bảo quản, tu bổ các mảng trang trí chạm khắc có các hoa văn, chữ viết, phải giữ nguyên vẹn các chi tiết này cả về màu sắc và hình dáng. Tiếp tục sưu tầm tư liệu để bổ sung cơ sở khoa học cho việc phục hồi nền lát gạch hoa tại hai gian đầu hồi...
Với giải pháp tu bổ sân đại triều, bổ sung nguyên tắc các viên đá thay mới lát sân đảm bảo đồng chất liệu, hài hòa về màu sắc với các viên đá cũ xung quanh; tu bổ, gia cố, bảo tồn tối đa các lan can cũ còn khả năng sử dụng; tái sử dụng vật liệu của các lan can đã bị hư hỏng; làm rõ hơn nữa giải pháp tổ chức trồng cây xanh, tiểu cảnh khu vực sân vườn khuôn viên sân điện trên cơ sở có sự nghiên cứu tư liệu lịch sử.
Theo các tài liệu lịch sử, khoa học, điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng nhất trong Hoàng cung triều Nguyễn. Đây là nơi diễn ra các đại lễ và các cuộc họp đại triều với sự tham gia của nhà vua, hoàng thân, quốc thích và các đại thần.
Tên điện Thái Hòa lấy gốc từ Kinh Dịch. Chữ “Hòa” có nghĩa là hòa hợp, hài hòa, “Thái Hòa” là khí âm dương hội hợp mà dung hòa với nhau. Vua trị vì thiên hạ cần phải giữ cho được sự hòa hợp tốt đẹp giữa dương và âm, cương và nhu thì mới hữu ích cho vạn vật.
Công trình xây dựng vào tháng 2/1805 và hoàn thành vào tháng 10/1805.
Ban đầu, điện Thái Hòa nằm cách vị trí hiện nay khoảng 45 mét về phía Tây Bắc. Tháng 3/1833, khi điều chỉnh quy hoạch và hoàn chỉnh hệ thống kiến trúc ở Đại nội, vua Minh Mạng cho dời điện Thái Hòa về phía Nam, xây dựng đồ sộ, nguy nga hơn.
Qua 22 lần trùng tu, do yếu tố thời gian và ảnh hưởng nghiêm trọng của thời tiết, đặc biệt là đợt mưa bão dồn dập cuối năm 2020 vừa qua, di tích đặc biệt điện Thái Hòa xuống cấp nghiêm trọng, một số cấu kiện gỗ đã mục ruỗng, không đảm bảo an toàn.
Do đó, việc đầu tư trùng tu, tôn tạo công trình là hết sức cấp thiết.