Theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường THCS và THPT toàn cục: Điều 37. Các hành vi học sinh không được làm: Nội dung 4: Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.
Nội dung này ngay khi ra đời đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Nhiều người ủng hộ cho rằng, việc cho học sinh sử dựng điện thoại trong giờ học phục vụ trong học tập là cần thiết, phù hợp với xu thế công nghệ 4.0 hiện nay… Tuy nhiên, cũng rất nhiều người phản đối nội dung này, họ cho rằng việc cho học sinh sử dụng điện thoại sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường như làm sao nhãng việc học, giáo viên không thể quản nổi học sinh…
Để có cái nhìn đa chiều, Báo Tiền Phong- Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đoàn TNCS HCM phối hợp cùng với Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng và Trường THPT Hùng Vương tổ chức tọa đàm “Học sinh được sử dụng điện thoại- Nên hay không?” với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục là các nhà tâm lý, xã hội học; lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM; giáo viên, học sinh các trường phổ thông …
Địa điểm tổ chức: Trường THPT Hùng Vương, quận 5
Thời gian: Từ 7h30- 10h00 ngày 25/9 (Thứ sáu).
Buổi tọa đàm được phát trực tiếp trên trang Fanpage, kênh Youtube của Báo Tiền Phong và trên tienphong.vn.
Bạn đọc báo Tiền Phong quan tâm đến chủ đề tọa đàm có thể gửi câu hỏi qua email: nguyendung.tienphong@gmail.com; hoặc gửi bằng bình luận dưới bài viết này.
Trân trọng cám ơn!
Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
25/09/2020 08:25
25/09/2020 08:25
25/09/2020 08:30
25/09/2020 08:51
Nhà báo Lê Xuân Sơn- Tổng biên tập báo Tiền Phong phát biểu mở đầu buổi toạ đàm “Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học- Nên hay không?”.
Nhà báo Lê Xuân Sơn- Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra thông tư quy định cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học nếu giáo viên đồng ý đã tạo nên cuộc tranh luận gay gắt. Bên cạnh những phân tích về lợi ích của việc sử dụng điện thoại, còn có nhiều lo lắng về tác hại của việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp.
Khi Thông tư này ra đời, phản ứng đầu tiên là người dân có vẻ không tán thành. Chúng tôi cũng bỏ công tìm hiểu thì nhận thấy hầu hết các ý kiến đồng ý cho rằng, điện thoại di động kết nối internet sẽ giúp học sinh học hỏi được nhiều kiến thức quý báu. Do đó, chúng ta cần định hướng, hướng dẫn cho học sinh sử dụng điện thoại di động đúng cách.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối lại cho rằng, hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới đều cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học, do bị phân tâm trong giờ học, lười vận động, chát chít. Ngoài ra, học sinh giao lưu trên mạng, dễ nảy sinh tình trạng bắt nạt, ẩu đả…
Sau khi nghiên cứu kỹ, chúng tôi thấy ý kiến phản đối đều xuất phát từ việc học sinh được sử dụng điện thoại di động mà chưa hiểu là phải được sự đồng ý của giáo viên. Báo Tiền Phong nhận thấy cần phải có sự nghiên cứu, thảo luận dưới nhiều góc độ khác nhau để cùng nhau có góc nhìn thấu đáo.
25/09/2020 09:05
Không có điện thoại thông minh hay ngốc nghếch
Trình bày tham luận tại toạ đàm, bà Tô Thụy Diễm Quyên, Chuyên gia giáo dục toàn cầu, CEO Innedu STEAM cho biết: “Hãy biến thách thức thành cơ hội. Điện thoại thông minh hay ngu ngốc, tùy thuộc vào việc chúng ta sử dụng. Ở nơi công cộng, mọi người thường cắm mặt vào điện thoại. Người Việt dám bỏ ra gấp 5 lần thu nhập của mình để mua điện thoại thông minh nhưng sử dụng thì chưa thông minh”.
