Bảo tàng của người quét rác

TP - Ông là nhà thơ phản chiến, bút danh của ông lấy từ tên một người quét rác. Và ông là người lập bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Đà Nẵng. Ông là Đoàn Huy Giao.
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng.
 

1. Hơn chục năm trước, đạo diễn Trần Lực và tôi từng đến nhà ông ở kiệt đường Hoàng Diệu, khi từng đống đồ cổ xa xưa có, của các dân tộc Tây Nguyên có, bày ăm ắp khắp nhà lẫn vườn. Bây giờ thì những của quý đó đã nằm ngăn nắp trong những khu riêng biệt trong bảo tàng tư nhân đầu tiên của Đà Nẵng mang tên loài cây đậm nét dân dã là đồng đình, còn được gọi là cây đùng đình.

Thực ra, chẳng đợi đến khi Bảo tàng Đồng Đình ra đời trên lưng chừng núi Sơn Trà ngó xuống vịnh biển tuyệt đẹp này, thì lai rai từ nhiều năm trước tôi đã mạn phép ông chủ yếu qua điện thoại, rủ bạn lên đây “mượn đá để ngồi”. Những người bạn trân quý phần lớn đến từ phương xa thèm khát một nơi chốn thanh tịch.

Nhớ dạo sư huynh Cao Tự Thanh từ Sài Gòn ra Quảng Ngãi thọ tang Thầy Nguyễn Đình Thảng - người dạy những nét Hán tự đầu tiên cho huynh tại Đại học Tổng hợp Hà Nội những năm 70, cũng là Thầy dạy của tôi sau này ở Huế. Rủ rê sư huynh về Đà Nẵng, nhậu lết bết buổi trưa bên biển Mỹ Khê. Nhưng rồi nhìn lên phía bán đảo Sơn Trà, tôi sực nhận ra món huynh cần. Thế là hai anh em kéo nhau lên núi.

Hoa Ngõ Hạnh hay tin xách chai rượu lên theo. Hạnh ngộ một buổi chiều tuyệt đỉnh với những thanh âm câm lặng của đá, của rêu và suối lạnh

Nhưng mấy ai biết, từ bao nhiêu năm trước, như một lão nông thực thụ, cứ đến cuối tuần hoặc bất cứ lúc nào rảnh, ông lại tắt điện thoại cởi trần quần quật xếp sửa từng bậc đá, chăm chút từng gốc cây bụi cỏ trên cái nơi ông vẫn gọi là rẫy này.

Như chú Năm Trì trong trường ca “Tam Giác Nghịch” gây xôn xao của ông. Cái lạ của rẫy ông Giao, mà bây giờ là bảo tàng Đồng Đình, đó là thiên nhiên ở đâu vẫn “ngồi yên đấy”, không bị xáo trộn bởi bàn tay con người. Những khối đá thiên nhiên rêu phong khổng lồ vẫn án ngự ngay giữa những gian nhà trưng bày không hề suy xuyển.

Chính vậy, mới hôm nọ, đoàn kiến trúc sư nước ngoài do GS.KTS George Kunihiro – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư châu Á dẫn đầu đến Đà Nẵng đã đặc biệt ngất ngây với không gian và “tinh thần thiên nhiên” kỳ lạ của Đồng Đình…

Một góc bảo tàng tư nhân Đồng Đình.
 

2. Bút danh của NSƯT, đạo diễn phim tài liệu truyền hình, nhà thơ Đoàn Huy Giao là một câu chuyện khá ly kỳ chưa mấy người biết. Khoảng chừng năm 1966, chàng thanh niên Quảng Ngãi có tên cúng cơm Nguyễn Trì thuở mới làm thơ, làm báo lấy bút danh Trình – NH (trừ NH đi thì còn Trì, vậy thôi !).

Ông bạn văn Đoàn Thạch Biền thấy trúc trắc quá, mới biểu kiếm cái tên khác. Một bữa nọ ăn bánh mỳ, tờ giấy lót bánh là bảng lương của những nhân viên ngành quét dọn phố phường, kiểu như công nhân môi trường đô thị bây giờ. Thấy trong danh sách có cái tên Đoàn Huy Giao hay hay, lại trùng với họ mẹ mình, chàng Năm Trì bèn lấy luôn làm bút danh từ đó.

