Cách tiếp cận bất thường của Washington đối với hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, và việc Tổng thống Donald Trump yêu cầu Triều Tiên hoàn toàn phi hạt nhân hoá cho thấy Mỹ dường như không thực sự quan tâm đến việc đàm phán.
Nhận định trên được đưa ra bởi nhà phân tích chính trị độc lập Dan Glazebrook.
Theo Glazebrook, sự kiện hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể được coi là điểm sáng hiếm hoi trong nhiệm kì Tổng thống của ông Trump.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ dường như không thực sự hứng thú với việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Bởi không có manh mối nào cho thấy ông Trump đang lên kế hoạch từng bước giảm căng thẳng như những gì ông đã hứa với Bình Nhưỡng: giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, để đổi lấy việc nước này phá huỷ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân.
“Tôi nghĩ rằng nếu Triều Tiên cân nhắc tiến hành phi hạt nhân hoá toàn diện, họ sẽ muốn Mỹ không chỉ loại bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt, mà còn rút toàn bộ quân Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên”, Glazebrook nói.
“Dù ông Trump từng nhiều lần nói rằng các đồng minh Mỹ phải tự lo cho mình, thì việc đó cũng rất khó trở thành hiện thực bởi nó đồng nghĩa với việc suy giảm quyền lực Mỹ.”
Giới phân tích cho rằng Tổng thống Trump có thể đang tìm kiếm một cái cớ để sử dụng vũ lực trong vấn đề Triều Tiên, thay vì đàm phán thực sự.
Cựu Tổng thống Serbia – ông Slobodan Milosevic từng nhận được những “đề nghị” tương tự hồi năm 1999, cuối cùng buộc Serbia phải chịu sự kiểm soát hoàn toàn của NATO.
“Họ đưa ra một đề xuất mà ông Milosevic phải từ chối. Tôi băn khoăn không biết ông Trump có định lặp lại điều này với Triều Tiên không”, Glazebrook nói. “Nếu đúng vậy, thì ông Trump có thể sẽ dựa vào luận điểm “Mỹ đã đưa ra đề xuất hoà bình tuyệt vời, nhưng bị từ chối” để thổi bùng căng thẳng, tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, gia tăng thái độ thù địch với Nga, Trung Quốc vì đã ủng hộ Bình Nhưỡng.”
Hiện các quan chức Mỹ và Triều Tiên đang tích cực chuẩn bị và đàm phán về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Tuy nhiên, chương trình nghị sự của hội nghị dường như vẫn chưa được thống nhất, dù ngày dự kiến diễn ra cuộc gặp lịch sử đang đến rất gần – ngày 12/6.