Bác sĩ hướng dẫn xử trí bệnh cấp tính mùa thu

Vào thu,đêm và sáng sớm lạnh nhưng ngày thì nắng nóng nên nguy cơ mắc một số bệnh cấp tính rất cao.

Phong hàn - bệnh cấp tính mùa thu dễ mắc


Một trong số các bệnh cấp tính mùa thu hay gặp là chứng phong hàn.Theo các bác sĩ Đông y, phong hoặc hàn cấp tính triệu chứng: cảm cúm (ho, đau họng, đau đầu, hắt hơi, sổ mũi kéo dài, đau mởi cứng gáy… thậm chí tê - liệt nửa mặt, liệt bên mắt, đau mỏi cơ khớp) kèm sợ gió, liệt đột ngột vận động…

Đông y gọi chứng phong hàn - gồm một nhóm các bệnh lý, gây ra nhiều chứng bệnh. Ở mức độ cấp tính, hàn gây sốt, ho, đau đầu, cứng vai - gáy, chảy mũi trong, đau họng, cơ bắp, sợ lạnh…

Người chính khí kém, sức đề kháng suy giảm, đặc biệt là những người cao tuổi có kèm bệnh mạn tính... hay mắc. Người cao tuổi có kèm bệnh mạn tính (cao huyết áp, đái tháo đường, phổi mạn tính, thừa cân - béo phì), nhưng người khỏe mạnh không nên chủ quan vì nếu trúng hàn tà, phong tà quá mạnh thì vẫn có thể bị nhiễm.

Phong hàn thể nhẹ phần nhiều được chữa trị bằng các biện pháp dân gian.

Ở thể nặng hơn, các thầy thuốc Đông y tùy trường hợp cụ thể mà kê đơn bốc thuốc đẩy hàn tà ra khỏi cơ thể, hoặc nâng chính khí lên.

Bài thuốc đơn giản chữa phong hàn

Các thầy thuốc đông y có bài thuốc trị bệnh cấp tính mùa thu bằng cách giải cảm, khu phong do bị cảm lạnh khá hiệu quả, có tác dụng ôn trung, tán hàn, khu phong, giải cảm rất hiệu quả trong các trường hợp cảm lạnh mới mắc phải trong 1 - 2 ngày, gồm:

Tế tân 4 gr; hoắc hương 8 gr; bạch đậu khấu 4 gr; sa nhân 4 gr; trần bì 2 gr; cảo bản 2 gr; hậu phác 4 gr; ngô thù du 2 gr; quế chi 2 gr; gừng tươi 8 gr (3 lát).

Mua các vị thuốc trên ở các hiệu thuốc đông y, về hãm với nước sôi 15 - 20 phút, rồi uống khi thuốc còn nóng ấm.

Bệnh viêm da cơ địa cấp tính


Theo tài liệu của TS Đỗ Thị Thu Hiền, Bệnh viện Da liễu Trung ương, viêm da cơ địa cấp tính gồm các chứng bệnh chàm thể tạng, eczema, sẩn ngứa Besnier… bệnh đặc trưng bởi ngứa – gãi – mẩn đỏ… khu trú ở trán, má, cằm, nặng hơn có thể lan ra tay, thân. Người bệnh có thể viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mắt và viêm ngứa họng, hen… là hay tái phát.bệnh.


Trong dân gian có một số phương pháp trị chứng dị ứng, ngứa bằng cách rang miếng vải trên chảo nóng, rồi áp vào chỗ dị ứng, sẩn ngứa một lúc là hết.


Nhưng các bác sĩ cho rằng, ở thể nhẹ mới làm như vậy, còn ở thể nặng thì cần đi khám để được uống thuốc, thoa kem (có corticoit, kháng sinh) để giảm triệu chứng, tránh bội nhiễm, chống dị ứng, mẩn ngứa nặng hơn. Nếu không điều trị bệnh tiến triển trong nhiều tháng, nhiều năm.


- Khi bị dị ứng, mẩn ngứa người bệnh tránh chà xát, gãi.


