Bão Côn Sơn gây mưa lớn, nhiều nơi ở Quảng Nam bị cô lập

TPO - Bão Côn Sơn đang tiến gần bờ gây mưa lớn trên diện rộng ở TT - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng. Ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phải dùng tời chuyển gạo, thực phẩm đến người dân nằm trong vùng cô lập.  

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

11/09/2021 12:11

11/09/2021 12:27

Mưa lớn xảy ra trên diện rộng ở Quảng Nam

Sáng 11/9, tại Quảng Nam mưa lớn xảy ra trên diện rộng. Một số nơi nước tràn qua đường gây nguy hiểm, cản trở phương tiện giao thông.

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch huyện Phước Sơn thông tin, đến 11h sáng các địa phương của huyện đã hoàn tất phương án di dời khoảng 110 hộ dân ở khu vực nguy cơ sạt lở. Địa phương sẽ di dời xen ghép, người dân đến các hộ khác có nhà an toàn hoặc đến nhà văn hóa thôn, trụ sở xã. Việc sơ tán trên tinh thần 4 tại chỗ và đảm bảo 5k phòng chống dịch COVID-19.

Nhiều tuyến đường huyết mạch ở Quảng Nam đã bị chia cắt

“Hiện, các tuyến vào xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc nước đã băng qua đường, nên lực lượng chức năng đã bố trí chốt chặn không cho xe máy qua để đảm bảo an toàn. Các tuyến đường liên xã có một số điểm sạt lở nhỏ”, ông Trung nói.

Tại huyện Tây Giang, mưa lớn kéo dài khiến tuyến đường huyết mạch đi lên các xã biên giới Tr’Hy, A Xan, Ch’Ơm và Ga Ry tiếp tục bị sạt lở, xói mòn đất. Lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí sạt lở; đồng thời kiến nghị tỉnh sớm chỉ đạo khắc phục ngành chức năng khắc phục để người dân đi lại an toàn.

Tại xã Lăng (Tây Giang) chiều qua ghi nhận lũ đầu nguồn xuất hiện chiều 10/9 làm hư hại 5 ao cá của người dân cùng nhiều diện tích hoa màu.

Chủ tịch UBNd huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho hay, huyện đã lên phương án sơ tán dân để triển khai nếu mưa quá lớn. Theo đó, có khoảng 5.000 hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở, đồng thời bố trí hàng chục tấn gạo dự phòng. “Việc sơ tán dân tránh bão cũng phải đảm bảo an toàn chống dịch, chúng tôi dự tính bố trí phòng riêng nếu phát hiện F1”.

Trong khi đó, tại TP. Hội An lực lượng chức năng đã tiến hành chằng chống, bảo vệ các di tích, lên phương án di dời xen ghép những hộ có trong vùng nguy hiểm. "Phương án xen ghép, đảm bảo 5k được chọn triển khai trong phương án sơ tán dân tránh bão, chứ không sơ tán như thông thường. Hiện đã đưa 32 người ở Khu cách ly đồn biên phòng Cửa Đại 32 người đưa về Cao đẳng điện lực miền Trung để đảm bảo an toàn", ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hội An nói.

Hoài Văn

11/09/2021 12:45

Đã có người chết do cơn bão Côn Sơn

Do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ quét và dông, lốc, sét, đến nay đã có 1 người chết do lũ cuốn trôi, 1 nhà bị sập tại Nghệ An, 2 nhà bị hư hỏng tại tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, có hơn 1382 ha lúa bị ngập, gãy đổ, 92,6ha rau màu bị hư hại nặng.

Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 6h ngày 11/9, lực lượng chức năng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 71.500 tàu, thuyền/349.088 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, chủ động tránh trú. Trong đó hoạt động ở khu vực vùng nguy hiểm 70 tàu/640 người (Quảng Nam 31 tàu/273 người; Quảng Ngãi 33 tàu/327 người; Bình Định 6 tàu/40 người); hoạt động khu vực khác 9.053 tàu/46.621 người, neo đậu tại các bến: 62.377 tàu/301.827 người.

Hiện các tỉnh đều đã có chỉ đạo yêu cầu các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào bờ, hoặc tìm kiếm nơi trú đậu an toàn. Tuy nhiên, có 3 tỉnh (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) đã tổ chức đôn đốc nhưng vẫn còn tàu, thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm.

