>Đề xuất Tổng Bí thư phụ trách Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng
> Xử lý người đứng đầu chưa nghiêm
Theo đó, dự thảo Luật đã không quy định về Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (PCTN). Trong khi, Điều 73 của Luật PCTN hiện hành quy định: “Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động PCTN trong phạm vi cả nước”.
Đọc tờ trình của Chính phủ, ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN sẽ do Đảng quy định; đồng thời, công tác chỉ đạo PCTN của cơ quan này sẽ được thực hiện thông qua các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.
Thẩm tra dự luật này, Ủy ban Tư pháp nhất trí với việc sửa đổi của Chính phủ.
Việc thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban theo đúng tinh thần và nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của Nhà nước ta trong công tác đấu tranh PCTN và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng.
Về đề xuất bổ sung thêm những cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên vào đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc sửa đổi như vậy chưa khắc phục được những hạn chế, khó khăn, bất cập hiện nay.
Ở nhiều nước trên thế giới, việc minh bạch tài sản, thu nhập không chỉ là nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức mà còn là nghĩa vụ của mọi công dân để tránh tham nhũng, lừa đảo, rửa tiền.
Ở Việt Nam, các cơ quan nhà nước chưa kiểm soát tốt được tài sản, thu nhập của người dân, doanh nghiệp nói chung cũng như của cán bộ, công chức, viên chức nói riêng.