Ngày 24/11, ngay sau khi chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc Su-24 của Nga khiến một phi công thiệt mạng, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã khẳng định trên truyền hình rằng không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã tuân thủ quy ước giao chiến khi phóng tên lửa hạ chiếc máy bay "vi phạm không phận", theo Reuters.
"Bất chấp việc đã được cảnh báo tới 10 lần, chiếc chiến đấu cơ vẫn vi phạm vùng trời Thổ Nhĩ Kỳ và bị F-16 của chúng tôi bắn hạ theo quy ước giao chiến. Mọi người phải tôn trọng quyền bảo về biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ", ông Erdogan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích chính trị Ben Knight của tờ ABC thì cho rằng hành động bắn hạ chiếc Su-24 này của Thổ Nhĩ Kỳ là "nóng vội và không khôn ngoan", bởi theo các quy ước giao chiến phổ biến trên thế giới, Ankara có nhiều lựa chọn khác mà vẫn bảo vệ được chủ quyền vùng trời của mình.
Theo ông Knight, dù chiếc Su-24 của Nga có bay vào không phận của Thổ Nhĩ Kỳ, những dữ liệu radar mà cả phía Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp đều cho thấy hành động bị coi là "xâm phạm không phận" của chiếc Su-24 không diễn ra trong thời gian dài, khoảng cách cũng không quá xa đến mức để bị bắn hạ bằng tên lửa.
Đồng tình với quan điểm này, bà Stefanie von Hlatky, giám đốc Trung tâm Chính sách Quốc phòng và Quốc tế thuộc Đại học Queen ở Kingston, Canada, cho rằng theo các quy tắc giao chiến thông thường, không phải lúc nào chiến đấu cơ các nước cũng phóng tên lửa vào máy bay vi phạm không phận.
Theo bà Hlatky, các nước đều có những quy định ứng xử riêng khi đối phó với các trường hợp vi phạm không phận, nhưng là một thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ phải tuân thủ các quy trình hoạt động tiêu chuẩn như các nước khác.
Theo quy trình tiêu chuẩn này, sau khi phát hiện chiến đấu cơ nước ngoài tiến vào "vùng đệm", không quân Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên phải "tìm cách mở kênh liên lạc với phi công" trên chiếc máy bay đó. Trong trường hợp này, vùng đệm được tính là khu vực rộng 8 km tính từ đường biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào sâu trong lãnh thổ Syria.
Nếu sau vài lần bắt liên lạc không thành công, chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ có thể xuất kích và áp sát máy bay nước ngoài để liên lạc trên bầu trời. Phi công Thổ Nhĩ Kỳ có thể liên lạc với phi công nước ngoài qua sóng vô tuyến, hoặc dùng cử chỉ để ra hiệu, bà Hlatky nói.
Nếu tất cả các biện pháp bắt liên lạc này đều không thành công, chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm cách "hộ tống" để buộc chiếc máy bay nước ngoài phải hạ cánh. Biện pháp sử dụng vũ khí để tiêu diệt chỉ được áp dụng khi máy bay nước ngoài có biểu hiện tấn công, đe dọa đến an ninh, an toàn của nước có chủ quyền.
Quy trình này đã được các nước thành viên NATO áp dụng trong nhiều lần máy bay quân sự Nga tiến vào vùng trời của họ trước đây. Trong nhiều lần xuất kích để ngăn chặn, phi công Anh và phi công Nga thậm chí còn vẫy tay chào nhau trên bầu trời, theo Telegraph.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, những dữ liệu giám sát mà họ thu thập được cho thấy chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ không hề có bất cứ nỗ lực thiết lập liên lạc hay ra tín hiệu bằng cử chỉ với phi công Nga trước khi phóng tên lửa.