Đáng chú ý, 3 tàu của tỉnh Thanh Hóa sau bị mất liên lạc sau phiên 20h ngày 9/9 tại khu vực Vịnh Bắc Bộ và vùng biển Hà Tĩnh. Đến 20h ngày 10/9, đã kết nối 1 chủ tàu về nơi neo đậu an toàn ở đảo Bạch Long Vỹ; 2 tàu còn lại vào lúc 5h ngày 11/9 đã kết nối được lúc hoạt động tại khu vực Hà Tĩnh đang di chuyển về Thanh Hóa.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ quét và dông, lốc, sét từ ngày 7-9/9 đã có 1 người chết do lũ cuốn trôi khi đi qua suối tại tỉnh Gia Lai; 1 nhà bị sập tại Nghệ An, 2 nhà bị hư hỏng tại tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, có hơn 1382 ha lúa bị ngập, gãy đổ, cuốn trôi; 92,6ha rau màu bị hư hại.

Dương Hưng

11/09/2021 13:37

Quảng Ngãi cấm người dân 2 huyện ra khỏi nhà

Ngày 11/0, ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ký công điện khẩn yêu cầu các ngành, địa phương chủ động ứng phó cơn bão số 5 (Côn Sơn).

Riêng huyện Lý Sơn, Bình Sơn thông báo và không để người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú kể từ 12 giờ ngày 11/9 để đảm bảo an toàn tính mạng cho đến khi hết gió mạnh (dưới cấp 6).

Sáng nay ngày 10/9, UBND tỉnh Quảng Ngãi họp, yêu cầu người dân hai huyện Lý Sơn và Bình Sơn từ 12 giờ trưa nay không ra khỏi nhà - ảnh Nguyễn Ngọc

Các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, TP Quảng Ngãi là địa bàn dự báo bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp. Do đó, huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ chằng chống, gia cố nhà ở, công trình... chặt tỉa cành cây để đảm bảo an toàn. Tổ chức di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn (theo phương án đã được xây dựng và phê duyệt) và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID- 19.

Đặc biệt lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện: Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà; vùng trũng thấp tại các huyện: Bình Sơn, Trà Bồng.

Ngư dân Quảng Ngãi đưa tàu cá vào nơi neo trú an toàn. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Tiếp tục nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại). Đồng thời, tiếp tục rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc quay về bờ ngay để neo đậu an toàn. Tuyệt đối không để người lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, từ đêm 10/9, tỉnh Quảng Ngãi đã xuất hiện mưa lớn trên diện rộng. Trong đất liền từ 11/9 đến 12/9, tỉnh Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to và dông, với lượng mưa phổ biến 150-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Tại Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9, tại Dung Quất có gió cấp 6, giật cấp 7.

Người dân thôn Hòa Thuận, xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi hối hả kéo cá chạy đua với bão số 5. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Ngày và đêm nay (11/9), vùng biển Quảng Ngãi (bao gồm đảo Lý Sơn) có gió cấp 7-8, giật cấp 9, sau có gió bão mạnh dần lên cấp 8-9, giật cấp 1011; sóng biển cao từ 3,0-5,0m; biển động rất mạnh. Vùng ven biển có gió cấp 5, cấp 6, giật cấp 7, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9 (Đặc biệt chú ý huyện Bình Sơn và TP Quảng Ngãi); trên đất liền có gió cấp 4-5, có lúc cấp 6, giật cấp 7.

Nguyễn Ngọc

11/09/2021 13:38

Đà Nẵng hoãn tiêm vắc-xin phòng COVID-19 để phòng chống bão

Hôm nay (11/9) Ban chỉ đạo tiêm chủng thành phố Đà Nẵng cho biết sẽ hoãn tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 để phòng chống bão Côn Sơn. Thời gian tạm ngừng tiêm chủng trong hai ngày 11 và 12/9. Lịch tiêm sẽ được ngành y tế thông báo lại cho các đối tượng được tiêm.

Tất cả các điểm tiêm vắc xin phòng COVID--19 trên địa bàn TP Đà Nẵng sẽ tạm ngừng hoạt động để phòng chống bão Côn Sơn.