Theo bà Quyên, hiện nay, có 5 tỷ người đang sử dụng điện thoại di động. Những đứa trẻ được sử dụng điện thoại thông minh từ rất sớm, nghiên cứu chỉ ra là lúc 12 tuổi. 92% người Mỹ tin rằng, nghiện điện thoại di động là có thật trong khi 86% người sử dụng điện thoại thường xuyên kiểm tra điện thoại di động, dù đang nói chuyện với nhau…
“Hiện nay, học sinh chỉ cần 1 chiếc điện thoại là biết tất cả thông tin trên thế giới. Thách thức của chúng ta trong tương lai là công nghệ trí tuệ nhân tạo, robot sẽ thay thế con người. Dự đoán, năm 2030 gần một nửa công việc trên thế giới sẽ bị robot thay thế.
Do đó, 10 học sinh ra trường thì 8 bạn phải giỏi về Công nghệ thông tin, nếu không các bạn sẽ bị đào thải. Nếu các bạn chỉ ôm điện thoại chỉ để chát chít thì sẽ tạo ra thách thức rất lớn. Việc kiểm soát công nghệ là chìa khóa cho tương lai”- bà Quyên lý giải.
Chia sẻ thêm về việc sử dụng điện thoại thông minh an toàn, bà Tô Thụy Diễm Quyên, Chuyên gia giáo dục toàn cầu phân tích có 3 nhóm giải pháp, đó là Tự thân các bạn học sinh, tập thể quản lý, người lớn nhắc nhở. Ngoài ra, còn có 7 aap để quản lý việc sử dụng điện thoại, mà tất cả đều miễn phí.
“Một ngày tôi mặc định chỉ lên Facebook 30 phút thôi thì sau 30 phút đó, điện thoại của tôi không lướt Facebook được nữa. Không có điện thoại nào thông minh hay ngu ngốc, tất cả chỉ là do mình sử dụng”- bà Quyến đúc kết.
25/09/2020 09:19
Gần 100% học sinh có mặt tại tọa đàm khi được hỏi đều cho rằng có sử dụng thiết bị điện tử để phục vụ cho việc học, tất cả đều là do bố mẹ trang bị.
Đỗ Huyền Anh, học sinh trường THPT Hùng Vương chia sẻ, trong lớp, tiết học đi quá nhanh, không hiểu hết thì trên Youtube hoặc Google có nhiều người giảng, em vào đó xem. “Trên internet cũng có nhiều kiến thức giúp em tự học ở nhà bằng điện thoại”- Huyền Anh cho biết.
Trong khi đó, em Trần Quốc Minh Huy, lớp 5 Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo thừa nhận rằng em cũng đã sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin và học trực tuyến.
Tuy nhiên, nhiều học sinh cũng cho rằng, trong quá trình sử dụng thiết bị điện tử để phục vụ học tập thì có lạm dụng một chút để chát chít, xem phim, lướt Facebook, giải trí...
25/09/2020 09:27
Dùng điện thoại để giải trí nhiều thì nên tự xem lại mình
Thầy Lê Quang Huy, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hùng Vương cho biết, khuyến khích các em sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin. Tuy nhiên, thời gian để các em sử dụng điện thoại để phục vụ học tập là nhiều hay ít hơn các hoạt động khác như xem phim, lướt Facebook mới là điều đáng quan tâm. Nếu các em sử dụng điện thoại để phục vụ giải trí nhiều hơn thì nên tự xem lại mình.
“Ở trường THPT Hùng Vương, trong thời đại số 4.0, thiết bị số đã giúp chúng tôi tiếp cận với tri thức thế giới nhanh hơn, gần hơn. Tuy nhiên, làm sao để chúng ta kiểm soát được là vấn đề quan trọng. Do đó, con người muốn sử dụng thiết bị thông minh thì mình phải thông minh hơn nó, làm chủ được nó chứ không để điện thoại làm chủ mình. Với tâm lý của học sinh, các em dễ bị lôi cuốn lắm.
Nhiều người trưởng thành vẫn bị lôi cuối vào game, Facebook… “- ông Huy nói và cho biết, thiết bị thông minh không phải là để tra cứu kiến thức cơ bản mà nên làm việc nhóm, làm dự án, tra cứu kiến thức thế giới… Về phía nhà trường, chúng tôi ủng hộ việc sử dụng thiết bị thông minh trong việc dạy và học.
25/09/2020 09:39
Cởi mở với công nghệ không có nghĩa là trả mọi giá để sử dụng
Thầy Nguyễn Đình Độ- Hiệu trưởng trường PTTH Thành Nhân TPHCM cho rằng Thông tư 32 ra đời cũng làm ông trăn trở, vì thế ông đã lên mạng tra cứu ngay về tình hình sử dụng điện thoại các nước trên thế giới như thế nào?.
