Bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Trang (25 tuổi) là một trong số gần 300 bác sĩ trẻ được tăng cường về tuyến cơ sở. Cô được phân công về phục vụ tại Trạm Y tế phường Hiệp Thành (quận 12). Quỳnh Trang chia sẻ. “Khi mới nhận nhiệm vụ, chúng tôi có đôi chút bỡ ngỡ vì lần đầu nhận công tác ở địa bàn cơ sở, hạ tầng, trang thiết bị ở trạm chưa được đầy đủ. Tuy nhiên với sự hỗ trợ của trạm y tế cùng địa phương và nhiệt huyết của tuổi trẻ, sau một tháng nhận nhiệm vụ, công việc của tôi đã trôi chảy, nhận được sự tin tưởng của người bệnh và các anh chị đồng nghiệp”.
Khi dịch bùng phát, Lê Thái Thiện Duy, sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tham gia lực lượng tư vấn điều trị F0 từ xa. Vì vậy, anh hiểu rõ sự căng thẳng của dịch bệnh. Ngay khi cầm bằng tốt nghiệp trong tay, BS. Lê Thái Thiện Duy xung phong về công tác tại Trạm Y tế phường 5 (quận 8). BS. Duy bày tỏ: “Sau hơn một tháng công tác tại trạm, chuyên môn của tôi có thể đáp ứng tốt mọi nhiệm vụ được giao”.
Ngoài công việc hỗ trợ tiêm vắc xin phòng COVID-19, các bác sĩ trẻ đang được phân công tiếp nhận khám chữa các bệnh lý thông thường, bệnh mạn tính và hướng dẫn điều trị cho F0 khi đến trạm y tế hoặc điều trị tại nhà. Bên cạnh đó, lực lượng bác sĩ trẻ còn tham gia vào nhiệm vụ lập danh sách F0 đến khai báo trực tiếp và thống kê F0 khai báo trực tuyến qua phần mềm “nền tảng số quản lý COVID-19”.
Chia sẻ gánh nặng
Ngày 23/3, tại Trạm Y tế phường 5 (quận 8) có nhiều người dân đến khai báo F0 và xin giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly. BS. Lê Thanh Tuấn, Trạm trưởng cho biết, với quy mô dân số trên 42.000 người, không có dịch COVID-19, đội ngũ y bác sĩ phường đã rất bận rộn với 24 chương trình lớn nhỏ liên quan đến bệnh mạn tính không lây, phòng chống HIV, phòng chống lao, tâm thần… nhưng nhân sự chỉ có 10 người trong đó có 1 bác sĩ chính thức và 1 bác sĩ hợp đồng. Hầu hết trang thiết bị phục vụ chuyên môn thiếu thốn, những thiết bị hiện có thì lạc hậu không đủ phục vụ cho chẩn đoán, điều trị.
“Từ khi được tăng cường thêm 1 bác sĩ về làm việc, chúng tôi đang được chia sẻ gánh nặng công việc từ sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc trẻ”, BS.Tuấn cho hay.
Theo BS. Tuấn, theo lộ trình mới khi triển khai bảo hiểm y tế toàn dân, mỗi trạm y tế phải có ít nhất 2 bác sĩ nên việc tăng cường nhân lực chuyên môn cho trạm y tế là điều kiện cần thiết để có thể đảm bảo hoạt động phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân.
“Chiến lược đưa bác sĩ trẻ về trạm y tế của thành phố là giải pháp chúng tôi mong chờ lâu nay. Tuy nhiên, để bác sĩ trẻ có thể gắn bó được với y tế cơ sở cần phải có những cơ chế để cải thiện thu nhập, tạo điều kiện cho các em phát triển chuyên môn” - BS. Tuấn đề xuất.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: “Sở Y tế đang tích cực lắng nghe ý kiến, đề xuất của các bác sĩ trẻ trong quá trình thực hành tại trạm y tế. Sở sẽ định kỳ đánh giá và tổng kết rút kinh nghiệm để duy trì hoạt động này hằng năm”. Dự kiến thời gian tới, Sở Y tế sẽ tham mưu UBND TPHCM ban hành quy định mang tính pháp lý để tạo điều kiện cho các bác sĩ trẻ có đủ tư cách hành nghề. Bên cạnh đó, Sở Y tế sẽ đề xuất các chính sách đãi ngộ và tạo cơ hội cho bác sĩ trẻ yên tâm cống hiến, học tập, phát triển nghề nghiệp.