Theo đó, dự thảo Luật Quản lý thuế được thông qua đã thay thế Mục 4 Chương X quy định về: “Điều tra trốn thuế, gian lận thuế” bằng quy định “Biện pháp áp dụng trong thanh tra thuế đối với trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế”.
Những biện pháp này chỉ áp dụng trong một số trường hợp nhất định, Chính phủ sẽ quy định chi tiết trong văn bản dưới luật, trong đó có vấn đề thẩm quyền, quy trình, thủ tục v.v… Luật Quản lý thuế gồm 14 chương, 121 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007.
Dự án Luật Cư trú được thông qua sau đó với 83,13% tổng số đại biểu QH tán thành.
Trong Báo cáo của mình về đạo luật này, Uỷ ban Thường vụ QH cho biết, đa số ý kiến tán thành giữ mô hình quản lý cư trú hiện hành, vì trong điều kiện hiện nay khi cơ sở vật chất, kỹ thuật, khả năng của bộ máy quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức chưa thể đáp ứng được yêu cầu quản lý bằng phương pháp mới thì vẫn phải thực hiện phương thức quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, cá nhân, sổ tạm trú đối với trường hợp tạm trú...
Về việc nghiêm cấm hành vi lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đã có nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị xem lại quy định này vì chưa làm rõ, cụ thể được các hành vi lạm dụng sổ hộ khẩu; có ý kiến đề nghị cấm sử dụng hộ khẩu ngoài mục đích quản lý cư trú.
Tuy nhiên, theo Ủy ban thường vụ QH, trên thực tế có những trường hợp quy định về hộ khẩu bị sử dụng sai mục đích, làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nhưng cũng có nhiều trường hợp phải căn cứ vào việc đăng ký thường trú (hộ khẩu) của công dân để thực hiện một số quyền khác như quyền bầu cử, ứng cử, thực hiện chế độ bảo hiểm, giao đất để sản xuất theo hộ gia đình .v.v.
Do đó, không thể cấm sử dụng hộ khẩu ngoài mục đích quản lý cư trú được. Còn về hành vi lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân thì rất khác nhau, lại diễn ra ở các ngành, lĩnh vực nên khó có thể liệt kê hết được.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của nhiều vị đại biểu QH, Ủy ban thường vụ QH đã cho bổ sung một điều (Điều 41) với nội dung: “Chính phủ chỉ đạo cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định về hộ khẩu để tự mình hoặc kiến nghị, chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định lạm dụng hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân”.
Sẽ có Quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ quốc gia
Luật chuyển giao công nghệ gồm 7 chương và 61 điều đã được thông qua với 84,15% tổng số đại biểu tán thành, đạo luật này có quy định về Quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ quốc gia để hỗ trợ cho hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ.
Trước khi thông qua dự án Luật Công chứng, Ủy ban thường vụ QH cho biết Luật này sẽ không thực hiện việc chứng thực bản sao, bản dịch, chữ ký mà chỉ công chứng hợp đồng, giao dịch. Đối với chứng thực, trong Nghị định số 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực chỉ quy định về trình tự, thủ tục chứng thực còn thẩm quyền chứng thực đã được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác như pháp luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự...
Do đó, sau khi Quốc hội thông qua Luật Công chứng, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định về trình tự, thủ tục chứng thực để việc chứng thực được bảo đảm hoạt động bình thường... Để đáp ứng được yêu cầu trước mắt về việc chứng thực, các cơ quan hữu quan khẩn trương soạn thảo để Chính phủ ban hành Nghị định về chứng thực trước khi Luật này có hiệu lực. Dự thảo Luật Công chứng được thông qua với 77,24% tổng số đại biểu QH tán thành.
Cùng ngày, đã thông qua dự thảo Luật Đê điều với 82,52% tổng số đại biểu QH tán thành.
Hôm nay (23/11), QH làm việc về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.