Báo cáo kết quả thăm dò dấu tích lăng mộ Quang Trung

TPO - Chiều 9/1 tại Huế, Viện Khảo cổ học phối hợp Sở Văn hóa Thể thao tỉnh TT-Huế báo cáo kết quả sơ bộ về thăm dò khảo cổ học gò Dương Xuân (thuộc phường Trường An, thành phố Huế) - nơi được cho từng có sự tồn tại của lăng mộ vua Quang Trung. 
Khảo cổ thăm dò dấu tích lăng mộ vua Quang Trung tại gò Dương Xuân (phường Trường An, Huế) thời điểm đầu tháng 10/2016.

Theo một số nghiên cứu, gò Dương Xuân từng có phủ Dương Xuân do chúa Nguyễn Phúc Chu xây dựng năm 1691, quy mô phủ mở rộng thêm vào năm 1740, thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Năm 1789, vua Quang Trung cho xây dựng cung điện Đan Dương. Nhằm nghiên cứu, tìm hiểu thêm về lịch sử Tây Sơn - Nguyễn Huệ, góp phần bảo vệ di sản văn hóa, tháng 6/2016, Bộ VH-TT&DL quyết định cho phép Bảo tàng Lịch sử TT-Huế phối hợp Viện Khảo cổ học thăm dò khảo cổ tại gò Dương Xuân. 

Các đơn vị chức năng tiến hành đào 5 hố thăm dò khảo cổ từ ngày 30/9 đến 15/10, thu được 337 hiện vật và mảnh gốm sứ, 2 đồng tiền cổ, 4 đồ sắt như câu liêm, 471 mảnh sành, 4 hiện vật đất nung, 930 hiện vật và mảnh gạch ngói, 22 mảnh thủy tinh, 6 mảnh vôi vữa, 4 mảnh xương, 1 mảnh vỏ sò… 

Về niên đại, dựa vào tổng thể di tích, tư liệu địa tầng, các mảnh sứ có ghi niên đại thời Khang Hy nhà Thanh… bước đầu đoán định niên đại di tích gò Dương Xuân tập trung từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, kéo qua thế kỷ 20.

Tại buổi báo cáo, các đơn vị chức năng và nhà khoa học, nhà nghiên cứu kiến nghị phải tổ chức nghiên cứu về gò Dương Xuân một cách có hệ thống, khoa học, tiếp tục thêm đợt khảo cổ mới, nhằm làm sáng tỏ tồn nghi đây có phải là nơi hoàng đế Quang Trung xây cung điện, cũng là nơi an táng vua sau này với tên gọi lăng Đan Dương. 

Là người dành nhiều tâm huyết và cất công qua hàng chục năm trời nghiên cứu và đi tìm lăng mộ vua Quang Trung tại Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (Huế) xúc động: “Ít nhất những dấu vết của một vùng cung điện (tại gò Dương Xuân) đã bắt đầu xuất hiện. Giờ tôi đã hơn 80 tuổi, sức đã yếu rồi, nếu có chuyện gì cũng yên lòng”. 

Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, kết luận: khu vực chùa Thuyền Lâm ở gò Dương Xuân xuất hiện thời Tây Sơn. Tỉnh TT-Huế, Viện Khảo cổ học và các nhà tài trợ cần tiến hành thêm một đợt khảo cổ toàn diện ở gò Dương Xuân, mở rộng hố số 5 - nơi có dấu vết nền đá lớn và mở hai cánh thăm dò ở phía tây, bắc chùa Vạn Phước - để làm rõ vết tích thời Tây Sơn.