Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, nhiều năm gần đây, các nhà trường đã đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông nên số học sinh học nghề năm sau cao hơn năm trước.
Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nói rằng, trước đây tư vấn học sinh đi học nghề rất khó khăn nhưng những năm gần đây, một số học sinh tự nhận thấy không đủ năng lực để học tiếp THPT đã lựa chọn học nghề. Trung bình, trường có khoảng 10% em đăng ký vừa học nghề vừa học văn hoá ở một trường trung cấp, cao đẳng nào đó. “15 tuổi, các con chưa hiểu biết sâu các nghề nghiệp nên thầy cô ở các trường nghề đến tư vấn, giới thiệu và học sinh cảm thấy thích mới đăng ký”, bà Hồng nói. Quan sát vài năm trở lại đây, bà Hồng thấy nhiều học sinh thích chọn những nghề dịch vụ như: du lịch, làm tóc, làm nail…
Tuy nhiên, nhiều hiệu trưởng nhà trường cho rằng, học sinh, phụ huynh không mấy mặn mà với học nghề. Sau 9 năm học, đa số học sinh đều có nguyện vọng thi lên THPT, chỉ trừ một số em điểm kiểm tra quá thấp, biết chắc có thi cũng không đỗ mới đăng ký đi học nghề.
“Đã từng có tình trạng, nhà trường viết sẵn đơn xin không thi tuyển lớp 10, cha mẹ học sinh ký cam kết không thi. Đó chính là bệnh thành tích trong hệ thống giáo dục vốn tồn tại rất nặng nề, khi mà ở cấp quản lý áp cho trường, trường áp cho giáo viên tư vấn và gây áp lực cho học sinh”.
TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội
Chị Lê Thị Lượng ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) kể, cách đây 3 năm, con học lớp 9, Trường THCS Phan Đình Giót. Năng lực học chưa tốt, gia đình không có điều kiện cho học lớp 10 trường tư nên đã đăng ký theo học một trường trung cấp trên đường Tây Sơn. Gặng hỏi nhiều lần nhưng con không biết thích học ngành gì, nghề gì để bố mẹ tìm chỗ. Cuối cùng, gia đình chọn trường gần nhà để tiện đưa đón. Con mới 15 tuổi, cho đi học ở một trường xa khó quản lý. Tuy nhiên, vào học trung cấp nghề chưa lâu, con kêu chán nản và đòi bỏ. Gia đình động viên mãi, con cố học xong để lấy bằng tốt nghiệp THPT và tiếp tục đi học nghề cắt tóc.
Nhiều khó khăn, bất cập
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, ông Trịnh Cao Khải, chia sẻ, những năm qua, trường đã quảng bá bằng nhiều cách, từ đến trường thông tin, tư vấn cho học sinh, phụ huynh, đến quảng bá trên mạng… nhưng sức hút trường nghề giảm sút. Năm ngoái, trường chỉ tuyển được 70% chỉ tiêu, trong khi du lịch vẫn được coi là ngành hot, ra trường có nhiều cơ hội việc làm, có thu nhập cao.
Theo ông Khải, một trong những nguyên nhân khiến công tác phân luồng học sinh từ bậc THCS chưa hiệu quả là học hết lớp 9, các em vẫn chưa đủ năng lực để phân định yêu thích ngành nghề gì, bản thân có phù hợp hay không. Cách làm của các trường hiện nay tư vấn nghề chỉ vì những em được cho là năng lực yếu, kém không thi đỗ trường công bậc THPT thì “nên đi học nghề”. Khi đó, đối với phụ huynh, học sinh, học nghề chỉ là giải pháp bắt buộc và tạm thời, người học không yêu thích, không tâm huyết thì biết trước kết quả sẽ không tốt. Chưa kể, khi sức học yếu, vào trường học nghề nhưng sẽ học song song cả các môn văn hoá cả chương trình của nghề cũng gây áp lực lớn cho học sinh.
Một thực tế khi làm công tác tuyển sinh cho thấy, về phía cha mẹ học sinh khi chọn trường nghề cho con cũng không dựa trên năng khiếu, năng lực của con thiên về ngành nghề nào để chọn lựa. “Nhiều người chọn trường gần nhà vì con còn nhỏ tuổi, tiện đưa đón. Một số người chọn học nghề ở trường trung cấp, học cao đẳng vì con vẫn được học văn hoá coi như là có chỗ học, học phí tương đối thấp lại khỏi lông bông, bị bạn bè hư lôi kéo vào các trò tiêu cực của xã hội. Với tư tưởng chọn nghề như vậy, chắc chắn hiệu quả đem lại không cao”, ông Khải nói.
TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, năm nay là năm thứ 4, trường tuyển sinh cả hệ 9+ (học sinh tốt nghiệp THCS) vừa học nghề vừa học văn hóa. Ông phân tích, hoàn thành chương trình lớp 9, học sinh vừa đi học nghề vừa học văn hoá có thuận lợi đó là rút ngắn thời gian đào tạo, tiết kiệm chi phí vì sau 3 năm các em tốt nghiệp THPT và trung cấp nghề. Trước đây, đào tạo nghề bậc trung cấp chỉ 2 năm nhưng bị “vênh” chương trình đào tạo văn hóa để tốt nghiệp THPT buộc trường nghề phải điều chỉnh lên 3 năm. Nếu có nhu cầu, học sinh học tiếp 1 năm lấy bằng cao đẳng rồi mới đi làm. Chương trình học văn hoá ở trường nghề cũng chỉ học 7 môn, giảm áp lực hơn rất nhiều so với học lên THPT. Tuy nhiên, có những hạn chế, bất cập phải kể đến như, học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề mới 16 tuổi, đa số em thể trạng nhỏ bé, chưa thích hợp để học thực hành một số nghề. Nhận thức học sinh về nghề chưa tốt nên hiệu quả không bằng học sinh học xong bậc THPT mới lựa chọn. “Ngoài ra, việc học nghề phải liên kết với các doanh nghiệp để thực hành tăng kỹ năng, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho học sinh thì đối tượng học sinh sau THCS này bị hạn chế bởi độ tuổi. Các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nước ngoài không nhận học sinh dưới 18 tuổi gây khó khăn cho chương trình đào tạo”, TS Ngọc nói.
Theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” đến năm 2025 phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.