ASEAN có thể lập lực lượng gìn giữ hòa bình như châu Phi

TP - Các bộ trưởng quốc phòng của ASEAN sẽ nghiên cứu mô hình lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi để lập ra lực lượng của cả khối, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia hôm qua khẳng định. 
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi được triển khai tại nhiều điểm nóng. Ảnh: Diplomat

“Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên minh châu Phi dưới cờ của Liên Hợp Quốc, tại sao ASEAN không làm như vậy? Chúng tôi cần phải tìm hiểu xem họ làm như thế nào”, hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein nói với báo giới sau khi chủ trì cuộc họp 1 ngày của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại đảo Langkawi. 

Đảm nhận cương vị chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay, Malaysia làm sống dậy ý tưởng thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình ASEAN được các nước trong khối nêu ra lần đầu tiên cách đây 1 thập kỷ. Dù tỏ ra lạc quan lực lượng gìn giữ hòa bình ASEAN sẽ thành hình, ông Hishammuddin cho rằng, việc này “cần thời gian và nhiều cuộc thương lượng về cách thức thực hiện”. Ý tưởng về một lực lượng như vậy không được triển khai trong quá khứ vì một số quốc gia thành viên sợ nó sẽ trái với nguyên tắc lâu nay của khối là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. 

Các chuyên gia cho rằng, lý do cho việc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình của ASEAN rất rõ ràng trong bối cảnh hiện nay. Đông Nam Á là nơi xảy ra nhiều cuộc xung đột nội bộ và một số quốc gia thành viên ASEAN đã tham gia quan sát các sáng kiến xây dựng hòa bình ở những điểm nóng như Aceh và Mindanao, hay tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình ở Đông Timor. Ngày nay, hầu hết các nước thành viên ASEAN tham gia ở nhiều mức độ vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và cũng đã thiết lập các trung tâm đào tạo gìn giữ hòa bình quốc gia. ASEAN cũng đã bắt đầu lập một mạng lưới kết nối những trung tâm này, gọi là Mạng lưới Trung tâm Gìn giữ hòa bình ASEAN (APCN). 

Sẽ là lực lượng trên bộ

Liên minh châu Phi đã triển khai lực lượng dưới cờ của Liên Hợp Quốc tới các vùng xung đột ở châu Phi như Sudan, Somalia... “Nếu lực lượng gìn giữ hòa bình của ASEAN được thành lập, nó sẽ là lực lượng bộ binh, chứ không phải theo mô hình hải quân”, Kyodo dẫn lời ông Graham Ong-Webb, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng tại Singapore. “Tôi nghĩ lực lượng gìn giữ hòa bình ASEAN có một số ý nghĩa chiến lược vì nó sẽ gửi tín hiệu ra cộng đồng quốc tế rằng, ASEAN sẵn sàng quản lý các điểm nóng và xung đột ở chính sân nhà của họ”, ông Ong-Webb nói. Nhà nghiên cứu này cho rằng, Hiến chương ASEAN năm 2007 tạo cơ sở cho việc thành lập một lực lượng khu vực như vậy, và rằng ý tưởng đó “có tác động đến nguyên tắc không can thiệp mang tính truyền thống của khối”. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn để triển khai ý tưởng này, dù ý kiến phản đối không còn nhiều như trước đây. Các chuyên gia cho rằng, sự hạn chế về nguồn lực, thiếu kinh nghiệm và khả năng tương tác, cũng như việc nhiều người không thoải mái khi ASEAN tiến triển quá nhanh là những mối quan tâm hiện nay. Nhưng rào cản lớn nhất là một số quốc gia thành viên không sẵn lòng vượt qua nguyên tắc của khối là tôn trọng chủ quyền quốc gia, không can thiệp, dù trước đây vẫn có sự linh hoạt để xử lý những vấn đề không được đồng thuận hoàn toàn.

Vẫn chưa rõ đề xuất của Malaysia sẽ được thúc đẩy trong năm nay và các năm tiếp theo như thế nào. Nhưng các chuyên gia cho rằng, vấn đề là khi nào, chứ không phải có nên thành lập một lực lượng như vậy.

Theo Kyodo, Diplomat