Báo động thú ăn chơi hủy hoại môi trường: Ăn tới... tuyệt chủng!

TP - Loài người đang không ngừng gây tổn thương nghiêm trọng môi trường sống của chính mình với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Trái đất mất dần thế cân bằng sinh thái không chỉ vì con người buộc phải mưu sinh và phát triển, mà còn vì những lối hưởng thụ, những niềm tin vô căn cứ và nhiều kiểu vui chơi thiếu ý thức của nhân loại.
Số phận thê thảm của một con hoẵng (ảnh lớn). Cặp cá mõm trâu vàng đã lên máy bay (ảnh nhỏ).

Đã qua rồi thời quán nhậu trưng biển mời chào đủ món đặc sản từ các loại động vật quý hiếm. Tuy nhiên, số “thượng đế” có nhu cầu vẫn đông đảo, nên chẳng công khai thì bí mật, người ta vẫn tiếp tục giết thịt những con vật sắp tuyệt chủng bằng cách kết nối xuyên quốc gia cả nhiều mạng lưới săn bắt, mua bán, tiêu thụ tinh vi.

Với những ai yêu thiên nhiên, tê tê (còn gọi là con trút) là loài vật hoang dã nhút nhát, hiền lành. Tuy nhiên, do số người thích ăn thịt và sử dụng nó làm thuốc chữa bệnh không ngừng tăng, loài tê tê đã bị đẩy vào nguy cơ tuyệt chủng.

Từ năm 2000, Công ước Cites đã cấm tuyệt đối mọi giao dịch thương mại về tê tê. Thế nhưng khắp nơi tê tê vẫn bị giết thịt mỗi ngày. Mới đây, tại cảng Cát Lái vào ngày 27/4/2018, Hải quan cửa khẩu phối hợp Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện vụ buôn lậu tới gần 4 tấn vảy tê tê giấu trong 4 container vận chuyển gỗ.

Giá nào cũng ăn

Ông P, một thầy thuốc Đông y hành nghề đã hơn 30 năm trên Tây Nguyên nói: Trung bình cứ mỗi ký tê tê sống mới lấy được 1 lạng vảy mà Đông y gọi là xuyên sơn giáp. Họ giết tới cả vạn con tê tê để có lô hàng 4 tấn. Dù người ta đã nuôi và nhân giống được tê tê, nhưng tàn sát tốc độ đó, nó đẻ sao kịp? Bản thân tôi trước kia cũng dùng xuyên sơn giáp làm thuốc chữa các ca bệnh mụn nhọt, tắc tia sữa, viêm khớp, sau nhận ra nó chả có tác dụng gì, ngoài... rang giòn, ăn chơi!

Một số chủ nhà hàng tại Đắk Lắk cho biết tê tê tươi sống loại 1 (trên 2kg tới dưới 4 kg/con) tùy thời điểm có giá từ 4,5 đến 5,5 triệu đồng/kg. Tê tê trưởng thành nặng 9-10 kg, vẫn có khách quen đặt hàng nguyên con. Ai “buồn mồm” thích món vảy tê tê chiên giòn, cứ bỏ ra 1 triệu đồng sẽ có 1 đĩa nhỏ khoảng chục mảnh vảy, tương đương 1 lạng.

Nhiều phân tích khoa học đã chứng minh: thành phần chính của vảy tê tê, thậm chí của sừng tê giác - mặt hàng đắt giá bạc tỉ, cũng chỉ là keratin, như trong móng tay hoặc tóc người, chẳng có công dụng chữa bệnh hoặc cứu mạng nào như đồn thổi. Vậy mà chỉ vì những lời đồn vô căn cứ đó, con tê giác cuối cùng tại Việt Nam đã bị tàn sát giữa rừng Vườn quốc gia Nam Cát Tiên từ năm 2010. Còn loài tê tê tới nay vẫn không ngừng bị giết để ăn thịt và lấy vảy.

Một con cọp lấy ra từ thùng đá để cạo lông.

Con gì cũng chén

Mà “nhằm nhò” gì với tê tê, khi hàng loạt loài vật đặc hữu, hiếm quý hơn nữa vẫn ngày ngày lên mâm, vào hũ ?! Tất cả các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, những đại ngàn quý giá nhất trên cả nước chưa ngày nào vắng bóng các đối tượng chuyên đặt bẫy, săn bắt thú rừng bằng đủ loại vũ khí sát thương khác nhau, từ cung nỏ, súng kíp tự chế cho tới cả vũ khí quân dụng.

Trong những chuyến thực địa xuyên rừng, nhập vai điều tra, bị kéo vào những cuộc chiêu đãi khó tránh, hay chỉ đơn giản là tình cờ chứng kiến, tôi đã nghe những tiếng kêu hãi hùng ghê sợ khi động vật hoang dã bị cắt tiết. Từ những loài không chân như trăn, rắn; hai chân như các loài có cánh và linh trưởng; bốn chân từ nhỏ như thỏ, chồn, mang, nhím, tới lớn như hổ, báo; cho tới “trăm chân” như rết khổng lồ. Nguồn hàng trong nước cạn kiệt, lập tức có ngay hàng nhập từ Lào, Campuchia. Ở một xã vùng sâu giữa 3 tỉnh Đắk Lắk - Khánh Hòa - Phú Yên, một con hoẵng không may rơi xuống kênh lập tức biến thành hoẵng thui vàng, trong niềm hân hoan của nhóm thanh niên vừa vớt được thú hiếm. 

