Lê Thị Quỳnh .
Ba giải thưởng
Cuộc thi có tên quốc tế là Asian - Pacific Open Electronic Organ Competition 2012 do Hiệp hội Đàn điện tử châu Á - Thái Bình Dương (APEKA) tổ chức tại Hồng Kông, thu hút hơn 200 thí sinh Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore… Cuộc thi chia thành hai dòng nhạc chính là âm nhạc cổ điển (classic music) và âm nhạc đại chúng (pop music - bao gồm cả pop, jazz, rock, flamenco…). Có 12 bảng theo lứa tuổi từ 8 đến 30.
Bảng classic music dành cho lứa tuổi từ 22 trở lên. Lê Thị Quỳnh thể hiện tác phẩm Toccata và Fuga cung rê thứ của nhà soạn nhạc J.S.Bach do PGS.TS.NSƯT Lưu Quang Minh chuyển soạn cho đàn điện tử (Electronic) theo âm hưởng dàn nhạc giao hưởng. Chung cuộc, Quỳnh đoạt giải Nhất. Quỳnh hiện là giảng viên Electronic của Học viện, đồng thời theo học năm thứ nhất cao học tại đây.
Nguyễn Thị Minh Phương và Lê Hoàng Thảo đều dự thi dòng pop nhưng ở hai bảng khác nhau. Minh Phương là sinh viên năm thứ tư bộ môn jazz, thể hiện hai tác phẩm mang âm hưởng jazz của hai tác giả đương đại: Love is here to stay (tạm dịch Tình yêu là đây) của G.Gershwin và Night and day (Đêm và ngày) của Cole Porter và đoạt giải Ba.
Giải Ba còn lại thuộc về Lê Hoàng Thảo học sinh trung cấp năm thứ 3 dự thi với hai tác phẩm Beautiful love (Tình yêu đẹp) của Vitori Young và Triste (Nỗi buồn) của Jobin đều mang âm hưởng jazz.
Và số phận một cây đàn
Electrone là một loại đàn phím điện tử, gần giống piano điện nhưng đa năng hơn. Với Electrone, nghệ sĩ muốn chinh phục phải rất mất thời gian, bởi họ phải thành thạo cả… tứ chi. Cây đàn có 3 dàn phím, hai dàn nằm ở phía trên dành cho hai tay, một dàn đặt ở gần đất dành cho chân trái trong khi chân phải điều khiển những phím pê-đan. Rất khó, nhưng chinh phục được sẽ “mê” bởi theo PGS. Lưu Quang Minh, nếu chỉ nghe không nhìn thì không khác gì một dàn nhạc giao hưởng thực thụ.
Electrone xuất hiện lần đầu ở Nhật Bản vào khoảng thập niên 50 thế kỷ trước, sau đó lan rộng ra toàn châu Á và Mỹ. Khoảng hơn 10 năm gần đây thì trở thành một trong những nhạc cụ phổ biến. Giống như organ ở VN, Electrone được sử dụng trong hệ thống giảng dạy âm nhạc phổ thông ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cao và đặc biệt Trung Quốc đại lục. Những năm 1960 Electrone xuất hiện ở Sài Gòn, sau đó bị lãng quên cho tới giữa những năm 1990 thì tái xuất ở Hà Nội.
Song không hiểu vì lý do gì cây đàn chưa được nghệ sĩ trẻ VN đón nhận. Tới nay, dù đã có khoảng 15 năm đào tạo ở Học viện, song số phận của cây đàn vẫn hẩm hiu. Ngay ở Học viện hiện tại , người theo học đàn này mới chỉ dừng lại ở con số 5 cho các cấp học từ sơ cấp đến cao học.
PGS Lưu Quang Minh cho biết, khoảng 2 tháng nữa sẽ thực hiện một chương trình âm nhạc Electrone do các gương mặt trẻ thể hiện. Với giải thưởng vừa qua, hy vọng dịp này sẽ là một cú hích hút nghệ sĩ trẻ đến với Electrone.