Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, khoảng 3 giờ sáng ngày 15/9, gió bão bắt đầu hoành hành ở Quảng Bình, kèm theo mưa lớn. Đến rạng sáng thì gần như toàn bộ địa bàn Quảng Bình bắt đầu gồng mình chống bão.
Địa bàn thành phố Đồng Hới, nơi cơn bão quét qua, mà cao điểm nhất là vào khoảng 11 giờ cùng ngày, gió giật đến cấp 14, 15. Mất điện, mất nước, hàng loạt cây xanh gãy đổ, đường phố ngập nước, giao thông gần như tế liệt. Người dân hầu hết cố thủ trong nhà, đường phố vắng tanh không một bóng người. Bão đã làm đổ sập 2 cổng chào trang trí nặng hàng chục tấn trên đường Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo, hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái, các cơ sở kinh doanh du lịch, trang trại bị thiệt hại nặng nề.
Tại huyện Bố Trạch, có hơn 15.000 ngôi nhà bị tốc mái. Cầu treo xã Liên Trạch bị hư hỏng nặng, hệ thống đường điện 35kV cấp điện cho thị trấn Hoàn Lão bị gãy đổ hàng loạt, nhiều cột điện đè lên cả nhà dân.
Thị xã Ba Đồn được cho là nơi tâm bão đi qua, sức gió mạnh nhất là vào lúc 13 giờ chiều cùng ngày. Triều cường hơn 3,5m, kết hợp với gió bão đã làm ngập lụt các xã ven biển và 9 xã vùng Nam của thị xã Ba Đồn. Toàn thị xã có hơn 16.000 ngôi nhà bị tốc mái, 1 nhà bị sập hoàn toàn, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập lụt, hai người thiệt mạng.
Tại huyện Quảng Trạch cũng có đến 13 ngôi nhà bị sập, hơn chục nghìn ngôi nhà bị tốc mái, mất điện, mất nước hoàn toàn. Theo thống kê sơ bộ, cơn bão số 10 gây thiệt hại cho Quảng Bình gần 2.000 tỷ đồng.
Chiều tối ngày 15/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt tại Quảng Bình ngay sau bão để chỉ đạo khắc phục hậu quả của cơn bão số 10. Quan điểm của Thủ tướng, bằng mọi giá phải khắc phục sớm những hậu quả của bão số 10 gây ra, đặc biệt là đối với thiệt hại của người dân, tuyệt đối không để một người dân nào phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất và đói rét sau bão.