Bà Bokova, 63 tuổi, là người Bulgari và từng có thời gian học tập tại Moscow. Bà là thành viên đảng Cộng sản Bulgaria cho đến năm 1990 sau khi đảng này đổi tên thành đảng Xã hội chủ nghĩa Bulgaria và bà phải rời đảng do một số thay đổi trong luật pháp Bulgaria.
Sở dĩ bà trở thành ứng viên hàng đầu cho chức Tổng thư ký LHQ bởi hiện giới chức Mỹ, Anh đang gây sức ép cải tổ cho phép người đứng đầu Liên hợp quốc là một phụ nữ, trong khi Nga - một thành viên thường trực trong Hội đồng bảo an LHQ có quyền phủ quyết - ủng hộ ứng viên đến từ một quốc gia Đông Âu. Các ứng viên tiềm năng khác cho vị trí này còn có bà Helen Clark, cựu Thủ tướng New Zealand, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres.
Tuy nhiên, hiện bà Bokova cũng đối mặt với trở ngại khi những người chỉ trích cho rằng bà không đủ năng lực để đảm nhận chức vụ quan trọng này. Các nhà ngoại giao Anh thậm chí yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra gian lận đối với việc bổ nhiệm nhân sự của bà Bokova.
Trong lịch sử, việc bầu chọn Tổng Thư ký LHQ diễn ra với những cuộc bỏ phiếu công khai nhưng cũng tuân theo những luật lệ “bất thành văn” và được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt. Cụ thể, vị trí này sẽ được chia sẻ luân phiên với 5 nhóm khu vực Tây Âu, Đông Âu, Mỹ Latinh và Caribbea, châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon hiện giờ là một người châu Á. Người tiền nhiệm của ông là Kofia Annan, một người châu Phi. Đến nay, đã có 3 người từ Tây Âu, 2 người từ châu Phi, 2 người từ châu Á và 1 người từ khu vực Mỹ Latinh và Caribbea làm Tổng Thư ký LHQ. Vì thế, tại cuộc đua lần này, nhiều khả năng sẽ “đến lượt” Đông Âu hoặc Mỹ Latinh. Nga nói rằng, Tổng thư ký LHQ tiếp theo phải là người đến từ các quốc gia Đông Âu nếu không nước này sẽ dùng quyền phủ quyết.
Trong một diễn biến liên quan, hôm qua 12/4, LHQ đã tiến hành phiên điều trần đầu tiên để lắng nghe và chất vấn 8 ứng viên Tổng thư ký LHQ nói về quan điểm của họ. Phiên điều trần sẽ kéo dài 3 ngày và hoàn toàn công khai. Tuy nhiên, quyết định lựa chọn ứng viên cuối cùng sẽ phụ thuộc vào Hội đồng bảo an LHQ.