Bao giờ vàng trang sức "dởm" hết tung hoành?

TP - Chỉ vài ngày nữa, quy định mới về vàng trang sức, mỹ nghệ phải đủ độ tuổi, có mã ký hiệu, xuất xứ... mới được lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh loại vàng này lúng túng, thậm chí không biết thông tin liên quan.
Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi khi mua vàng trang sức sau ngày 1/6. ảnh: Như Ý

Thả nổi và gian lận tuổi vàng 

Hội Kim hoàn Mỹ nghệ TPHCM cho biết, tại địa bàn có 3.000 DN kinh doanh vàng trang sức. Hiện nay, số vàng trang sức lưu hành trên thị trường quá lớn. Vì vậy, việc giải quyết tồn kho loại vàng không đủ độ tuổi này sẽ khó kịp hạn 1/6 tới (Thông tư 22 của Bộ KH&CN quy định vàng trang sức phải đủ tuổi, có xuất xứ... mới được lưu hành trên thị trường).

Theo đó, hội kim hoàn kiến nghị Bộ KH&CN gia hạn thông tư để DN tiêu thụ hết sản phẩm tồn đọng. Bên cạnh đó, hội này cũng đề xuất Bộ KH&CN xem xét, về lâu dài cho phép hàng tồn kho nữ trang lưu thông trên thị trường, nhưng phân biệt vàng trang sức tồn tại trước ngày 1/6 và sau mốc này.

“Thông tư 22 của Bộ KH&CN sẽ quản lý vàng trang sức chặt chẽ hơn. Từ trước đến giờ, các “lò” sản xuất vàng trang sức ở nhiều làng nghề làm không có đăng ký, nên thương hiệu chưa đảm bảo, khiến người tiêu dùng bị thiệt. Về lâu dài, muốn DN sống với nghề, nhà nước nên mở đường cho vàng trang sức xuất ngoại”

Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Trần Quốc Quýnh

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng Cục trưởng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, nhiều năm nay, người tiêu dùng Việt Nam chịu thiệt khi mua vàng nữ trang không đủ tuổi vàng.

Một món nữ trang vàng 18k theo đúng quy chuẩn có hàm lượng vàng không được thấp hơn 75%; với vàng 24k, hàm lượng vàng không được thấp hơn 99,9%.

Tuy nhiên, trước sự thả nổi về kiểm soát chất lượng trong thời gian dài nên thực chất lâu nay vàng nữ trang 18k bán ra thị trường đang ăn gian tuổi (chỉ khoảng 58-68% là vàng). 

Theo ông Vinh, có Thông tư 22, vàng nữ trang phải được bán đúng tuổi gần như 100%. Trước thông tin nhiều DN và Hội Kim hoàn kiến nghị gia hạn Thông tư, ông Vinh cho rằng: Có thể được.

“Người tiêu dùng Việt Nam bị gian lận tuổi vàng quá lâu nên việc lùi thời hạn thêm cũng không sao. Thông tư đụng vào quyền lợi của DN nên họ có nhiều ý kiến trái chiều. Đây là thông tư quyết liệt bảo vệ người tiêu dùng”, ông Vinh nói.

Còn ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết: Sau khi thông tư có hiệu lực, NHNN chi nhánh TPHCM sẽ phối hợp với Sở KH&CN TPHCM kiểm tra những DN sản xuất vàng. DN vi phạm sẽ bị tước giấy phép kinh doanh. Theo ông Minh, việc thực hiện lúc đầu sẽ khó khăn, nhưng về lâu dài là tốt cho người tiêu dùng (vì chất lượng trang sức được đảm bảo).

DN vẫn lơ mơ quy định

Mặc dù Thông tư 22 ban hành từ tháng 9/2013 và các DN vàng có gần 9 tháng để chuẩn bị, nhưng đến nay, nhiều đơn vị dường như không biết.

Anh Trần Đình Thanh, chủ tiệm vàng trên đường Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Tôi không biết có quy định gì về vàng nữ trang. Thợ cửa hàng vẫn chế tác các sản phẩm vàng trang sức phục vụ buôn bán hằng ngày”.

Theo khảo sát của Tiền Phong, hoạt động buôn bán vàng trang sức tại nhiều cửa hàng nhỏ lẻ trên địa bàn Hà Nội vẫn bình thường dù thời điểm “siết” kinh doanh cận kề. Việc mua đi bán lại vàng trang sức không bị tác động bởi Thông tư 22 tại các vùng ngoại ô như: huyện Hoài Đức, Đông Anh, Từ Liêm.

Tuy nhiên cũng có DN băn khoăn về tính khả thi của thông tư. Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam nói: Quy định xuất xứ tuổi vàng gây khó cho DN. “Nhiều năm nay, việc mua bán vàng chủ yếu dựa trên thị trường, thuận mua vừa bán. Nguyên liệu từ nhiều nguồn khác nhau và hầu như chỉ có giấy tờ viết tay. Do đó, việc chứng minh lại nguồn gốc của các nguyên liệu rất khó”, ông Hải phân tích. 

Một số DN kinh doanh vàng miền Bắc lại lo lắng về việc liệu có đồng nhất giữa cân (được các chi cục tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng cấp giấy phép) của đơn vị với cơ quan chức năng.

“Giả sử, cân của đơn vị này mua vài nghìn USD và được kiểm định dán tem định kỳ từ Chi cục Đo lường Chất lượng thành phố; nhưng mỗi khi thanh kiểm tra, sản phẩm nữ trang của tôi lại được giám định bằng một loại cân khác dẫn đến sai số. Trường hợp này, cơ quan thanh tra chấp nhận loại cân nào?”, một chủ DN kinh doanh vàng nói.