Liên quan đến thông tin Ngân hàng Thế giới (WB) ban hành lệnh cấm 1 năm đối với tập đoàn LBG (Mỹ) vì dính líu đến hành vi hối lộ, tham nhũng trong hai dự án do WB tài trợ tại Việt Nam, lãnh đạo Đà Nẵng cho hay, chưa nhận được thông tin. Dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên tại Đà Nẵng do WB tài trợ có tổng mức đầu tư là 218,471 triệu USD, trong đó nguồn vốn ODA của WB là 152,438 triệu USD; vốn đối ứng trong nước là 66,033 triệu USD. (Xem chi tiết)
Trong buổi giao ban báo chí ngày 3/4, Đại tá Bùi Đình Quang, phó Giám đốc công an tỉnh Hà Tĩnh, thông tin một số điều tra bước đầu về nguyên nhân vụ sập giàn giáo tại Formosa Hà Tĩnh. Theo đó, giàn giáo đã 2 lần rung lắc, lần thứ 3 thì đổ sập. Lần thứ nhất có rung chuyển giàn giáo, một số công nhân làm việc đã cảnh báo nhưng bộ phận đốc công không cho dừng làm việc. Sau đó khoảng hơn 10 phút, giàn giáo tiếp tục có rung chuyển mạnh hơn, cần bơm thủy lực sụt nghiêng khiến một số người bỏ chạy, nhưng đốc công vẫn thờ ơ thiếu trách nhiệm. Đến lần thứ ba, giàn giáo đổ sập xuống khiến nhiều người thương vong. (Xem chi tiết)
Tối nay (5/4), bão Maysak có khả năng đi vào vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông. Đến 1 giờ ngày 6/4, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 760km về phía Đông Đông Bắc. Hồi 2 giờ ngày 05/4 vị trí tâm bão Maysak ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 123,4 độ Kinh Đông, cách đảo Lu Dông (Philippin) khoảng 200km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88km một giờ), giật cấp 10, cấp 11. (Xem chi tiết)
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov hôm 4/4 trả lời phỏng vấn cho biết, về nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Nga đã, đang và sẽ thực hiện mọi nghĩa vụ, cam kết với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Nga đã nhất trí cho phía Việt Nam vay 8 tỷ USD. Theo dự tính, thời điểm khởi công chậm nhất là năm 2017, tổ máy đầu tiên sẽ hoạt động từ năm 2020. (Xem chi tiết)
Giới chức Mỹ cấp cao cho biết Lầu Năm Góc vừa thử nghiệm loại bom phá boong-ke lớn nhất trong kho vũ khí của nước này. Cuộc kiểm tra thiết bị nâng cấp được xúc tiến phòng trường hợp thất bại tại đàm phán về chương trình hạt nhân Iran và do hệ quả đó Washington sẽ quyết định triển khai hành động quân sự. Thiết bị nổ này, như tờ báo trên ghi nhận, đủ sức phá hủy hoặc làm tê liệt cơ sở hạt nhân kiên cố nhất trên lãnh thổ Iran.
Nhà kinh tế và khoa học chính trị Mỹ William Engdahl cho biết thỏa thuận về chương trình hạt nhân mà Nhóm P5+1 và Iran đạt được tại thành phố Lausanne (Thụy Sĩ) sẽ không dẫn đến việc Mỹ cắt giảm hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở châu Âu. Ông Engdahl nhận định rằng nguyên nhân Mỹ không cắt giảm NMD ở châu Âu vì thực tế hệ thống này chưa bao giờ nhằm vào Iran. Hệ thống này chỉ nhằm mục đích đối phó các cơ sở hạt nhân của Nga.
Nghi án mới đây do nghị sỹ đảng Cộng hòa Trey Gowdy đưa ra về việc cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton xóa thư điện tử hồi năm 2012 lại thêm một bất lợi cho bà Hillary khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 đang tới gần. Ông Gowdy cho biết, bà Hillary đã xoá sạch tất cả những bức thư điện tử mà bà gửi đi trên cương vị ngoại trưởng Mỹ bằng cách dùng server (máy chủ) đặt tại nhà riêng của bà. Lời cáo buộc của ông Gowdy dựa trên bức thư của nhóm luật sư của bà Hillary, theo đó, toàn bộ dữ liệu trong máy chủ của bà đều đã bị xoá bỏ. (Xem chi tiết)
Ngày 4/4, Nga đã đệ trình một nghị quyết dự thảo lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi tạm ngừng chiến dịch không kích do Saudi Arabia đứng đầu ở Yemen với lý do nhân đạo. Dự thảo trên dài 1 trang, trong đó kêu gọi liên minh do Saudi Arabia đứng đầu ngừng các cuộc không kích để cho phép sơ tán người nước ngoài khỏi Yemen, đồng thời kêu gọi 15 nước ủy viên HĐBA triệu tập phiên họp khẩn cấp trong bối cảnh ngày càng gia tăng quan ngại về số dân thường thiệt mạng vì xung đột tại nước này.
Trong tháng 4/2015, bốn vụ thử nghiệm đối với ba loại tên lửa hạt nhân do Ấn Độ tự phát triển sẽ được tiến hành ngoài khơi bang Odisha của nước này. Vào ngày 6/4, phiên bản cải tiến của tên lửa đánh chặn phòng không tiên tiến (AAD) dự kiến sẽ được phóng thử tiêu diệt một mục tiêu điện tử, tiếp đó, ngày 22/4, tên lửa AAD sẽ được phóng thử đánh chặn một mục tiêu thực, mô phỏng một tên lửa Prithvi cải tiến. (Xem chi tiết)