Khó cho vùng đồi, núi
Chi cục Kiểm lâm Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, rừng của tỉnh tập trung nhiều ở khu vực đồi núi, trong 28.000 ha thì có tới ¾ diện tích rừng là núi, chủ yếu ở các địa phương: Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Thành phố Vũng Tàu và thị xã Phú Mỹ. Do địa hình phức tạp, khi xảy ra sự cố cháy rừng thì việc tiếp cận nguồn nước chữa cháy là rất khó khăn.
Ông Võ Văn Ích, một hộ nhận khoán, bảo vệ 6 ha rừng khu vực núi Thị Vải, ấp Phước Thành, xã Tân Hoà, thị xã Phú Mỹ chia sẻ, hiện là cao điểm của mùa khô, khu vực này không có nguồn nước nên cây cối chết khá nhiều, xảy ra cháy rừng thì cực kỳ khó chữa cháy.
Cũng theo ông Ích, phía sau khu vực này có 1 con suối chảy từ núi Thị Vải xuống, nhiều năm qua ông cùng người dân trong vùng đã tính toán ngăn dòng một phần con suối này, vừa trữ nước vào mùa khô vừa đảm bảo nguồn nước chữa cháy. Tuy nhiên, ý tưởng này không thành hiện thực vì điều kiện kinh tế. Trường hợp xảy ra cháy rừng những người ở đây chỉ biết sử dụng biện pháp thủ công, dùng nhánh cây để dập lửa.
“Nếu ở đây mà cháy thì rất khó tiếp cận và khó có biện pháp để dập lửa. Về chuyên môn tôi nghĩ rằng, chỗ nào có nguồn nước thì Nhà nước thì có cách dự trữ. Dù sao khi có nước thì mình dập tắt lửa rừng nhanh hơn, còn dập lửa bằng tay không, gió thổi bùng lên cũng sẽ cháy tiếp, rất nguy hiểm”, ông Ích nói.
Còn ông Nguyễn Văn Tiến, Ban quản lý rừng phòng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (đại diện chủ rừng khu vực Long Điền – Đất Đỏ) cho biết, trên địa bàn có 163 cá nhân, tổ chức nhận khoán bảo vệ gần 2.100 ha rừng. Để chủ động trong công tác PCCC rừng mùa khô 2023-2024, đơn vị đã hoàn thành thi công 174 ha đường băng cản lửa, thực hiện 95% việc dọn lá khô tại các đường băng.
Cũng theo ông Tiến, do rừng khu vực Long Điền – Đất Đỏ chủ yếu là địa hình đồi núi, nên đơn vị đã chủ động xây dựng 10 hồ chứa nước nằm rải rác tại các tiểu khu trong rừng với trữ lượng 1.670 khối nước.
Phía chủ rừng cũng yêu cầu các hộ nhận khoán cắt cử người canh lửa rừng, khi phát hiện cháy thì báo cho lực lượng chuyên môn: “Do cấu tạo địa chất rừng của khu vực Long Điền – Đất Đỏ chủ yếu là đá, cho nên khả năng trữ nước không có. Bên cạnh đó, cây rừng hiện đã rụng hết lá, chỉ còn thân cây cho nên công tác PCCC rừng cực kỳ nguy cấp. Không riêng chủ rừng, các đơn vị và chính quyền địa phương mong người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, khi vào rừng đừng để xảy ra cháy, bảo vệ rừng xanh cho cả nước”.
Bằng mọi cách để giữ rừng
Theo Chi cục Kiểm lâm Bà Rịa - Vũng Tàu, từ đầu mùa khô 2023-2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 11 vụ cháy rừng, chủ yếu xảy ra tại các huyện: Xuyên Mộc, Đất Đỏ, TP. Vũng Tàu và TX. Phú Mỹ. Tổng diện tích cháy khoảng 16 ha, trong đó diện tích rừng bị thiệt hại là 2 ha.
Đáng chú ý, chỉ trong vòng 3 ngày (từ 10-12/4/2024), tỉnh đã liên tiếp ghi nhận 2 vụ cháy rừng đáng báo động.