Không biết có phải bị ám bởi cái tên của người lao công, mà thơ Đoàn Huy Giao từ đó luôn hướng về những phận đời quẫn bách, cùng khổ giữa ly loạn chiến tranh. Cũng như bản thân ông một thời trốn lính bằng cách liên tục đổi tên để thi tú tài. Một loạt trường ca phản chiến lần lượt ra đời: “Cho con vật hai chân” (1969), “Phẫn nộ ca” (1970), “Bài ca Nam – Bắc mới” (1972), “Bài ca tình châu thổ” (1973), “Trường ca Phượng Kiều” (1974)…

Đầu năm 1973, một giai phẩm văn thơ đặc biệt của những “nghệ sĩ nông dân” mang tênTương lai hướng về phía những người lao tác” (số 1) do Đoàn Huy Giao chủ trương cùng nhóm bạn bè Uyên Hà, Thiếu Khanh, Nguyễn Tịnh Đông, Đynh Trầm Ca… in ấn ở Đà Nẵng khiến xôn xao dư luận văn nghệ miền Nam.

Bản thảo tập số 2 đã chuẩn bị xong nhưng do tính nóng bỏng của nó nên bị ách lại. Nhà thơ họ Đoàn rất ít đọc thơ, cả đời chỉ nhớ mỗi 3 đêm đọc thơ trước hàng ngàn người ở Hội An những năm bảy mươi cùng với Trịnh Công Sơn, Đông Trình, Đynh Trầm Ca…

Nhận xét ban đầu có vẻ Đoàn Huy Giao là người quảng giao. Nhưng nguyên tắc sống của ông lại khác hẳn. Đó là ngại đám đông, ít tụ bạ, dị ứng với mọi sự tôn sùng thần tượng hóa đâu đó, và viết nhưng ít tham vọng để in ấn, quảng bá. Như từ mấy chục năm trước trong 39 bài thơ ngăn kéo, ông từng neo lại một khúc lặng thế này: “Nầy chú em vĩ đại thuở chăn bò/trên đồi vắng sa mù và buốt lạnh/sao ngọn cỏ kia cứ tàn đi/rồi lại mọc/những phút kiệt cùng vắng lặng của đời ta”.

Cũng bởi sự kín tiếng khi nói về thơ, nên nhà thơ Thanh Thảo từng kết luận: nếu trong đám đông các nhà thơ mà tình cờ có Đoàn Huy Giao lọt vào đó, thì chắc có người sẽ tìm cách… dạy dỗ Giao làm thơ !

Kiểu quảng giao của ông thì ra cũng chỉ là cuộc chơi để truy tầm mọi thứ gì thuộc về văn hóa. Là nếu gặp được người tâm đầu ý hợp, sẽ chơi tới kiệt cùng. Không rượu không bia, chỉ cà phê với điếu thuốc trong một phong thái là những góc riêng tư để rủ rỉ chuyện đời, chuyện văn.

Hoặc những chuyến đi làm phim, viết lách kéo dài hàng vài tháng trời một cách đơn độc. Như với nhà văn Nguyên Ngọc nhiều năm nay, hay như xa xưa hơn là cuộc chơi với Vũ Hữu Định, thi sĩ của “Em Pleiku má đỏ môi hồng/Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông…” được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành nhạc phẩm lừng danh.

Một trong những cuộc chơi kiệt cùng đó là với Lưu Quang Vũ, mà sau này Đoàn Huy Giao tâm sự, khi Vũ mất đi thì ông cũng mất hẳn một nửa Hà Nội. Đó là những năm đầu giải phóng, nhà thơ phản chiến ở miền Trung lần đầu ra Hà Nội, gặp được tâm hồn đồng điệu. Vũ đưa Giao lần đầu thâm nhập mọi ngõ ngách văn hóa Hà thành, diện kiến Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Phùng Cung, nhạc sĩ Hoàng Giác…

Giao chia sẻ với Vũ tư liệu và cách nhìn về văn nghệ miền Nam. Mỗi lần về thăm quê nội Đà Nẵng, vợ chồng Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh cùng cậu con trai Lưu Quỳnh Thơ lại về túp lều của Đoàn Huy Giao bên chân núi Sơn Trà. Đám cưới của Giao với ký giả Hoàng Trung Yên, ái nữ của Giáo sư Hoàng Châu Ký năm 1980 cũng do chú ruột Lưu Quang Vũ là nhà thơ Lưu Trùng Dương làm chủ hôn.

Chẳng gì thì thân phụ của Vũ là cụ Lưu Quang Thuận cùng quê Đà Nẵng Quảng Nam với cụ Hoàng Châu Ký, cùng hoạt động sân khấu những năm dài trên đất Bắc, chắc hẳn có nhiều mối tâm giao.