- Đi khám để được chỉ định kem, thuốc chống ngứa, kem dưỡng ẩm, loại trừ và tránh các chất gây dị ứng.


- Tránh dùng đồ len dạ trực tiếp vào da.

Bệnh tim mạch cấp - nguy hiểm dễ chết người

Do vào thu đêm và sáng sớm lạnh, nhưng ngày thì nắng nóng nên nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ gia tăng do cơ thể không thích ứng kịp - nguyên nhân hàng đầu gây đột qụy.

Ngay cả những người khỏe mạnh cũng nên đề phòng chứng tăng huyết áp, khó thở, tim đập nhanh do sự thay đổi nhiệt độ, gây những cơn co thắt ở nhiều mạch máu.

Để phòng ngừa bệnh tim mạch, nên:

- Chú ý đến chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh, hoa quả và cá, hạn chế chất béo có hại, không hút thuốc và chăm chỉ thể dục.

-Nếu thấy có vấn đề về tim mạch hay huyết áp, cần chú ý theo dõi, đi khám bác sĩ để điều chỉnh hoạt động của tim mạch và huyết áp, ngăn ngừa bệnh, không nên để đến khi bị bệnh trầm trọng mới điều trị.

Ảnh minh họa.
Nhóm bệnh viêm đường hô hấp

Vào thu nhóm bệnh lý cấp tính hay gặp nhất là viêm đường hô hấp trên cấp tính (gồm viêm họng, VA, amidan). Chứng này gây sốt cao, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, biến giọng nói… để lâu dễ diễn tiến thành viêm phế quản, viêm phổi…

Khi bị viêm đường hô hấp cấp, nếu không chữa trị ngay rất nhanh chuyển sang bị viêm phế quản cấp - là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc của phế quản lớn và trung bình. Biểu hiện lâm sàng là ho, thở ran, khò khè... Chữa trị đùng bệnh sẽ không để lại di chứng.

Khi bị viêm đường hô hấp cấp tính không nên tự chữa ở nhà, nhất là đối với trẻ nhỏ, vì bệnh diễn tiến nhanh và nặng. Khám chữa bệnh kịp thời, bác sĩ cho dùng thuốc đúng sẽ nhanh khỏi, ít tái phát và ít ảnh hưởng tới sức khỏe.

Ở thể nhẹ có thể chữa trị tại nhà. Cho bệnh nhân nghỉ ngơi nơi thoáng, sạch.Giữ ấm và tránh cho bệnh nhân không bị lạnh đột ngột, hoặc bị gió lùa, hay ở nơi bụi khói, ô nhiễm. Đảm bảo chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, giữ gìn và nâng cao sức khoẻ. Cho uống đủ lượng nước và đủ liều thuốc.

Ở thể nặng sẽ rất nhanh chuyển sang viêm phế quản cấp, viêm phổi... cần đến bệnh viện để bác sĩ điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn ở tai, mũi, họng để tránh thành bệnh mạn tính đường hô hấp.

Phòng ngừa bệnh giao mùa

- Sáng sớm và đêm cần giữ ấm ổ, ngực, bụng, nhất là trẻ em. Đêm ngủ nên đắp chăn ngang bụng. Nhưng không mặc đồ dày, đắp chăn dày kẻo toát mồ hôi cũng bị nhiễm lạnh.

- Uống nhiều nước, bổ sung dinh dưỡng bằng thực phẩm, hoa quả nhiều vitamin C, thuốc bổ vitamin... để ngăn ngừa cảm cúm, tăng sức đề kháng. Ăn uống cần nóng sốt.

- Khi ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi… cần đi khám để bác sĩ điều trị kịp thời. Che miệng khi hắt hơi, rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Khi ốm sốt vẫn cần lau rửa, tắm giặt, vệ sinh mũi họng, cơ thể hàng ngày.

- Năng tập thở, tập thể dục để nâng cao sức khỏe phòng bệnh tật.

- Giữ nhà cửa, phòng ngủ sạch sẽ, thoáng mát, thông khí tốt.

Theo Theo Gia đình xã hội