Bão số 3 gầm gào ngoài khơi, cần thủ vẫn điềm nhiên buông câu ở Đồ Sơn

TPO - Chiều tối 2/8, dù lực lượng chức năng tại thị trấn Đồ Sơn, TP Hải Phòng tăng cường tuần tra cảnh báo, tuy nhiêu hàng tram người dân địa phương và khách du lịch vẫn ra bờ biển hóng gió, câu cá...

Tính đến 17h hôm nay (2/8), vị trí tâm bão số 3 cách Móng Cái 85km, cách Hải Phòng khoảng 240km, cách Nam Định khoảng 300km. Theo ghi nhận tại thị trấn Đồ Sơn (Hải Phòng), nước biển dâng kín các bãi tắm. 

 Tuy nhiên thời tiết tại thị trấn Đồ Sơn chiều nay, không mưa, lặng gió. Hàng trăm người dân địa phương và khách du lịch ra bờ biển hóng gió. Một số mang cần ra câu cá biển tại bãi 1 Đồ Sơn.

Chỉ còn vài giờ nữa bão đổ bộ đất liền, nhưng cần thủ vẫn điềm nhiên buông câu ở Đồ Sơn chiều nay

Nước biển dâng cao, sóng bắt đầu mạnh dần tại Đồ Sơn.

Một người dân thị trấn Đồ Sơn cho biết, họ quen với việc đón bão, triều cường nên không quá lo lắng trước cơn bão số 3.

Khu vực bãi 1, thị trấn Đồ Sơn có nhiều điểm bờ kè bị sóng đánh gây hư hỏng bê tông. Lực lượng chức năng đã dựng rào chắn cảnh báo nguy hiểm.

Người dân đi tập thể dục, hóng gió trước cơn bão số 3 đổ bộ.

Cận cảnh một điểm bờ kè từng bị sóng đánh vỡ.

Trong khi đó, nhiều người ra chụp ảnh trước bãi biển.

Lực lượng chức năng địa phương tuần tra thông báo người dân không tới gần bờ biển Đồ Sơn.

Cảnh sát cũng được tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, cảnh báo người dân không tới gần bãi biển, câu cá.

Ngày 2/8, tiếp tục chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng – ông Nguyễn Văn Tùng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện và thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến bão số 3. Ông cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bão trên địa bàn; kiểm tra lượng vật tư dự trữ theo kế hoạch, thống kê danh sách lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ để huy động khi cần thiết. Tổ chức di chuyển toàn bộ người dân tại các chòi nuôi ngao; dời dân tại các khu vực xung yếu, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, trên các phương tiện thủy đã về nơi neo đậu và tại các khu chung cư cũ, nhà xuống cấp về địa điểm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân. Đồng thời, cắm biển cảnh báo nguy hiểm nơi có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, các cửa cống thoát nước.