“Nước ngoài bây giờ cũng đang thiên về xu hướng nên cấm việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học. Mặt được là tăng cường kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian… Nhưng cái không được là học sinh bị phân tán tư tưởng, bị bắt nạt, xảy ra gian lận trong thi cử, làm hạn chế năng lực tiếp xúc với thế giới xung quanh”- ông Nguyễn Đình Độ nói.
Dẫn chứng từ thầy Độ cho thấy hiện tại, các nước như Anh, Úc, Pháp… đã cấm học sinh sử dụng điện thoại di động từ tháng 8/2019.
“Cởi mở với công nghệ không phải là trả mọi giá để sử dụng nó. Một số nơi, cho sử dụng rồi cấm đều thấy hiệu quả hơn, điểm số học sinh tăng mạnh. Do đó, phải biết cách sử dụng smartphone. Với Thông tư 32, cho học sinh sử dụng điện thoại thì giải pháp là quản lý như thế nào?”- ông Độ cho hay.
25/09/2020 09:45
25/09/2020 09:50
Lạm dụng điện thoại khiến con người vô cảm
Theo PGS. TS Lương Thị Ngọc Ánh, Trưởng bộ môn Giáo dục thể chất, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, con người không chỉ chăm lo sức khỏe về thể chất mà còn có sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội.
Khi Thông tư 32 ra đời, xã hội bắt đầu “sôi”, tất cả thầy cô, ba mẹ đều lo lắng. Rất nhiều học sinh đam mê sử dụng điện thoại di động đều phản ứng.
Nhưng thực tế cho thấy, khi sử dụng điện thoại di động quá nhiều, sẽ bị ảnh hưởng rất lớn về sức khỏe tinh thần, thể chất, mất đi sức khỏe xã hội và làm cho con người vô cảm.
Học sinh cũng không ngoại lệ. Do đó, các bạn phải tự ý thức để sử dụng điện thoại một cách hiệu quả.
25/09/2020 09:54
Dùng điện thoại cũng có ngoại lệ
Cô Lê Thị Phượng, Hiệu phó trường THPT Nguyễn An Ninh cho biết, hiện tại, trường THPT Nguyễn An Ninh cấm học sinh sử dụng điện thoại nhưng cũng có ngoại lệ như tiết học tiếng Anh thì cho học sinh dùng.
Trao đổi về quản lý việc có hay không để cho học sinh dử dụng điện thoại, cô Phượng cho rằng để sử dụng điện thoại hiệu quả thì quan trọng tính tự giác của học sinh, sau đó mới tới quản lý của giáo viên. Ngoài ra, giáo viên cũng cần phải nâng cao trình độ, tự trau dồi để thích nghi.
25/09/2020 09:56
Trong khi đó, cô Đặng Ngọc Trâm Anh, trợ lý thanh niên trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong cho biết nhà trường ra quy định sau khi có khảo sát là học sinh có muốn sử dụng điện thoại trong lớp hay không? Ở trường, một số tiết có cho học sinh sử dụng điện thoại nhưng nhiều em vẫn không xài. Các em chỉ ghi nhận những chỗ chưa hiểu rồi về tra cứu sau.
25/09/2020 10:35
Ngành giáo dục TPHCM không cấm việc sử dụng điện thoại
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Giáo dục chính trị sinh viên học sinh, Sở GD-ĐT TPHCM: "Ngành giáo dục TPHCM không cấm việc sử dụng điện thoại hay các trang thiết bị phục vụ trong giờ học. Chúng tôi giao quyền sử dụng các thiết bị này cho mỗi nhà trường và các thầy cô giáo. Thông tư 32 là một hướng mở và theo kịp xu hướng hiện nay. Chúng ta cần phải hiểu rõ Thông tư 32 là sử dụng điện thoại trong giờ học phải được sự cho phép của giáo viên".