Theo Trung tâm dự báo KTTV quốc gia, từ nay đến ngày 13/9, ở các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to. Đặc biệt ở Quảng Nam, Đà Nẵng trên 350mm/đợt. Trong 24 giờ tới bão số 5 di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 5-7km/h, hướng về phía đất liền các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi, đây cũng là vùng trọng tâm tác động của bão số 5.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các địa phương phải xây dựng phương án di dời dân chi tiết. Khi di dời thực hiện như phương án giãn dân ở trong “vùng đỏ”. Để đảm bảo giãn cách tại nơi trú tránh, ông đặc biệt lưu ý lực lượng chức năng bố trí mỗi hộ gia đình ở một phòng.

Thanh Trần

11/09/2021 14:39

Hàng nghìn tàu thuyền tại TT-Huế hối hả vào bờ tránh bão Côn Sơn

Từ sáng, tại vùng biển và khu vực đất liền tỉnh TT-Huế bắt đầu có mưa to, gió tăng cấp độ mạnh dần lên. Trước diễn biến phức tạp của mưa bão, từ những ngày trước, cơ quan chức năng tỉnh TT-Huế đã chủ động thông báo đến ngư dân, chủ phương tiện đánh bắt hải sản thuộc khu vực nguy hiểm phải khẩn trương quay vào bờ, tìm nơi trú tránh bão an toàn.

Trong sáng 11/9, tại các khu vực neo đậu tàu cá thuộc phường Thuận An (TP Huế) và các xã Phú Thuận, Phú Hải (huyện Phú Vang), ngư dân đã hoàn tất việc neo buộc phương tiện vào vị trí an toàn, cũng như thực hiện các giải pháp tránh va đập hoặc chìm đắm tại bến khi có mưa to gió lớn.

Tỉnh TT-Huế đã cấm biển, không cho tàu thuyền quay ra khơi đánh bắt hải sản trong thời gian mưa bão.Đến trưa 11/9, tỉnh TT-Huế hoàn tất kêu gọi hơn 2.000 phương tiện tàu thuyền đánh bắt hải sản trên biển quay vào bờ tìm nơi neo đậu an toàn nhằm trú tránh bão Côn Sơn. Các đò ghe nhỏ hoạt động trong đầm phá cũng chấp hành nghiêm công tác phòng, chống bão số 5.

Lực lượng chức năng đã tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền của ngư dân TT-Huế và các phương tiện tỉnh bạn thuộc vùng nguy hiểm quay vào bờ an toàn. Công việc này đến nay đã hoàn tất. Cảng vụ Hàng hải TT-Huế cũng đã có các phương án bảo đảm an toàn cho các tàu hàng hải neo đậu tránh va đập, trôi nổi. Trong ảnh: Các khu neo đậu tàu cá ven biển Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải (TT-Huế) dày kín tàu thuyền đánh bắt xa bờ vào trú tránh bão.

Do cảng cá Thuận An (TP Huế) trong thời gian xây dựng, nên các tàu cá công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ được bố trí neo đậu ở khu vực trú tránh bão xã Phú Hải (huyện Phú Vang). Nơi đây có sức chứa khoảng 300 tàu cá công suất lớn. Các ghe thuyền cỡ nhỏ hoạt động đánh bắt thủy sản ở các sông lớn và khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được bố trí neo đậu tránh trú tại những âu thuyền nhỏ của các địa phương dọc theo đầm phá.

Ngọc Văn

11/09/2021 17:43

Lốc xoáy ‘càn quét’ nhiều xã tại TT-Huế, hàng chục ngôi nhà bị thiệt hại

Chiều 11/9, ông Nguyễn Đình Bách - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế thông tin, trên địa bàn huyện này vừa xảy ra các trận lốc xoáy ở nhiều xã, gây nhiều thiệt hại về nhà cửa.

Lốc xoáy xảy ra tại 4 xã Điền Hòa, Phong Hải, Phong Xuân, Phong Hiền đã gây hư hỏng nặng nề mái ngói, tấm lợp của 21 ngôi nhà dân. Trong đó, địa phương chịu thiệt hại nặng nhất do lốc xoáy là xã Điền Hòa với 10 nhà bị tốc mái, Phong Hải 7 nhà, Phong Hiền 4 nhà, Phong Xuân 2 nhà.