Tại Vườn Quốc gia (VQG) Cư Yang Sin - nơi được đánh giá còn giữ được hệ sinh thái đa dạng hàng đầu cả nước, nằm trên địa bàn hai huyện Lắk và Krông Bông của tỉnh Đắk Lắk - nhiều năm trước tôi cũng tận thấy hàng chục bộ xác khô của những con chà vá chân đen và vượn má hung, 2 loài linh trưởng cần được bảo vệ nghiêm ngặt trên toàn cầu. Thủ phạm, là những đồng bào di cư tự do tự chế súng kíp và đạn dược để săn bắn. Kiểm lâm VQG cho biết xử lý đối tượng này chẳng khác nào “bắt cóc bỏ dĩa”, vì họ chẳng có tiền bạc hay giấy tờ tùy thân. Tạm giữ thì VQG phải “nuôi”. Giao cho công an thì được giải thích hành vi này chưa đến mức xử lý hình sự, do có cung nên mới có cầu. Phạt hành chính thì dân nghèo chẳng có tiền đóng!

Cho tới bây giờ, dù bộ máy giữ rừng của các VQG đều đã có những nỗ lực đáng kể trong việc vận động giao khoán cho đồng bào giữ rừng đặc dụng, hướng dẫn họ những cách cải thiện sinh kế hợp pháp, tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã, nhưng tình trạng giết hại thú quý vẫn chưa mấy cải thiện!

Anh T- một cán bộ chức trách theo dõi 2 xã Cư Pui, Yang Mao vùng đệm cho biết: dù muông thú bây giờ vắng bóng hẳn rồi, nhưng vẫn chưa dứt hẳn được tệ nạn săn bắn, mua bán trái phép ĐVHD từ VQG Cư Yang Sin.

Cá sông đã cạn

Sêrêpôk- dòng sông dài 406km chảy qua 2 nước Việt Nam - Campuchia , một trong vài chi lưu hùng vĩ, nhiều thác ghềnh nhất của sông mẹ Mê Kông, bốn thập kỷ trước vẫn rất dồi dào thủy sản, với nhiều loài vừa có hương vị thơm ngon vừa kích cỡ khủng tới cả tạ mỗi con, như cá sấu, cá leo, cá sọc dưa. Loài trên dưới chục ký có rùa, ba ba, cá lăng đuôi đỏ, cá tai tượng, mõm trâu... 

Bây giờ, sau thời gian dài bị đánh bắt ráo riết kiểu khai thác tận diệt, lại thêm 7 đập thủy điện chặn dòng xả nước phập phù, nguồn thủy sản trên sông đã cạn kiệt. Một chủ nhà hàng ở đường Nguyễn Khuyến, khu phố ăn chơi nhộn nhịp sầm uất về đêm nhất Buôn Ma Thuột tiết lộ: Hơn 2 năm rồi, chị toàn phải nhập các loài cá ngon có kích cỡ khủng như cá leo, cá sọc dưa, cá mõm trâu từ Biển Hồ Campuchia để đáp ứng nhu cầu thực khách.

Trong đó, đắt và hiếm nhất là loài cá mõm trâu. Mõm trâu Sêrêpôk có 2 dòng màu sắc khác nhau, là đen và cam. Mõm trâu cam - còn được gọi cá “Tiến Vua”, đắt hơn mõm trâu đen cả trăm nghìn đồng mỗi ký. Tìm trên Google, tấm ảnh mõm trâu cam rõ nét nhất tới bây giờ vẫn là ảnh cặp cá mà chị Sen nguyên bếp trưởng nhà khách tỉnh Đắk Lắk từng gọi tôi đến chụp gấp, trước khi chị cẩn thận gói kín và đặt cặp cá vào thùng lạnh, cho nó... lên máy bay ra “tiến vua” nào đó ở Thủ đô!

Năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư đề tài nghiên cứu đặc tính sinh học và ứng dụng thử nghiệm sản xuất giống cá mõm trâu. Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung là đơn vị triển khai vấp ngay trở ngại về nguồn cá bố mẹ, vì rất hiếm khi mua được cá nhỏ còn sống. Mua được cá lớn thì mỗi lần cá chết, là mất ngay mấy triệu mỗi con.

Thạc sĩ Phan Thị Lệ Anh, trưởng Văn phòng đại diện Tây Nguyên thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 chia sẻ: Cá mõm trâu bị săn bắt thường quẫy đập mạnh, nội tạng dập vỡ, nên rất khó sống. Lần duy nhất cách đây 4 năm chị mua được một con mõm trâu khỏe mạnh, mắc lưới ở đoạn sông chảy qua Vườn Quốc gia Yok Đôn, nặng 2,6 kg. Chị gửi nuôi nhờ trong ao một người dân cuối phường Thành Nhất chỉ hơn một năm, cá đã lớn tới gần 5 kg. Rủi ro sau đó chủ ao cho san lấp hồ, quên mất còn con cá quý kẹt dưới ao.

Do nghiên cứu kéo dài không hiệu quả, mới đây Viện đã phải hoàn trả phần kinh phí còn lại của dự án cho tỉnh Đắk Lắk. Bốn nước châu Á có loài cá mõm trâu giá trị là Việt-Lào-Thái-Trung, chưa nước nào thành công trong việc giúp cá mõm trâu sinh sản nhân tạo, nên nguy cơ tuyệt chủng loài cá quý này là điều khó tránh!           

            (Còn nữa)

Trong diễn đàn “Lưu vực Mekong trước thách thức bảo vệ người dân và hệ sinh thái trong bối cảnh nhiều biến động” tổ chức tại Cần Thơ ngày 20/3/2018, một ngư dân đến từ vùng Biển Hồ (Tonle Sap, Campuchia) lo lắng chia sẻ: Mùa hạ trước đây là mùa đánh bắt cá chính để làm mắm, nhưng bây giờ nguồn cá cũng đã cạn kiệt… Nguy cơ 2 triệu dân đa số nghèo khó đang sống dựa vào Biển Hồ không biết sẽ đi về đâu.