25/09/2020 10:42
Ông Lê Thắng Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT nói rằng Thông tư 32 tạo cơ sở pháp lý giúp nhà trường, giáo viên sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin phục vụ việc giảng dạy. Còn việc sử dụng như thế nào, tùy vào các trường. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã có phát ngôn chính thức về vấn đề này, bởi nó liên quan đến thế hệ tương lai của đất nước. Trước khi đưa ra quyết định này, Bộ GD-ĐT đã tham vấn các nhà chuyên môn, chuyên gia…rất kỹ.
25/09/2020 10:51
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương, Trưởng bộ môn Luật - Luật Kinh tế, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho biết, về mặt nguyên tắc, Thông tư 32 cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, tuy nhiên, Thông tư 32 Bộ cũng giao quyền cho phép việc sử dụng điện thoại trong giờ học cho giáo viên. Ở đây, không có sự mâu thuẫn nào trong quy định của Bộ GD-ĐT, chỉ là Bộ giao quyền cho giáo viên đứng lớp quyết định.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Phương trên thế giới, việc sử dụng điện thoại trong giờ học cũng quy định khác nhau. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, mang điện thoại đến trường đề phòng thảm họa thiên nhiên để tiện liên hệ. Tại Mỹ, không phải bang nào cũng cho phép cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học…
Ở Việt Nam, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để trang bị cho con em mình một chiếc điện thoại thông minh để sử dụng trong giờ học.
“Trong 18 nước chúng tôi khảo sát chỉ có 2 nước là cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là Trung Quốc và Mỹ, tuy nhiên mới đây một số bang ở Mỹ và một số tỉnh ở Trung Quốc cũng cấm cho học sinh sử dụng”- PGS Hoài Phương dẫn chứng.
25/09/2020 10:52
25/09/2020 10:54
Nên có khóa tập huấn cho giáo viên
PGS. TS Trần Mạnh Hà, Phó hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho rằng, ứng dụng Công nghệ thông tin vào các lĩnh vực trong đời sống, giáo dục là không thể ngăn cản. Việc sử dụng điện thoại trong giờ học nên được xem là thiết bị hỗ trợ học tập cho học sinh.
Thầy cô cho học sinh mang máy tính vào lớp thì điện thoại cũng là thiết bị tương tự. Tôi cho rằng, nên cho các em mang điện thoại vào lớp học để sử dụng, bởi các thầy cô hoàn toàn kiểm soát được việc này.
Nên có một khóa tập huấn để giáo viên nâng cao kỹ năng quản lý học sinh sử dụng điện thoại di động.
25/09/2020 10:56
Ông Trương Tiến Sĩ, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn du học ASEP cho biết: "Tôi có cơ hội tiếp cận với nhiều em học sinh bị nghiện điện thoại di động. Những em này thường không tập trung khi tham gia các hoạt động nhóm.
Ở các trường đại học, những sinh viên bị buộc thôi học thì phần lớn là do nghiện game. Trên thế giới, phần lớn các nước tiên tiến đều cấm học sinh dử dụng điện thoại trong giờ học.
Bởi cái lợi thì chưa biết được bao nhiêu nhưng cái hại thì rất lớn. Đến trường thì phải tương tác với bạn bè, giao tiếp với thầy cô".
25/09/2020 10:58
Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể
Phát biểu kết thúc toạ đàm “Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học- Nên hay không?”, Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho rằng, việc có cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học hay không, không chỉ là vấn đề băn khoăn của nội hàm buổi tọa đàm mà của rất nhiều nước trên thế giới.
Trong một giờ học, nếu cho đem điện thoại vào lớp, khi có tin nhắn báo đến, các bạn học sinh có mở ra xem không? Như vậy, các em có thể tập trung vào việc học được không? Tại tọa đàm, các ý kiến đều đồng ý nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học nhưng sử dụng như thế nào cho thông minh?
Bằng cách nào để làm được việc này, đây là câu hỏi rất lớn. Nên chăng Bộ GD-ĐT cần có các khóa tập huấn cho giáo viên về quản lý, hướng dẫn cho học sinh sử dụng điện thoại một cách có ích trong giờ học?
Tổng biên tập báo Tiền Phong cũng cảm ơn sự có mặt của hàng trăm em học sinh đến từ các trường trên địa bàn và sự có mặt của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, đặc biệt là trường ĐH Hồng Bàng và trường THPT Hùng Vương đã hỗ trơ báo Tiền Phong thực hiện thành công buổi toạ đàm.