Ngay sau khi lốc quét qua làm hư hỏng nhà cửa, lãnh đạo UBND huyện Phong Điền chỉ đạo các địa phương khẩn trương huy động lực lượng giúp dân thu dọn vật liệu hỏng vỡ, gia cố khung nhà, lợp lại các phần mái bị hỏng, nhằm sớm giải quyết nơi trú tránh mưa gió cho bà con. Đến chiều tối 11/9, lực lượng chức năng phối hợp với người dân địa phương đã cơ bản khắc phục xong nhiều ngôi nhà tại huyện Phong Điền bị hư hỏng, tốc mái do gió lốc.

Ngọc Văn

11/09/2021 18:14

CSGT Đà Nẵng bám chốt, chống dịch COVID-19 giữa mưa bão

Do ảnh hưởng của bão số 5, từ sáng 11/9, Đà Nẵng liên tục có mưa to, kèm gió mạnh. Tuy nhiên lực lượng cảnh sát giao thông 4 trạm cửa ô, gồm Hòa Phước, Kim Liên, Hòa Nhơn, Hòa Hải (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông) vẫn bám chốt để làm nhiệm vụ. Các chốt triển khai lực lượng dừng-đón phương tiện để kiểm tra giấy đi đường QRCode ra vào TP. Ngoài ra, Cảnh sát giao thông còn bám chốt tại các tuyến đường nhỏ để kiểm soát phương tiện có hành vi trốn tránh đi vào đường chính.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo TP Đà Nẵng, tại các chốt kiểm soát ở khu vực cửa ngõ đều đã bố trí xe buýt, thùng container làm nơi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, người dân đến khai báo y tế, xuất trình giấy tờ liên quan. Đây cũng sẽ là nơi các lực lượng làm nhiệm vụ trú ẩn khi bão đổ bộ.

Theo ghi nhận của phóng viên, dù mưa to, gió lớn nhưng việc kiểm soát phương tiện đều được thực hiện nghiêm.

Kiểm tra giấy tờ của người dân khi qua chốt.

Người và phương tiện sau khi khai báo y tế, test nhanh COVID-19 mới được phép qua chốt.

Một trường hợp thai sản ở Quảng Nam di chuyển bằng xe taxi sau khi kiểm tra giấy tờ được phép đi đến Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng.

Các tài xế, người dân từ bên ngoài vào TP Đà Nẵng bắt buộc phải đo thân nhiệt, khai báo y tế, test nhanh COVID-19 tại các chốt kiểm soát ở khu vực cửa ngõ.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, bão số 5 cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 130-140km, tốc độ di chuyển chậm, cường độ hiện tại cấp 9. Do ảnh hưởng của bão, TP Đà Nẵng đang có mưa rất to.

Nguyễn Thành

11/09/2021 23:39

Quảng Nam: Dùng tời chuyển gạo, thực phẩm đến người dân vùng cô lập

Chiều tối 11/9, ông Lê Quang Trung – Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn (Quảng Nam) thông tin, mưa lớn khiến một số tuyến đường các xã Phước Kim, Phước Lộc, Phước Thành bị xói lở. Trong khi đó, ngầm tạm ở xã Phước Kim, huyện Phước Sơn bị nước lũ cuốn trôi khiến hàng chục hộ dân ở đây bị cô lập.

Nước lũ cuồn cuộn đổ về đe doạ các khu dân cư ở huyện miền núi Phước Sơn. Ảnh X. L

Theo lãnh đạo xã, thôn có 76 hộ dân với 250 nhân khẩu là đồng bào Giẻ Triêng. Xã dùng tời để vận chuyển chuyển gạo, nhu yếu phẩm cần thiết tiếp tế cho các hộ dân bị cô lập. Địa phương cũng đã di dời 40 hộ có nguy cơ sạt lở đến trú tạm tại nhà làng và trường học.


Nhiều tuyến đường bị ngập nước khiến việc di chuyển vô cùng khó khăn.

Ông Hồ Quang Bửu -Phó Chủ tịch UBND tỉnh quảng Nam, cho biết, các địa phương đã lên phương án và đang chủ động triển khai sơ tán dân đến nơi an toàn. Dự kiến khoảng 95.000 dân được sơ tán trước khi bão đổ bộ, trong đó có 85.000 dân ở vùng ven biển, số còn lại thuộc vùng có nguy cơ sạt lở ở miền núi.

Phương án di dân đã được lên kế hoạch chi tiết, bám sát phương án phòng chống dịch COVID-19, ưu tiên di dân tại chỗ.

11/09/2021 23:40