Trong một báo cáo được công bố tối thứ Năm - tờ Telegraph - nổi tiếng thân thiết với Thủ tướng Boris Johnson cho biết việc tàu khu trục HMS Defender tiến sát Crimea vốn được đề xuất bởi các quan chức quốc phòng Anh.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Dominic Raab “bày tỏ sự quan ngại” rằng động thái này có thể sẽ chỉ có lợi cho Moscow. Thủ tướng Boris Johnson cuối cùng đã được yêu cầu đưa ra quyết định.
Tàu khu trục Type-45 HMS Defender nhận lệnh vào ngày 21/6, hai ngày trước cuộc đụng độ với hải quân và không quân Nga trên Biển Đen.
Chính phủ Anh hiện chưa lên tiếng về báo cáo của Telegraph.
Ngày 23/6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Hạm đội Biển Đen cùng lực lượng bảo vệ biên giới thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), đã ngăn chặn hành vi xâm phạm biên giới của tàu khu trục HMS Defender ngoài khơi Mũi Fiolent của bán đảo Crimea.
Moscow khẳng định tàu khu trục đã mạo hiểm đi thêm 3km vào lãnh hải Nga. Sau loạt đạn cảnh cáo của tàu tuần duyên, máy bay ném bom Su-24M của Nga đã thả 4 quả bom xuống đường đi của khu trục hạm. Sau đó, HMS mới rời khỏi lãnh hải Nga.
Bán đảo Crimea - dù đã sáp nhập Nga hồi năm 2014 - vẫn không được Anh công nhận là lãnh thổ của Nga. London cho rằng đây là lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng bất hợp pháp. Do đó, Bộ Quốc phòng Anh khẳng định tàu chiến của mình chỉ đi qua vùng biển Ukraine, không xâm phạm lãnh hải Nga khi tiến sát Crimea.
“Không có phát súng nào nhắm vào HMS Defender. Chúng tôi không công nhận tuyên bố (của Nga - PV) rằng hoả lực đã dội xuống đường đi của HMS Defender”, Bộ Quốc phòng Anh khẳng định.
London nhấn mạnh loạt đạn của Nga là một phần của cuộc diễn tập bắn đạn thật được Moscow lên kế hoạch trước đó.
Tuy nhiên, FSB hôm thứ Năm công bố đoạn video cho thấy một tàu tuần duyên Nga bắn cảnh báo tàu khu trục HMS Defender. Đoạn video được coi như lời phản pháo tuyên bố "không có nổ súng" của Bộ Quốc phòng Anh.