> Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN gồm 16 thành viên
> Chín nhiệm vụ của Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN
Tham dự gặp mặt có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Đinh Thế Huynh cùng đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư.
Thay mặt giới văn nghệ sỹ, ông Hữu Thỉnh - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - đã báo cáo tình hình văn học nghệ thuật nước nhà 2012, công tác của Ủy ban toàn quốc, hoạt động văn học nghệ thuật chuyên ngành năm qua và định hướng nhiệm vụ năm 2013.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã thay mặt Ban Bí thư T.Ư Đảng, chúc các văn nghệ sỹ một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, nhiều sáng tạo và thành công; ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của đội ngũ văn nghệ sỹ đối với nền văn học, nghệ thuật nước nhà và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc.
Chưa bao giờ các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ Việt Nam có bước phát triển phong phú với nhiều loại hình đa dạng như hiện nay.
Đội ngũ văn nghệ sỹ ngày càng lớn mạnh, tâm huyết, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, sáng tác được nhiều tác phẩm, công trình có giá trị, góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đạo đức, tình cảm, cảm thụ thẩm mỹ cho con người, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa ngày càng tăng của các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nêu rõ Đảng, Nhà nước đã khẳng định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội” và “Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mĩ của con người”.
Công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang diễn ra sôi động, mạnh mẽ, phong phú... đó là những điều kiện thuận lợi, song cũng đặt ra những thách thức mới đối với văn học, nghệ thuật và văn nghệ sỹ.
Hơn lúc nào hết, Đảng, Nhà nước mong muốn các văn nghệ sỹ phát huy cao độ trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sỹ-chiến sỹ trong giai đoạn hiện nay, sáng tạo được nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật; tích cực tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa nước nhà, hình thành nhân cách con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Thường trực Ban Bí thư đề nghị Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các hội văn học, nghệ thuật ở T.Ư và địa phương cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết đội ngũ những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật, để tổ chức Hội thực sự là mái ấm, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của văn nghệ sỹ, là cầu nối giữa văn nghệ sỹ với Đảng, Nhà nước; chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các quan điểm, cơ chế, chính sách nhằm cổ vũ động viên, tạo điều kiện cho hoạt động lao động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.
Cùng ngày, trong cuộc gặp mặt đông đảo đại diện các nhà khoa học, đội ngũ trí thức, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh khẳng định Đảng, Nhà nước luôn ghi nhận những công lao, đóng góp vô cùng quí báu của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học Việt Nam, cũng như coi trọng, quan tâm và tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức ngày càng phát triển.
Trong thời gian tới, để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vượt qua khó khăn, thách thức trong phát triển đất nước, cùng toàn Đảng, toàn dân, đội ngũ trí thức khoa học cần tiếp tục phát huy truyền thống, những thành tích đã đạt được để có nhiều đóng góp hơn nữa vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thường trực Ban Bí thư mong muốn các nhà khoa học chú trọng việc nghiên cứu, tìm tòi luận giải những vấn đề của thực tiễn đang đặt ra đối với sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, góp phần xây dựng và đưa ra những quyết sách, những đột phá quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghiên cứu khoa học cần bảo đảm cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước.
Các nhà khoa học, đội ngũ trí thức cần phát huy vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch, dự án lớn; có nhiều hơn các nghiên cứu gắn liền với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội... Đảng, Nhà nước thường xuyên lắng nghe, trân trọng các ý kiến đóng góp tâm huyết xây dựng của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học.