Báo động ngành chăn nuôi

TP - Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc kết thúc đàm phán TPP với các tiêu chuẩn mới và cao về thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là một bước quan trọng để tiến tới mục tiêu cao nhất về thương mại tự do và hội nhập trên toàn khu vực.

Theo đó, hàng nông sản của các nước có điều kiện thâm nhập vào Việt Nam sẽ làm cho nông sản trong nước bị cạnh tranh, ép giá, mất thị phần, làm giảm thu nhập của nông dân và doanh nghiệp. Ngoại trừ mặt hàng hồ tiêu, hạt điều, các mặt hàng khác như thịt gà, thịt lợn và ngành chăn nuôi nói chung sẽ phải đối mặt với khó khăn rất lớn.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VPER), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, các cam kết gia nhập TPP sẽ là áp lực cực lớn đối với những doanh nghiệp ngành chăn nuôi cũng như với các hiệp hội, cơ quan quản lý của Việt Nam. Cụ thể, ngành chăn nuôi sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà cung cấp nước ngoài khi thuế nhập khẩu và các biện pháp phi thuế quan được cắt giảm và dỡ bỏ. Trong đó, những người sẽ dễ bị thiệt hại nhất là những nhà sản xuất các sản phẩm sữa, thịt bò, các sản phẩm từ gia cầm, thịt lợn và thịt gà.

Theo dự báo, đối với nhập khẩu, tổng nhập khẩu ngành chăn nuôi sẽ tăng mạnh sau khi TPP có hiệu lực. Trong đó, nhập khẩu các sản phẩm sữa từ các nước có thế mạnh là New Zealand và Mỹ sẽ tăng cao. Tuy nhiên, các sản phẩm thịt trâu, bò, và đại gia súc lại có xu hướng giảm nhập khẩu. Dự báo, nguồn thu thuế của Việt Nam đối với các sản phẩm thịt từ gia súc và các mặt hàng sữa và nguyên liệu sẽ có mức sụt giảm mạnh. Tính chung toàn ngành chăn nuôi, mức sụt giảm thu thuế ước tính lên tới 51,6 triệu USD, tương đương 0,038% GDP. 

Ngoài ra, việc gia nhập TPP với cam kết dỡ bỏ toàn bộ hàng rào thuế quan sẽ khiến nguồn thu của ngành chăn nuôi thiệt hại từ 31,05-31,46 triệu USD tùy thuộc các kịch bản khác nhau. Ngoại trừ phân ngành thịt gà có mức thặng dư, tất cả các ngành khác đều có mức suy giảm đáng lo ngại. Trong đó, ngành sữa bột là ngành với mức suy giảm nhiều nhất, cỡ 20,3 triệu USD.

Để hỗ trợ ngành chăn nuôi cầm cự với cạnh tranh của TPP, theo đánh giá của các chuyên gia của VPER, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng các vùng chăn nuôi, quy tụ vùng nguyên liệu quy mô lớn, nhà máy thức ăn chăn nuôi, cụm trang trại, cơ sở giết mổ, các nhà máy chế biến và đóng gói. Cùng đó, cần xây dựng mạng lưới phân phối và bán lẻ để giảm chi phí vận chuyển.