Báo chí trong truyền thông chính sách

TP - Các cơ quan thông tấn, báo chí đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng, là kênh thông tin chủ lực, nòng cốt thực hiện truyền thông chính sách, pháp luật đến với xã hội, người dân. Trong tiến trình này, với vai trò “đồng thanh tương ứng”, đại diện các tỉnh, thành miền Trung đã có những góc nhìn đa chiều về sứ mệnh báo chí với truyền thông chính sách hiện nay.

Quảng bá – vai trò không thể thiếu với địa phương

Báo chí đi đầu trong vai trò “thông tư tưởng” - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn cho rằng, hiệu quả của báo chí trong truyền thông chính sách của địa phương là một nhiệm vụ, một khâu rất quan trọng của quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn.

Dân gian có câu “tư tưởng không thông thì vác bình tông cũng nặng”. Vậy nên, để tư tưởng thông suốt, việc đầu tiên quan trọng là công tác thông tin tuyên truyền, truyền thông báo chí, và được tiến hành bằng nhiều phương thức khác nhau như thông qua văn bản, tuyên truyền miệng, thông qua các hội nghị phổ biến, quán triệt… Đối với tỉnh Phú Yên, báo chí là một kênh rất quan trọng để thực hiện nhiệm vụ này.

“Truyền thông chính sách là một nhiệm vụ rất quan trọng của cơ quan Nhà nước và báo chí chính là sự kết nối quan trọng và hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ đó”

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn

Và thực tế báo chí đã phát huy vai trò tích cực, quan trọng vào việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương đến với cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tuyên truyền, lan tỏa các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh, thông qua các hoạt động đã quảng bá hình ảnh của tỉnh Phú Yên đến với bạn bè trong và ngoài nước.

“Tiêu biểu mới đây nhất là việc báo Tiền Phong phối hợp UBND tỉnh Phú Yên, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam tổ chức Giải Vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 65 tại Phú Yên đã tạo nên sự lan tỏa rất lớn hình ảnh của địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế, qua đó góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” - ông Tạ Anh Tuấn đánh giá.

Tuy nhiên, dù được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách, đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và những cơ quan bộ ngành, các địa phương đến với người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách, nhưng báo chí chính thống vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn lớn về cơ chế, nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình…Về góc nhìn cá nhân, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn cho rằng, giữa các địa phương, các cơ quan, đơn vị với cơ quan báo chí phải có sự “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”, phối hợp hỗ trợ cùng nhau; mối quan hệ này càng chặt chẽ thì hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, địa phương, cũng như các đơn vị báo chí càng cao và các vấn đề khó khăn sẽ từng bước được tháo gỡ.

Với tỉnh Bình Định, nhìn nhận vai trò của thông tấn báo chí mang tính chủ đạo. Trong đó, thu hút đầu tư vào Bình Định không thể thiếu vai trò của các kênh truyền thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho hay. Ông Giang cho rằng, những năm gần đây Bình Định có sự nổi bật bởi công tác xúc tiến đầu tư, mời gọi thành công các “sếu đầu đàn” có dòng vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) đổ về địa phương phải kể đến vai trò chủ đạo của các nền tảng thông tin.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang.

Thời gian vừa qua, thông qua các kênh truyền thông, hình ảnh của Bình Định với những tiềm năng và cơ hội đầu tư được lan tỏa rộng rãi, không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế; góp phần nâng cao nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp đến Bình Định, từ đó thu hút các dự án đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

“Sự minh bạch và thông tin đầy đủ giúp nhà đầu tư an tâm hơn khi quyết định đầu tư vào Bình Định”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang

Bên cạnh đó, việc tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư thông qua việc cung cấp thông tin minh bạch, chính xác và kịp thời về môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi, các dự án đang triển khai và kế hoạch phát triển của Bình Định trong thời gian qua có thể nói không thể thiếu vai trò của truyền thông chính sách, ông Lâm Hải Giang nhìn nhận.

Lãnh đạo Bình Định đặt kỳ vọng về sự “tương tác” của các nền tảng báo chí hiện nay, trong đó có báo Tiền Phong. Theo ông Lâm Hải Giang, hiện nay, sau khi thực hiện sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch báo chí toàn quốc, Bình Định còn 3 cơ quan báo chí, với đủ các loại hình báo chí. Cùng với hệ thống báo chí của tỉnh, trên địa bàn tỉnh còn gần 50 cơ quan báo chí hoạt động. Trong đó, có 7 văn phòng đại diện, 16 phóng viên thường trú, hơn 30 phóng viên, cộng tác viên theo dõi địa bàn tại tỉnh Bình Định…

Trong các hoạt động sôi động của các nền tảng báo chí, có vai trò đóng góp của báo Tiền Phong - một trong những cơ quan báo chí có uy tín, tầm ảnh hưởng lớn, được bạn đọc cả nước tin tưởng và đánh giá cao. Tại Bình Định, báo Tiền Phong cử phóng viên hoạt động thường xuyên và tích cực thông tin, tuyên truyền về tỉnh Bình Định và tổ chức nhiều hoạt động của báo như: kỉ niệm 70 năm phát hành số báo đầu tiên (16/11/1953-16/11/2023) và Hội thảo Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên,…

Nhìn thẳng, phản ánh thật nhưng không mất lòng

Đó là thực tế ghi nhận từ lãnh đạo tỉnh Quảng Trị về các vấn đề nóng, mới được báo chí quan tâm, mổ xẻ trong thời gian qua. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho rằng, đó là dấu hiệu để giúp địa phương ngày một phát triển minh bạch hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng.

Ông Hưng lý giải rằng, những năm gần đây, Quảng Trị đã và đang có sự chuyển mình khi các dự án động lực đã được khởi động, nền kinh tế phát triển theo hướng “xanh hóa” và không ngừng nâng cao nỗ lực hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó những hạn chế về nội lực của địa phương còn thấp, sự sát cánh của báo chí thông tấn chính là “chìa khóa” khai thông, giúp Quảng Trị tiến gần hơn với giấc mơ xuyên Á.

Còn với tỉnh Thừa Thiên - Huế (TT-Huế) cũng cho thấy, luôn chú trọng đổi mới tư duy trong phát triển bền vững ở nhiều lĩnh vực, huy động nguồn lực, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nên có nhiều khởi sắc và từng bước phát triển trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghệ thông tin. Vị thế và uy tín của TT-Huế ngày càng được nâng cao, được bạn bè và lãnh đạo Đảng, Chính phủ đánh giá cao… Để có được điều đó, theo Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Phương, đều có sự đồng hành của các cơ quan thông tấn báo chí.

Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Phương.

Theo Chủ tịch tỉnh này, ngoài mong muốn các cơ quan báo chí đồng hành với địa phương, phản ánh đúng với thực tế, đồng cảm và phù hợp với đặc thù của TT-Huế nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, khai thác tối đa các thành tựu của công cuộc chuyển đổi số, tỉnh đã đưa vào vận hành ‘Mạng lưới phát ngôn tích hợp trên Hue-S’, tạo điều kiện thuận lợi để phóng viên khai thác thông tin, đồng thời là nền tảng số kết nối, quảng bá hình ảnh TT-Huế trong nước và nước ngoài ngày càng nhanh chóng và thuận tiện hơn; trở thành công cụ “đặc trưng” của Huế, nâng cao hiệu quả đối với công tác tuyên truyền, truyền thông quảng bá ngày càng sâu rộng, lan tỏa.

Phóng viên tác nghiệp bên hành lang Quốc hội (ảnh minh họa). Ảnh: Như Ý