Bác sĩ thú y làm 'trùm' chất cấm
> Tiếp tục truy tìm chất cấm trên rau, thịt
Từ nguồn tin và sự phối hợp tác nghiệp của PV, cơ quan chức năng đã phát hiện doanh nghiệp do một bác sĩ thú y làm chủ chuyên trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi bán ra 20 tỉnh, thành khu vực phía nam.
Sau khi báo chí đăng loạt bài điều tra Kinh hoàng heo siêu nạc, các cơ quan chức năng ở tỉnh Đồng Nai cùng nhiều địa phương khác trên toàn quốc đã quyết liệt vào cuộc nhưng vẫn chưa thể tìm ra và chặt đứt được đường dây pha trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi của bọn bất lương.
“Hung thần” Oni
Quyết tâm đưa những “đường dây đen” trong lĩnh vực này ra ánh sáng, PV chủ động phối hợp với Phòng 4 - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an (thường trực phía nam - C49B) tiến hành điều tra.
Đích thân thượng tá Võ Văn Đông, Phó trưởng phòng, cùng 2 trinh sát và PV đã về địa bàn tỉnh Đồng Nai bí mật thu thập thông tin từ các đầu mối tin cậy. Sau 1 tuần “khoanh vùng”, tổ công tác của Phòng 4 “đưa vào tầm ngắm” hơn 10 địa điểm kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và lần lượt kiểm tra, làm rõ.
Từ đầu mối này, tổ công tác lần ra địa chỉ của “ông trùm” chất cấm là Công ty TNHH Oni, trụ sở tại 316/3 hương lộ 80, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM.
Doanh nghiệp này do một bác sĩ thú y tên Đặng Văn Hải, 39 tuổi, quê Bình Thuận, làm giám đốc, chuyên sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, thuốc thú y, với 14 mặt hàng bán rộng rãi ở 20 tỉnh thành khu vực phía nam.
Ngày 10-4, Phòng 4 - C49B phối hợp với Chi cục Thú y và Chi cục QLTT TP.HCM tiến hành kiểm tra trụ sở Công ty TNHH Oni.
Tại thời điểm kiểm tra, công ty có hơn 10 công nhân đang tất bật với công việc đóng gói các mặt hàng là thức ăn bổ sung cho gia súc.
Ngoài 12 tấn nguyên liệu được nhập từ Trung Quốc dùng để pha trộn làm thức ăn cho heo, tổ công tác xác định và niêm phong 7,3 tấn sản phẩm đã thành phẩm, gồm các sản phẩm dùng để tăng trọng, tạo nạc, bung mông, nở vai, siêu tăng trọng, siêu chống còi cho heo…
Đặc biệt, trong những hóa đơn nhập và bán hàng của công ty bị thu giữ, tổ công tác cũng phát hiện nhiều tài liệu thể hiện việc mua chất cấm để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Sau một tháng kiểm nghiệm thận trọng, khách quan, khoa học gồm cả định tính và định lượng đều khẳng định lô hàng thành phẩm 7,3 tấn của Công ty TNHH Oni dương tính với chất cấm (nhóm beta-agonist), C49B đã lập tức phát văn bản đề nghị các cơ quan chuyên môn của 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam (tính từ Quảng Nam trở vào) nhanh chóng phối hợp thu hồi toàn bộ sản phẩm của Công ty TNHH Oni cung cấp.
Ngày 22-5, PC49 - Công an tỉnh Quảng Nam đã phát hiện và tiến hành thu hồi 14 loại sản phẩm của Công ty TNHH Oni đang bán trên nhiều huyện của tỉnh này.
Hiện C49B đang tiếp tục lấy lời khai một số người có liên quan, yêu cầu giải trình nguồn nguyên liệu mà công ty này nhập về, số lượng bán ra thị trường...
Đặc biệt, cơ quan điều tra cũng đang làm rõ một công ty dược đã bán chất cấm cho Công ty TNHH Oni.
Siêu nạc và siêu lời
Trở lại với quy trình chăn nuôi của những kẻ vô lương tâm, PV có trong tay một công nghệ sản xuất chất cấm "siêu nạc và siêu lời" (thường gọi là thần dược hoặc bột ngọt), như sau: Để có 1 tạ “thần dược”, bọn bất lương tập hợp 55 kg bột sò, 20 kg trấu, 300 gram chất cấm, 4 kg CHROM (chất tạo thịt nạc đỏ hồng), hương trái cây và vitamin rồi pha trộn.
Tổng cộng số liệu thể hiện trên hóa đơn nhập nguyên liệu đầu vào để sản xuất 1 tạ “thần dược” chưa đến 3 triệu đồng.
Thế nhưng, bảng giá giao sỉ cho các đại lý từ 100.000 đến 200.000 đồng/kg, trung bình bọn bất lương thu lời từ 12 đến 15 triệu đồng.
Ngoài sự nguy hiểm của chất cấm đối với sức khỏe người tiêu dùng, theo PGS-TS Võ Văn Sơn, nguyên Phó trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng - Trường đại học Cần Thơ, bột sò là chất can xi, nếu sử dụng quá nhiều làm thức ăn cho heo cũng sẽ gây một số mầm bệnh cho heo.
Rõ nhất là khi heo ăn quá nhiều bột sò sẽ bị thừa can xi và thiếu kẽm, thường bị lở loét...
Nếu sử dụng bột sò làm thức ăn cho heo đúng tỷ lệ chỉ được trộn 2 kg bột sò cho 1 tạ thức ăn. Còn nếu sử dụng trấu nghiền nhỏ cho heo ăn một thời gian dài sẽ làm loét dạ dày.
Điều đáng nói, trong quá trình phối hợp với cơ quan chức năng, PV cũng phát hiện chất cấm không chỉ được tuồn đến cho người chăn nuôi hám lợi bằng một nguồn duy nhất.
Những đại lý nhỏ lẻ thì tự mua chất cấm về pha trộn rồi đóng vào những bao bì không nhãn mác, sau đó đưa đi bỏ mối cho những cửa hàng bán cám và thuốc thú y bán lại cho người chăn nuôi.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng có thể theo lời đồn tìm mua “bao xanh”, “bao hồng” ở các cửa hàng bán cám về cho heo ăn, bởi vì chất cấm đã được trộn sẵn vào cám (bao xanh cho heo ăn lúc còn nhỏ, bao hồng cho heo tăng tốc để chuẩn bị xuất chuồng).
Theo Hoài Nam
Thanh Niên