Những cái chết thương tâm
Khoảng 19h30 phút ngày 20/12/2021, người dân thôn Thanh Văn 2 (xã Tân Hoa, Lục Ngạn, Bắc Giang) hoảng hốt khi nghe tiếng nổ lớn tại nhà anh Phan Văn D. Cảnh tượng vụ nổ làm nhiều người bàng hoàng: Cháu Phan Công M, con anh D, sinh năm 2008, học sinh lớp 8, trên người đầy vết thương, nằm bất động giữa ngổn ngang xác pháo. Người dân nhanh chóng đưa cháu M đến Trung tâm Y tế huyện cấp cứu, song do vết thương quá nặng, cháu M không qua khỏi.
Lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Lục Ngạn cho hay, cháu M bị thương nặng ở chân, vùng mặt, đứt hai cánh tay, toàn thân cháy đen dẫn đến tử vong. Công an huyện Lục Ngạn khám nghiệm hiện trường xác định nguyên nhân vụ nổ dẫn đến cái chết thương tâm của cháu M là cháu sử dụng một số hóa chất trộn với nhau rồi cuốn thành các khối hình trụ tạo pháo nổ, trong quá trình chế pháo thì pháo phát nổ. Thời điểm xảy ra vụ việc còn có cháu L.P.L (sinh năm 2004) và cháu H.L.H cùng xã đứng cạnh bị thương nhẹ.
Quá trình khám nghiệm hiện trường, công an còn phát hiện trong ngăn kéo bàn học của cháu M còn 9 quả pháo tự chế. Theo lời kể của anh trai cháu M, trước đó vài ngày, M đặt mua trên mạng một số nguyên liệu về chế pháo. Gia đình có ngăn cấm nhưng cháu M vẫn lén làm pháo.
“Địa phương từng có một trường hợp bị thương mất cả cánh tay khi tự chế pháo, nhưng đây là lần đầu tiên có người tử vong”, Thượng tá Nguyễn Văn Duân, Trưởng Công an huyện Lục Ngạn, cho biết.
Ngày 27/10/2021, tại xã Đồng Lạc, Yên Thế, Bắc Giang cũng xảy ra một cái chết thương tâm. Đó là em L.V.K, sinh năm 2003. Theo lời kể của một cán bộ xã Đồng Lạc, em K lên mạng mua một số nguyên liệu về mày mò pha trộn để chế pháo, trong quá trình nhồi pháo thì pháo phát nổ, em bị thương nặng, cụt một bàn tay, người dân đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Không chỉ tại Bắc Giang, nhiều địa phương khác gần đây cũng xảy ra nhiều vụ việc thương tâm. Thông tin từ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho hay, đầu tháng 12 vừa qua, bệnh viện tiếp nhận nam thanh niên T.T.H (19 tuổi, ở Hải Dương)… tự chế tạo pháo thì bất ngờ pháo tự chế phát nổ. Bệnh nhân bị chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt, hỏng một bên mắt, giập nát 2 bàn tay.
Theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015, người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ có thể bị phạt tù 1 – 5 năm, cao nhất có thể bị phạt tù 15 – 20 năm hoặc tù chung thân tùy theo mức độ vi phạm. Ngoài ra, tùy vào mức độ vi phạm, có thể bị phạt tiền 500.000 – 40.000.000 đồng và các hình thức quản chế khác.
Bán thuốc pháo trá hình dưới dạng “phân bón”
Trên Facebook có hàng loạt trang trao đổi, mua bán nguyên liệu chế thuốc pháo. Có những trang còn công khai đặt tên “Bán thuốc nổ…”, “Bán các loại thuốc nổ” hay “hội pháo nổ”... Trên những trang này tràn ngập hình ảnh pháo nổ, nguyên liệu chế tạo pháo được rao bán công khai, kèm theo đó là clip tự quay hướng dẫn làm pháo, đốt pháo trải nghiệm để thu hút khách.
Các trang đăng tải công khai giá: “thuốc nổ đen 600 nghìn đồng/kg”, thậm chí còn rao bán cả pháo nổ thành phẩm nhập lậu.
Ngoài Facebook, trên YouTube cũng có nhiều trang quảng cáo, hướng dẫn chế pháo và mua bán pháo. Trên Google, chỉ cần gõ cụm từ “thuốc pháo” là xuất hiện hàng loạt kết quả; trong đó có cả các trang thương mại điện tử lớn. Tuy nhiên, ở các trang thương mại điện tử, kết quả cho các từ “thuốc pháo” được dẫn đến các gian hàng bán các túi lẻ “hóa chất”, “phân bón”.
Chẳng hạn, trên trang Lazada Vietnam, chỉ cần 184.000 đồng, khách hàng có thể đặt mua combo (gói) các loại “phân bón” như KCLO3, than bột… Combo này thực chất là hóa chất được bán lẻ đúng theo tỷ lệ để chế thuốc pháo.
Các phản hồi của người mua như “hàng tốt, nổ to”… dưới các gói sản phẩm này cho thấy người mua không phải là nông dân và không phải mua để phục vụ trồng trọt. Việc bán các loại “dây cháy chậm” thực chất là ngòi nổ của pháo cũng được công khai trên các mạng xã hội và các trang web.
Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, cho hay, ngay sau khi nhận báo cáo về tai nạn do chế pháo nổ của học sinh ở huyện Lục Ngạn, Sở đã ra công văn chấn chỉnh toàn ngành với một số nội dung cơ bản như: yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo các trường tiếp tục tổ chức, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về tác hại của pháo.
Sở cũng tổ chức cho học sinh ký cam kết không sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, sử dụng trái phép các loại pháo. Có quy định cụ thể việc xử lý kỷ luật phù hợp với những trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục học sinh và thông báo cho phụ huynh biết để phối hợp thực hiện.