Cứ vào vùng đệm là 'kẻ địch'
Bà Hlatky cho rằng vấn đều mấu chốt nhất hiện nay cần được làm sáng tỏ là chiếc Su-24 của Nga bị bắn rơi trong vùng đệm, hay trên vùng trời của Thổ Nhĩ Kỳ. Vấn đề này chỉ có thể được làm sáng tỏ bằng hình ảnh radar rõ ràng hơn được hai bên cung cấp trong những ngày tới đây, nhưng nếu máy bay Nga bị bắn trong vùng đệm, rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm các quy tắc giao chiến phổ biến được quân đội các nước trên thế giới chấp nhận.
Theo chuyên gia phân tích Roy Gutman của trang McClatchydc.com, một điểm đáng chú ý nữa là khi thiết lập vùng đệm vào tháng 7/2012 sau sự cố một chiếc F4 của Thổ Nhĩ Kỳ bị Syria bắn rơi, Ankara đã tuyên bố rằng không quân nước này sẽ coi bất cứ máy bay nào tiến vào khu vực 8 km này là "kẻ địch" và có hành động đối phó tương xứng.
Gutman cho rằng tuyên bố trên của Thổ Nhĩ Kỳ chẳng khác nào việc "đẩy" đường biên giới nước này vào sâu 8 km trong lãnh thổ Syria, hành động khó được chấp nhận theo luật pháp quốc tế.
Sau khi vụ việc xảy ra, Thổ Nhĩ Kỳ công bố một bản đồ mà họ cho là ghi lại đường bay của chiếc Su-24, đồng thời tuyên bố chiếc máy bay này đã vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong 17 giây sau khi nhiều lần bị cảnh báo.
Bản đồ do Thổ Nhĩ Kỳ công bố được cho là ghi lại đường bay của chiếc Su-24. Ảnh: CNN.
Tuy nhiên, RT chỉ ra rằng phần lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ mà họ cho là "bị xâm phạm" chỉ rộng khoảng 2,5 km. Với vận tốc bay 1.600 km/h, tương đương 445 m/s, chiếc Su-24 sẽ bay qua khu vực này chỉ trong chưa đầy 6 giây. Chỉ trong 6 giây ngắn ngủi này, F-16 Thổ Nhĩ Kỳ không thể bắn trúng được Su-24 của Nga.
Một câu hỏi quan trọng nữa được bà Hlatky đặt ra là có phải Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc cường kích Su-24 của Nga để giúp đỡ phiến quân người Turk ở Syria hay không.
Khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là nơi nhiều nhóm phiến quân nổi dậy hoạt động, trong đó có các nhóm người Turk gốc Thổ Nhĩ Kỳ được Ankara hậu thuẫn. Khu vực chiếc Su-24 rơi là một trong những nơi được cho là tuyến đường trọng yếu để tuồn vũ khí từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria cho các nhóm phiến quân nổi dậy thân phương Tây.
Theo bà Hlatky, nếu Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 Nga để giúp phiến quân người Turk khỏi bị không kích, điều này có thể sẽ "khiến tình hình chiến sự tại khu vực trở nên phức tạp hơn". Rất có thể trong thời gian tới Nga sẽ thực hiện các chiến dịch không kích dữ dội tại khu vực này để trả thù cho hai phi công thiệt mạng.
Phiến quân người Turk tuyên bố bắn chết hai phi công Nga trong lúc họ nhảy dù. Ảnh: FAZ.
Về việc phiến quân người Turk tuyên bố bắn chết một phi công Nga trong lúc đang nhảy dù, chuyên gia này đánh giá đây là hành động vi phạm các quy định về xung đột quân sự của Liên Hợp Quốc. Theo luật này, các phi công nhảy dù ra khỏi máy bay quân sự phải được coi là tù binh và được đối xử theo các quy định về tù binh chiến tranh.
"Trước mắt chúng ta còn nhiều câu hỏi phải trả lời, nhưng rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải hứng chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng về chính trị sau quyết định bắn rơi máy bay Nga của họ", bà Hlaky nhấn mạnh.