Bác Hồ - Nguồn cảm hứng vô tận, Kỳ 3: Theo con đường Bác đi

TP - Năm 1975, khi đất nước thống nhất, nhà văn Sơn Tùng quyết tâm vào miền Nam tiếp tục sưu tầm tư liệu về Bác Hồ. Cuộc sống của vợ chồng ông khi đó rất khó khăn, nên họ quyết định bán nhẫn cưới lấy tiền đi đường.
Vợ chồng nhà văn Sơn Tùng bên mộ cũ của cụ Nguyễn Sinh Sắc (tức Nguyễn Sinh Huy).. Ảnh: ĐINH KHẮC GIAO (do gia đình nhà văn Sơn Tùng cung cấp)

Một đời thanh bần

Hôm tới nhà nhà văn Sơn Tùng, trong lúc anh Sơn Định đi pha trà, tôi lặng lẽ quan sát quanh nơi nhà văn nằm. Căn phòng này đã có một “chiếu văn” từng được rất nhiều nhà văn, nhạc sĩ, nhà văn hóa… đến đây hội tụ. Mỗi khi gặp nhau, họ không phân biệt chủ khách, cùng ngồi bệt xuống “chiếu văn” này.Nhiều câu chuyện văn chương, văn hóa, nhân tình thế thái diễn ra nơi đây.

Khi trở ra, nhận thấy sự bần thần của tôi, anh Định bảo dẫu thế nào thì “chiếu văn” tại Khu tập thể Văn Chương này luôn là kỷ niệm đẹp của gia đình. Bao năm qua, bố mẹ anh sống trong căn hộ hơn hai chục mét vuông này, nhưng nếu so với thời gian trước khi về đây thì nơi này vẫn sướng hơn rất nhiều. Rồi anh Định kể, trước khi đi B, nhà văn Sơn Tùng đã trả lại căn nhà khá rộng trên phố Nam Đồng cho nhà nước.

Đến khi bị thương, ra Bắc điều trị rồi ra viện, Sơn Tùng lại chưa có nhà để ở bởi căn nhà ông trả trước kia đã phân cho người khác. May sao, trong lúc khó khăn, Sơn Tùng được một người bạn cho ở nhờ tại phố Nguyễn Trường Tộ. Căn phòng này được cơi nới, rộng vài mét vuông, bên dưới nuôi lợn. Khi nhà văn kết hôn, hai vợ chồng ban đầu sống ở đó. Về sau, thấy nơi đó ở khổ quá, một người bạn khác lại cho vợ chồng nhà văn ở nhờ tại một góc nhỏ của nhà mình trên phố Lý Nam Đế.

Khoảng năm 1975, có người cho nhà văn Sơn Tùng biết có một căn hộ diện tích rộng hơn mười mét vuông tại Khu tập thể Văn Chương nằm trong diện phân nhà. So với tiêu chuẩn của nhà văn Sơn Tùng căn hộ này thấp hơn, nhưng do cần chỗ ở nên vợ chồng ông quyết định dùng tiêu chuẩn của bà Phan Hồng Mai để nhận căn nhà này. “Về sau, do căn nhà cũ hơi chật, cha mẹ tôi đã đổi sang ngôi nhà đang ở hiện nay. Căn nhà này trước phân cho hai gia đình. Nay một gia đình muốn vào Nam nên cha mẹ tôi mua lại phần nhà của họ, sau đó đổi cho gia đình còn lại chỗ cha mẹ tôi đang ở để sở hữu toàn bộ căn hộ như hiện nay”- anh Định cho biết.

Hiện nay, sau 45 năm, căn hộ của nhà văn Sơn Tùng đã xuống cấp. Nền nhà không bằng phẳng, tường ẩm mốc. Trần nhà bằng rơm nên gia đình phải căng ni lông phía dưới vì sợ có mảnh trần bị lở rơi xuống. Khổ nhất là căn hộ hiện nay vẫn không khép kín, vì theo thiết kế cũ khu vệ sinh của tập thể được sử dụng chung.

Bán nhẫn cưới làm lộ phí

Mặc dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng khát vọng được tiếp tục sưu tầm những tư liệu về Bác Hồ luôn cháy bỏng trong ông. Khoảng giữa năm 1975, sau khi tạm ổn cuộc sống, nhà văn bàn với vợ vào Nam để gặp một số nhân chứng từng biết về thời tuổi trẻ của Bác, trong đó có bà Lê Thị Huệ theo gợi ý trước đây của bà Nguyễn Thị Thanh.

Phóng viên báo Tiền Phong Sơn Tùng (thứ 3 từ trái sang) trong lần đi tác nghiệp tại làng Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội) được gặp Bác Hồ.  (ẢNH CHỤP LẠI TỪ TƯ LIỆU GIA ĐÌNH) 

Mong muốn của nhà văn Sơn Tùng được bà Phan Hồng Mai ủng hộ.Có cơ quan sau khi cấp giấy tờ cần thiết cho nhà văn Sơn Tùng đã gợi ý cấp cho ông một khoản kinh phí để thực hiện chuyến đi. Tuy nhiên, do chưa thể định liệu kết quả chuyến đi thế nào nên nhà văn từ chối.

