Bài rap yêu thích

TP - Liveshow hằng tháng Bài hát Yêu thích là dịp để khán giả nhìn vào chuyện trăm hoa đua nở của nhạc Việt. Tháng này “đặc sản” nhạc sến hiện đại và các nghệ sĩ “người ta tên Tây”.
Tấn Minh và Khánh Linh với “Chiều phủ Tây Hồ” - bài hát được lòng cả khán giả và Hội đồng Tuyển chọn Ảnh: Tô Thanh Tân

> Bùng nổ cùng Sao trong Bài Hát Yêu Thích

Tấn Minh và Khánh Linh với “Chiều phủ Tây Hồ” - bài hát được lòng cả khán giả và Hội đồng Tuyển chọn Ảnh: Tô Thanh Tân.

Nếu khách mời bình luận của Bài hát Việt chỉ dành cho khán giả truyền hình, thì khán giả tại trường quay Bài hát Yêu thích cũng được thưởng thức bình luận của Hội đồng Bình luận.

Từ đó dẫn đến sự tương tác thú vị. Nhiều nhận xét hóm hỉnh không kém phần thẳng thắn của nhạc sĩ Phú Quang đêm 1-7 tại Cung Văn hóa Hữu nghị nhận được sự đồng tình của khán giả.

Vài bài hát mở đầu với tiết tấu nhanh, ít tính nhạc khiến Phú Quang bật ra những nhận định như: “Cứ như nhạc Hàn Quốc, nhảy loạn lên, tôi không nghe ra được chữ nào. Đề nghị lần sau với những bài như vậy BTC phát giấy in lời hát cho khán giả tiện theo dõi”.

Nếu nghe rõ lời những bài hát kiểu đó, chắc Phú Quang còn có nhiều thứ để bình luận hơn. Hơn nữa, ca sĩ hát không rõ lời nhiều khi không phải do tiết tấu, mà do giọng còn yếu.

Chẳng hạn Cường Seven- được vũ đạo thì mất tiếng hát. Đó là bài hát mới chỉ có một đoạn nhạc ngắn choằn, còn lại là phần việc của những người giọng khỏe chuyên đọc rap.

Xóa - bài của nhóm G.Plus có phần đọc rap nhiều gấp mấy lần hát. Trích đoạn: “Khắc sâu tim em đôi mắt xưa. Linh hồn anh rời khỏi xác nhìn xem em đến chưa? Mắt nhòa vì hạt mưa hay nước mắt anh đang rơi? Ký ức này là tấm hình vỡ không thể ghép vì đã vụn rồi... Em đã phủ nhận mọi lý do khiến em day dứt và đắn đo. Kể cả khi chính em thấy rõ, anh ở bên họ.

Đó là cách mà em từ từ nhận diện cuộc sống của em. Thật tội lỗi, em nhận ra rằng sự tin tưởng nhầm lẫn là con dao giết chết bản thân này. Hay nói cách khác là anh đã tự mình lừa lọc mình nhưng chính trong khi sự thật này đâu có cần…”.

Chừng đó mới chiếm khoảng 1/4 lời của bài. Và mặc dù nữ rapper đọc nó một cách hùng hổ thì vẫn khó mà phủ nhận tính sến và sáo của những lời này.

Cứ cho là một bộ phận bạn trẻ đang thất tình sẽ đồng cảm. Chỉ không hiểu, sau khi nghe xong những lời lẽ này họ sẽ thấy nhẹ lòng hay lại bị kích động thêm.

Ngày xưa người ta chê nhạc vàng là ủy mị, làm mất tinh thần thanh niên. Thì nay lại có rap, có vẻ không ủy mị nhưng tinh thần chẳng khác xưa là bao. Nhạc vàng đến nay vẫn có người nghe và hát, vì ít ra nó còn có giai điệu. Không biết những bài “hát nói” như Xóa sẽ tồn tại bao lâu?

Xóa chỉ được duy nhất một thành viên Hội đồng Tuyển chọn đồng ý đưa vào liveshow với số điểm tối đa là 5. Quay về của 365 cũng thế, nhưng điểm thì chỉ được 1.

Tuy nhiên số lượt nghe đông đảo tại trang web của chương trình vẫn đảm bảo cho 2 bài hát này có mặt trong liveshow tháng bảy.

Một đặc trưng của bảng xếp hạng Bài hát Yêu thích là một số sáng tác “công nghiệp” theo kiểu Hàn Quốc thường giành được sự chú ý ngay sau đêm diễn nhưng chẳng bao lâu sau dần rơi vào quên lãng.

Những bài hát đứng vững ở những vị trí đầu vẫn thuộc những dòng nhạc mang tính chính thống.

Có thể những khán giả của nhạc trẻ thiếu kiên trì, không chịu nhắn tin hay bình chọn (bằng cách nghe thường xuyên) chăng?! Thực tình mà nói trong thời buổi này, nếu khán giả yêu thích nhạc Hàn luôn có sẵn nhạc Hàn xịn để nghe. Việc nghệ sĩ trong nước học theo Hàn Quốc không phải là lựa chọn hiệu quả.

Một biểu hiện nở rộ lâu nay của việc hội nhập là gài vài từ tiếng Anh vào trong bài hát hoặc chỉ có tên bài là hoàn toàn tiếng Anh như Beautiful girl của Cường Seven hay Nothing in your eyes của Mr.T và Yanbi.

Hiện tượng này xuất hiện đã lâu và cũng đã được đem ra mổ xẻ trên báo chí. Nhưng cho đến nay, trình độ tiếng Anh của các nghệ sĩ trẻ xem ra vẫn chưa cải thiện là bao.

Họ cũng dùng những tiếng có vẻ Tây (hoặc Hàn) để đặt nghệ danh cho mình như Only C, Mr. A, Young Uno… Chắc không phải vì cảm thấy lạc hậu khi mang tên Việt mà họ nghĩ tới sau này, khi họ nổi tiếng quốc tế thì những tên như thế sẽ rất dễ gọi với người hâm mộ nước ngoài?!

Hiện tại họ có vẻ đã giành sự chú ý của một bộ phận khán giả trong nước. Rất có thể do thoạt đầu các khán giả này nhầm tưởng đó là nghệ sĩ nước ngoài nên mới nghe nhạc. Do đó, đặt tên kiểu Tây cũng là một cách tiếp thị với người trong nước vậy.

Theo Báo giấy