Theo đó, quy định này được áp dụng đối với lễ hội do cơ quan nhà nước và không phải do cơ quan nhà nước tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý di tích kiêm nhiệm.
Tỉnh Bắc Giang yêu cầu tổ chức được giao quản lý di tích có trách nhiệm mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Đồng thời, tổ chức được giao quản lý di tích có trách nhiệm cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận, thực hiện kiểm đếm định kỳ, ghi tổng số tiền tiếp nhận, lập thành biên bản trên cơ sở đảm bảo tính khách quan, minh bạch và có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan, đơn vị liên quan trước khi nộp tiền vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại.
Số tiền công đức, tài trợ được trích 5% để tạo nguồn kinh phí tu bổ, phục hồi đối với các di tích trên địa bàn tỉnh, trích để lại 30% để chi hoạt động lễ hội, trích để lại 30% để chi hoạt động thường xuyên của đơn vị, ban quản lý di tích, số còn lại chi các khoản đặc thù. Đến cuối năm, số dư kinh phí được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục sử dụng cho các nhiệm vụ đặc thù của di tích.
Trao đổi với PV Tiền Phong vào sáng 2/12, ông Nguyễn Hữu Phương - Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang) cho biết toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 750 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng các cấp và hơn 780 lễ hội được tổ chức hàng năm.