Cụ thể, vụ cháy vào ngày 12/4 tại xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ đã thiêu rụi khoảng 4ha rừng tràm.
Trước đó, đêm 10/4, rừng tại khu vực núi đá dọc tuyến tránh Quốc lộ 56, phường Long Huơng, TP. Bà Rịa cũng bùng phát đám cháy, ngay sau đó đã được dập tắt. Tuy nhiên, rạng sáng hôm sau lửa âm ỉ bùng phát trở lại. Các lực lượng Kiểm lâm, Công an PCCC, người dân, chủ rừng... tiếp tục được điều động đến hiện trường để dập lửa.
Còn khu vực Long Điền – Đất Đỏ, từ đầu mùa khô 2023-2024 đến nay cũng đã xảy ra 1 vụ cháy vào rừng vào tối 19/2 (ngày vía Thần tài) tại khu vực chùa Châu Long, thị trấn Phước Hải, huyện Long Điền. Nhờ tổ chức lực lượng tuần tra 24/24h nên vụ cháy được phát hiện sớm, sau gần 3 giờ đã khống chế được ngọn lửa, không thiệt hại về rừng.
Ông Võ Đinh Vinh Quang, kiểm lâm viên khu vực Long Điền – Đất Đỏ cho biết, là địa đồi núi nên việc phát hiện và phối hợp các lực lượng chữa cháy rất quan trọng. Nhờ có sự phối hợp này mà rừng ở Long Điền – Đất Đỏ không bị thiệt hại khi xảy ra cháy.
“Rừng ở địa bàn chủ yếu là dốc đá, sườn núi cho nên mỗi lần có tin báo cháy thì kiểm lâm phối hợp với địa phương, quân sự, công an cùng dập lửa. Cháy thường ở trên đỉnh núi cao, xe chữa cháy lên không tới thì anh em dùng các biện pháp nghiệp vụ chuyên môn như cắt đường băng, vận chuyển nước bằng tay để xử lý đám cháy, những đám tàn tro còn lại” ông Quang cho hay.
Theo Chi cục Kiểm lâm Bà Rịa - Vũng Tàu, rừng của tỉnh có địa hình rất hiểm trở, hơn 3/4 diện tích rừng là đồi núi, dốc cao, đất lâm nghiệp nằm xen kẽ với khu dân cư, đi lại chủ yếu bằng đường mòn… Bên cạnh đó, rừng có nhiều hướng tiếp cận nên việc kiểm soát người ra, vào rừng, đặc biệt vào những dịp lễ, tết hết sức khó khăn nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng là rất cao.
Ông Ngô Thanh Trung, Phó Chi cục Trưởng Kiểm lâm Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, khí hậu vào mùa khô đi kèm với gió Đông Bắc thổi mạnh và liên tục, nguồn nước từ các con suối đã cạn kiệt, độ ẩm không khí rất thấp cũng là nguyên nhân khiến nguy cơ cháy rừng gia tăng nghiêm trọng.
Nếu xảy ra cháy rừng mùa khô 2023 – 2024, kiểm lâm có thể huy động hơn 3.900 người tham gia chữa cháy. Các hồ chứa nước trong rừng, bìa rừng luôn trữ đầy để kịp thời ứng cứu khi xảy ra cháy. Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nhất là những vị trí mà xe cứu hỏa không thể tiếp cận.
“Bằng mọi giá không để rừng bị thiệt hại, khi xe chữa cháy không lên được thì chúng tôi sử dụng biện pháp thủ công là vận chuyển nước từng can lên, máy bơm nước bằng tay… để chữa cháy. Bên cạnh đó, chúng tôi dùng máy thổi gió để tránh cháy lan sang vùng khác”, ông Ngô Thanh Trung nói.
Theo ngành lâm nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trên địa bàn có hơn 4.428 ha rừng trọng điểm cần phòng cháy, chủ yếu ở các huyện: Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, thị xã Phú Mỹ và TP Vũng Tàu. Để hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng, người dân và du khách cần tăng cường ý thức bảo vệ rừng, hạn chế tối đa việc sử dụng lửa trong rừng và ven rừng, cùng chung tay bảo vệ, giữ gìn "lá phổi xanh".