Có một sự khuất khúc nào đó mà tôi không dám hỏi sâu, nhưng vẫn biết rằng, với khí khái thẳng thắn đầy chất “quan điểm” một thời giáp ranh trước đổi mới, cụ Viện trưởng Viện nghệ thuật sân khấu Hoàng Châu Ký hẳn đã từng va chạm với quan điểm cấp tiến của kịch tác gia Lưu Quang Vũ. Nhưng có lẽ sự liên tài khiến mọi sự khác đi…

Hôm ấy, đang ngồi với nhau bên tiệm sửa radio Đồng Thanh trên đường Hùng Vương, Đà Nẵng, Vũ chợt đưa tay chỉ một người mặc áo chàm, râu tóc để dài đang lững thững, hỏi biết là ai không. Giao ngơ ngác. Phùng Quán chứ còn ai! Thì ra tác giả “Lời mẹ dặn” bữa ấy đang vào tìm ông chú sống đâu đó trên phố này.

Lúc ấy cụ Phùng Quán đang sướng, bởi lần đầu tiên sau hơn 30 năm “cá trộm, rượu chịu, văn chui”, cái tên Phùng Quán được tái xuất thi đàn với “Trường ca cây cà” vừa in trên báo Quảng Nam–Đà Nẵng chủ nhật số 7 ra ngày 15-2-1987 còn thơm mùi mực. Thế là nhập hội, kéo nhau về túp lều của Giao bên Sơn Trà.

Cái thời đói nghèo, chỉ bo bo với rượu thuốc rầy, Đoàn Huy Giao vừa làm truyền hình, vừa làm thơ… bán cho hợp tác xã để lấy khoai sắn, nhưng những cuộc vui cứ kéo dài. Có những đêm mưa gió chợt lồng lộng đổ về trong mái nhà tôn nơi bán đảo, cả chủ lẫn khách mỗi người ôm một… cây cột nhà để khỏi bay ra biển!

3. Năm 2001, phim tài liệu truyền hình “Lá hát” của Đoàn Huy Giao nhận Giải thưởng lớn Việt Nam Xanh tại Liên hoan phim môi trường chào đón thế kỷ 21 do Bộ KHCN&MT, Hội Điện ảnh VN và Đài truyền hình VN đồng tổ chức.

Bộ phim khởi đi từ câu chuyện chàng thanh niên dân tộc Jarai Rơ Lăng Đệ, chỉ với một chiếc lá bất kỳ có thể đưa lên miệng tấu lên mọi bản nhạc, mọi tiếng chim muông, để mang tới tiếng kêu cứu khẩn thiết của rừng xanh, của môi trường đang bị tàn phá.

Mấy chục năm, bước chân của đạo diễn Đoàn Huy Giao hầu như chỉ là rừng núi với hàng trăm bộ phim lớn nhỏ. Mới đây nhất là trường thiên 36 tập phim “Tây Nguyên – Miền mơ tưởng” do ông biên kịch và tổng đạo diễn.

“Môi trường bây giờ chính là đề tài lớn hơn cả chiến tranh” - người cả thời trai trẻ giáp mặt với chiến tranh, làm thơ phản chiến, nay ngậm ngùi tâm sự. Con người tàn phá thiên nhiên, môi trường sẽ không chỉ mất đi cuộc sống chính họ, mà cái mất lớn nhất là cội rễ văn hóa.

Chợt nhớ những câu thơ có sức ám ảnh và cựa quẫy mãnh liệt như rừng núi cây cỏ trong trường ca “Tam Giác Nghịch” của Đoàn Huy Giao: “Tôi nằm ngửa trên đất bazan sầm sẩm hoàng hôn một góc rừng cao nguyên nam Đông Dương. Tôi hay người chết trong mộ sâu được làm lễ bỏ mả. Trên đầu tôi là nắm cỏ đuôi chồn và người phụ nữ ngực trần căng tức.

Chị làm ra tia chớp hoang dại xô động trái tim linh thú. Sự hoàn hảo nguyên sơ xâm nhập tôi trước lúc mặt trời mọc, khi tổ tiên chị đã hóa nhập vào mẹ Rừng. Và tôi đã nếm màu cúc quỳ trên đôi vai gió đỏ lưng trần mắt thẳm mà chị đã gùi về bên bếp lửa…”.

Ngoài các trường ca trước 1975, Đoàn Huy Giao còn là tác giả các tập thơ “Ngọn lửa cuối cùng” (1992) “Con chim gỗ nhìn tôi” (2001). Sắp xuất bản tập thơ gồm 2 trường ca “Đất, gió, không gian, nước và thứ năm nữa là lửa” và “Tam Giác Nghịch”.

Theo Báo giấy