Ngày mới giải phóng, đường vào miền Nam chưa thuận tiện như bây giờ. Dọc chuyến đi, khi thì bà đỡ ông ngồi trên ô tô, lúc lại ngồi xe lam chở chung cả lợn gà, lúc lại dìu ông đi bộ. “Mỗi khi thời tiết thay đổi, vết thương của chồng tôi lại tái phát khiến ông lên cơn co giật. Khi đó, tôi phải ôm chặt ông một lát mới đỡ”- bà Mai kể.Rồi bà cho biết, tuy đường đi vất vả như vậy, nhưng bù lại vợ chồng bà lại được sự giúp đỡ của nhiều người. Bởi khi biết ông là nhà văn, lại là thương binh nặng lặn lội từ miền Bắc vào Nam để tìm kiếm tư liệu về Bác Hồ rất nhiều người quý và giúp đỡ. Không ít lần di chuyển, vợ chồng nhà văn được mọi người cho đi nhờ xe, mời cơm…

Đến Cao Lãnh, nhà văn Sơn Tùng may mắn gặp được ông Nguyễn Thành Mậu, khi đó là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tỉnh Sa Đéc. Ông Mậu là em ruột ông Nguyễn Thành Tây, một học trò của Bác Hồ thời Người dạy học ở Phan Thiết.Qua sự quen biết này, vợ chồng nhà văn được đưa đến thăm mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc. “Nghe cha tôi kể lại, khi đến đây, mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc đang được tu sửa lại.Khi đó, anh Đinh Khắc Giao, kiến trúc sư đang tham gia việc thi công tại đây đã chụp cho cha mẹ tôi một tấm ảnh bên ngôi mộ cũ của cụ Sắc để làm kỷ niệm”- anh Sơn Định cho biết.

Sau khi thu thập được một số tư liệu tại Cao Lãnh, vợ chồng nhà văn Sơn Tùng vào TPHCM, ở tại nhà bà Phan Thị Phong. Tại đây, nhà văn Sơn Tùng gặp được bà Hồ Tường Vân, con gái cụ Hồ Tá Bang (cụ Bang là bạn thân của cụ Nguyễn Sinh Sắc).Từ cuộc gặp này, nhà văn tiếp tục gặp được bà Hồ Thị Liệt, chị ruột bà Hồ Tường Vân. Bà Liệt cho biết một số điều về bà Lê Thị Huệ, nhưng nói việc gặp bà Huệ hiện thời rất khó.

Trong khoảng thời gian này, nhà văn Sơn Tùng gặp tiếp được ông Lê Hương, cháu ruột bà Lê Thị Huệ. Ông Hương cho biết, bà Huệ hiện đi tu tại một ngôi chùa cách Sài Gòn khá xa. Vợ chồng nhà văn Sơn Tùng vội đến ngôi chùa này, nhưng bà Huệ không cho gặp.Vợ chồng nhà văn đành tìm nơi ở gần chùa để thỉnh thoảng lại vào xin gặp, nhưng bà Huệ tiếp tục từ chối.

Sau một thời gian kiên trì qua lại chùa, đến lần thứ 11 bà Lê Thị Huệ đồng ý gặp vợ chồng nhà văn Sơn Tùng. Bà Huệ bấy giờ đã ngoài 80 tuổi, trí tuệ vẫn minh mẫn. Tại cuộc gặp, nhà văn Sơn Tùng tặng bà Huệ cuốn sách của mình viết về Bác Hồ có tên Nhớ nguồn vừa được xuất bản, đồng thời bày tỏ mong ước được gặp bà sau những lần được nói chuyện với bà Nguyễn Thị Thanh từ năm 1948. Ngoài ra, nhà văn còn đưa bà Huệ xem bức ảnh chụp vào năm 1964, thời ông là phóng viên báo Tiền Phong đi tác nghiệp đã vinh dự được chụp ảnh với Bác Hồ trong lần Người đến thăm làng Lỗ Khê (huyện Đông Anh, Hà Nội), một địa phương điển hình về phát triển nông nghiệp. Bà Huệ lắng nghe, rồi nói: “Tôi thấy ông là người kiên trì và có tâm. Nếu ông muốn biết thì tôi sẽ kể để ông hiểu được Cụ Hồ thời đó…”. Rồi bà Huệ kể cho nhà văn nghe về thời điểm bà được gặp Bác Hồ thời còn ở Huế, rồi gặp nhau lần cuối ở Sài Gòn trước khi Người xuất dương sang Pháp. Nhiều thông tin từ cuộc gặp đó sau này đã được nhà văn Sơn Tùng lấy làm chất liệu để viết nên tác phẩm Búp sen xanh…

         (Còn nữa)