Bão số 4 gây mưa lớn dồn dập, cảnh bão lũ quét

TPO - Từ đêm qua đến giờ, bão số 4 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam và với tốc độ được dự báo khoảng 10km/h thì đến trưa và chiều nay, bão sẽ đi vào khu vực phía Đông của vịnh Bắc Bộ. 

Trong 12 đến 36 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam nhưng tốc độ di chuyển sẽ nhanh hơn, khoảng 15km/h, đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Do ảnh hưởng của bão, trong ngày và đêm nay, vùng nguy hiểm(vùng gió mạnh cấp 6 trở lên) trên Biển Đông được xác định là vùng Phía Bắc vĩ tuyến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 107,5 độ Kinh Đông.  Khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6; phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 11. Biển động mạnh. Khu vực vịnh Bắc Bộ,  trong ngày hôm nay cùng có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11 gây biển động rất mạnh.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên trong đêm nay và ngày mai, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2-4m; biển động mạnh. Vùng biển Vịnh Bắc Bộ, các vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa dông mạnh; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc và gió giật mạnh.

Cũng do ảnh hưởng của bão nên từ nay đến hết ngày 18/08, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Trong đó, khu vực có mưa to đến rất to tập trung tại khu vực Đông Bắc, đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An với tổng lượng mưa có thể lên tới 250 – 350mm; một số nơi có thể lên đến 500 – 600mm.

Do mưa lớn xảy ra dồn dập nên từ ngày 16-18/8, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long từ 2-4m, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An từ 3-6m. Trong đó, đỉnh lũ trên sông Đà lên mức BĐ1- BĐ2; sông Thao, sông Hoàng Long, sông Bùi, sông Bưởi (Thanh Hóa) có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3; thượng lưu sông Thái Bình ở mức BĐ1, thượng lưu sông Mã (Thanh Hóa) lên mức BĐ1-BĐ2, hạ lưu sông Mã còn dưới mức BĐ1. 

Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An. Ngập úng tại các vùng trũng, thấp tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và tại các đô thị thuộc tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Phủ Lý, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng.