Vượt qua bao định kiến xã hội để chọn cuộc sống đơn thân quả thật không dễ dàng. Động lực chính để "singlemom" sống khỏe, sống vui là những đứa con thân yêu.
“Gánh vui”
Một vai hai gánh nhưng đó là “gánh vui” - chị Trần Thị Kim Thoa, chủ thương hiệu địu vải BUBI, tâm sự khi hướng ánh mắt trìu mến về ba thiên thần nhỏ hồn nhiên vui đùa ngoài sân. “Nếu không có các con, tôi không biết mình làm cách nào để tồn tại đến hôm nay. Đôi lúc quá sức chịu đựng, muốn buông tất cả; vậy mà nhìn các con nằm ngủ bình yên bên cạnh, tôi lại đứng lên và đi tiếp” - chị Thoa bộc bạch.
Chị Thoa phát hiện cấn bầu bé thứ 3 thì thai đã hơn ba tháng. Không chịu được tính tình người chồng, chị ôm ba đứa con bước ra khỏi nhà. Bơ vơ giữa Sài thành, chị thuê căn phòng trọ nhỏ chờ ngày sinh. Đang có một mái ấm, thoáng chốc, chị Thoa trắng tay: không chồng, không tiền bạc, không việc làm, không nhà cửa… người phụ nữ chạm ngõ 40 tuổi ôm đàn con mà không biết ngày mai sẽ ra sao. “Dù gì mình vẫn phải sống, phải lo tốt cho các con” - chị tự nhủ lòng.
Trong một lần xem tivi, thấy nhiều bà mẹ trẻ gặp khó khăn khi địu con, ngại ngùng khi cho con bú… Ngay lập tức chị nghĩ ngay đến áo vải địu trẻ em vừa chắc chắn, lại thoải mải, yên tâm cho bú mà không sợ... "lộ hàng". Vay mượn được 100 triệu đồng, chị Thoa bắt đầu hành trình khởi nghiệp từ đó.
Khi sinh bé thứ ba, dù ăn uống kham khổ nhưng chị Thoa rất mát sữa. Sữa nhiều đến nỗi chị vắt trữ đầy tủ lạnh. “Phòng bên cạnh cũng có người sinh con nhưng không có sữa, thấy vậy mình cho sữa của mình. Đứa trẻ “chịu” khiến cả nhà mừng rơn. Tôi nhớ mãi bà ngoại sang cảm ơn “giọt sữa của con đã cứu cháu của cô”. Lúc ấy tôi như bừng tỉnh, thấy rằng nhiều người cần sữa cho trẻ quá. Thế là tôi mở tủ sữa mẹ miễn phí “ai có thì tặng, ai cần thì lấy”. Quả thật, chính nhờ các con mà tôi đã tìm ra đường đi cho mình” - chị nhớ lại khoảnh khắc thay đổi cuộc đời mình.
“Không chồng mà chửa” là điều mà chị Thanh (nhân viên kinh doanh của một công ty nước ngoài ở Q.1, TPHCM) nghe đến quen tai mỗi khi về quê. Thuộc dạng “quá lứa lỡ thì”, năm 38 tuổi, chị âm thầm đến một bệnh viện làm thủ tục thụ tinh nhân tạo hòng có mụn con. Gia đình phản đối kịch liệt, nhưng khi bé gái xinh xắn chào đời, mọi người chấp nhận và thông cảm.
Nựng nịu con yêu, chị Thanh trải lòng: “Mới đầu, tôi cũng đấu tranh tư tưởng dữ lắm, sợ thiên hạ xì xầm, bàn tán. Nhưng rồi, khát khao được một lần làm mẹ luôn thôi thúc tôi quyết định liều một phen”. Từ khi có con, chị bận rộn hơn nhưng vui hẳn, đi đâu cũng một mẹ một con tíu ta tíu tít.
“Con gái khiến cuộc sống tôi có ý nghĩa, không còn những ngày chỉ biết lao vào kiếm tiền như trước. Bây giờ tôi biết tiết kiệm hơn, biết lo cho ngày mai. Có con, tôi bao dung, hiểu lòng cha mẹ nhiều hơn” - bà mẹ một con trải lòng.
Con có bị tổn thương?
Dù cứng rắn nhưng mỗi khi con trai học lớp 5 thắc mắc cha mình là ai, sao không đón con như các bạn… là mỗi lần chị Mỹ Hòa (34 tuổi, ngụ chung cư An Gia, Q.Bình Tân, TPHCM) lại quay mặt quệt vội nước mắt. “Lúc biết tin tôi mang thai, bạn trai “quất ngựa truy phong”. Cả gia đình buộc tôi bỏ con, thậm chí là đánh đập nhưng tôi quyết giữ” - chị Hòa nghẹn ngào kể. Sau đó, chị nương nhờ một mái ấm đến ngày khai hoa nở nhụy.
Không thể kể xiết nỗi vất vả khi một mình nuôi con, tiền không có, con đau ốm không người chăm sóc… Thấm thoát 10 năm, bao vất vả cũng qua. May mắn là con trai chị ngoan ngoãn, hiếu thảo, lễ phép. “Càng lớn con càng hỏi về cha nhiều hơn. Lần nào tôi cũng nói cha đi làm xa nhưng biết không thể giấu con cả đời” - chị Hòa tâm sự và cho biết, điều hối hận nhất là đã không cho con được một mái ấm trọn vẹn. Mỗi lần bắt gặp ánh nhìn của con hướng về một gia đình có đầy đủ cha mẹ, chị biết con thèm đến mức nào một vòng tay ấm của cha.
“Tất cả những khó khăn tôi đều đã vượt qua. Tuy vậy, nhiều khi thấy bạn bè, hàng xóm xầm xì, thậm chí bỡn cợt, tôi cảm thấy tủi thân, chỉ sợ con gái nghe được sẽ bị tổn thương” - chị Thanh, nói mà khóe mắt ươn ướt. Chị cũng lo lắng về cách thức dạy con để bé thích nghi với cuộc sống không có bố, chấp nhận sự thật này mà không bị sốc, nhất là khi bé bước vào tuổi dậy thì.
Không giấu được tự hào khi một tay nuôi ba con gái mạnh khỏe, chóng lớn nhưng chị Kim Thoa vẫn luôn tự trách mình khi hai bé sau bị hội chứng chậm phát triển ngôn ngữ. “Lúc con đang phát triển thì mình bị stress vì chuyện gia đình, thiếu quan tâm đến con. Giờ tôi vẫn đang cố gắng chạy chữa bệnh cho con, để con có được cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác cùng trang lứa” - chị Thoa cho hay.
BS CK2. Trần Minh Khuyên - Trưởng khoa Tâm thần kinh và Trị liệu tâm lý Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TPHCM cho biết, phụ nữ đơn thân phải chịu nhiều áp lực, vừa làm cha vừa làm mẹ, tất cả điều này đều ảnh hưởng đến tính cách của con. Đừng cho rằng con không nói gì nghĩa là mọi việc đang ổn thỏa đối với con. Nếu trẻ có những thay đổi trong hành vi, học hành, thói quen ăn ngủ, và có vẻ uể oải, thì có nghĩa trẻ đang chịu căng thẳng về cảm xúc. Thậm chí trẻ có dấu hiệu lệch lạc giới tính…
BS CK2. Trần Minh Khuyên cho biết, những đứa trẻ lớn lên trong gia đình không có đủ cha mẹ rất dễ ảnh hưởng đến nhân cách. Nếu trong lúc mang thai mà tâm tư, tình cảm của mẹ không vui, mẹ bị trầm cảm thì con bị ảnh hưởng.
“Tôi đã từng gặp nhiều trường hợp một đứa bé ở độ tuổi tập nói tập đi, lúc này cha mẹ bé chia tay nhau khiến bé tự nhiên không chịu nói nữa. Đến khám mới biết trẻ mắc hội chứng chia ly. Đứa trẻ nào cũng có nhu cầu ở gần bên cha mẹ. Xu hướng phụ nữ đơn thân do hoàn cảnh, tâm lý, không ràng buộc bởi đời sống vật chất. Họ chỉ cần một đứa con là đủ. Tuy nhiên, cái gì không theo quy luật đều là bất thường” - BS Khuyên nhận định.
(Còn nữa)