Xuất hiện trong chương trình Quán Thanh Xuân tháng 10 với chủ đề “Leng keng ngày tháng cũ”, NSND Lê Khanh diện áo dài hoa trắng, khiến người ta nhớ đến những chiếc áo dài tuyệt đẹp của Đỗ Hải Yến khi cô thủ vai Phượng trong “Người Mỹ trầm lặng”.
Bí mật đầu tiên của Lê Khanh nhiếu nhiều người ngạc nhiên, chính là ký ức về thanh xuân của bố: “Người nhảy tàu vừa đẹp vừa điêu luyện vừa nghệ sĩ trông như bay ấy chính là NSND Trần Tiến – bố tôi. Ông có ý thức rất rõ về ngoại hình, lúc nào cũng phải diện một đôi ba ta trắng bong. Và cái sự mềm, dính của giày ba ta khiến mỗi lần ông nhảy tàu thì đều như một lãng tử, hút hồn không biết bao nhiêu cô gái trong đó có mẹ tôi”. Lê Khanh cũng kể thêm, bố chị thỉnh thoảng thích trốn vé khi đi tàu điện, và thích nhất là nhảy lên đuôi tàu. Nhờ những cú nhảy bất kham ấy, ông đã buộc chặt trái tim bà Lê Mai đến đắm đuối, mê say.
Ký ức thuở nhỏ của Lê Khanh từ khi bắt đầu đã gắn bó với những chuyến tàu điện. Câu chuyện thứ hai của chị cũng liên quan đến phương tiện giao thông một thời xa vắng này.
“Mẹ tôi sinh non, tôi 7 tháng rưỡi đã ra đời, nặng có 1 cân sáu, dài 32cm. Mỗi lần đi đâu mẹ đều đặt tôi trong cái làn mây Quảng Ninh và đeo ở tay. Từ Quán Thánh, bà lên tàu điện đến nhà hát kịch, ra Hàng Buồm, đến rạp Công Nhân. Không ai biết trong làn mây có một em bé. Khi đó, mẹ cắt dải váy của chị Lê Vân khâu thành cái mũ cho tôi”. Nói xong chị còn khoe cái mũ búp bê chỉ bé bằng lòng bàn tay được giữ gìn cẩn thận như một thứ báu vật gia truyền.
Nhớ về kỷ niệm này, Lê Khanh ao ước, giá mà mẹ sinh mình đủ tháng đủ ngày, có khi giờ mình giỏi giang lắm!
Cùng ký ức về Hà Nội một thời đã xa, họa sĩ Thành Chương khoe, đến giờ ông vẫn nhớ một bài hát chế về cô hàng xôi. Lê Khanh thấy vậy phụ họa luôn, em cũng nhớ, vì bố em ngày xưa hay hát.
Bài song ca “Cô hàng xôi” của Lê Khanh và Thành Chương sau đó trở thành một màn biểu diễn có một không hai ở Quán Thanh Xuân.
“Cô hàng xôi ơi bán tôi một hào/ xôi sao nhạt thế, cho tí hành phi, cho nó đậm thêm ới cô hàng xôi/ xôi cô ngon ghê nhưng mà tôi chê, với cô một điều/ móng tay cô dài, cô gãi lên đầu, chấy rơi vào xôi”...
“Tôi không ý thức được độ chậm của mình cho đến khi biết lái xe. Ngày đầu tiên mẹ cầm lái ra đường, hai đứa con háo hức lắm, đứa nào cũng đòi đi cùng. Song chỉ được năm phút tôi thấy mặt hai con chảy ra như giọt lệ trên gương, hỏi sao thế con, chị gái bảo: mẹ chán, nói chậm, đi chậm, giờ lái xe cũng chậm. Cậu em nghe thế xót mẹ lao lên bênh: nhưng mẹ cười nhanh!”.
Lý giải về sự chậm này, Lê Khanh cho biết: “Chị em gái nhà họ Trần nói lúc nào cũng khoan thai, không phải sức khỏe yếu, mà vì nếu có trót nói to tí thì phụ huynh sẽ nhắc ngay: nói nhỏ thôi con, ngồi mỏi gù lưng một tí cũng bị nhắc thẳng lưng lên, ngồi khép cái chân vào”... Chính những uốn nắn từng li từng tí như thế mới dần tạo nên phong thái thanh lịch của người Tràng An mà văn nhân nhã sĩ đều thích nhắc đến như một nét văn hóa rất riêng biệt của người Hà Nội.