ASEAN-5 sẽ thành động lực tăng trưởng kinh tế thế giới?

TP - Tạp chí Mỹ National Interest vừa nhận định, không phải quốc gia mà khu vực có thể trở thành trụ cột sắp tới của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhóm ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Philipinnes, Thái Lan và Việt Nam) có triển vọng là một khối tăng trưởng thay thế Trung Quốc.
Các bộ trưởng kinh tế ASEAN dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 19 và các hội nghị liên quan hồi tháng 3/2013 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kinh ngạc cả trước và sau cuộc Đại suy thoái thập niên 1930. Giờ đây, tăng trưởng GDP của nước này đang chậm lại, không còn đạt mức 10%/năm. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đóng góp vào tăng trưởng toàn cầu nhiều hơn bất cứ quốc gia nào.

Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ đóng góp hơn 10.000 tỷ USD vào tăng trưởng GDP toàn cầu (tính theo GDP ngang giá sức mua của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF). Kinh tế thế giới có thể đạt mức 35.000 tỷ USD năm 2014 và Trung Quốc sẽ đóng góp gần 30%.

Theo IMF, Trung Quốc sẽ góp trên 17.000 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu vào năm 2018. Điều đó có nghĩa tầm quan trọng của nền kinh tế Mỹ sẽ không còn như trước. Những nền kinh tế đang phát triển đã thay thế các nền kinh tế phát triển nhiều hơn một thập kỷ trước với vai trò những người đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Năm ngoái, những nền kinh tế đang phát triển nắm giữ GDP lớn hơn các nền kinh tế phát triển.

Trung Quốc và Mỹ vẫn là những thế lực thống trị tăng trưởng kinh tế thế giới, chiếm hơn 45%. Song theo National Interest, sẽ đến lúc nền kinh tế toàn cầu cần một Trung Quốc mới và một số gương mặt dường như đã hiện lên.

Dân số Trung Quốc hơn 1,3 tỷ người là một nguyên nhân thành công của quốc gia này. Nền kinh tế Trung Quốc hưởng lợi từ làn sóng nhân công khổng lồ từ nông thôn đổ ra thành thị. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng bắt đầu chịu tác động của hiện tượng già hóa dân số như một hệ lụy tất yếu của chính sách một con hà khắc trước đây. Điều đó có nghĩa rằng, lực lượng lao động sẽ xuống dốc trong những năm tới, thiếu hụt nhân công và gánh nặng chi phí chăm sóc người cao tuổi sẽ tăng lên. Cơ cấu dân số chậm thay đổi sẽ tạo thời gian và cơ hội cho những động lực tăng trưởng mới nổi lên.

Vậy những quốc gia và khu vực nào có thể thay thế sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc? Brazil, Ấn Độ và Nga vẫn chưa đến thời. Ấn Độ, nước đông dân thứ hai thế giới và có độ tuổi trung bình trẻ nhất, đang đóng góp khoảng 7% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Quốc gia Nam Á này được trông đợi sẽ tăng trưởng 10% vào cuối thập kỷ. Brazil tỏ ra thiếu ổn định với những chu kỳ khủng hoảng lặp lại, chỉ đóng góp 3-4% vào tăng trưởng toàn cầu. Trong khi đó, Nga đóng góp khoảng 2-3%. Thực tế, cả Nga, Ấn Độ và Brazil chỉ đem lại 12% tăng trưởng của thế giới.

Kinh tế Đông Nam Á năng động

Tạp chí National Interest nhận định, ASEAN-5 có khả năng trở thành khối tăng trưởng thay thế đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, một khối kinh tế năng động quy mô như vậy cũng chỉ đóng góp năng lực sản xuất 5% vào tăng trưởng thế giới trong thập kỷ tới. Để so sánh, Liên minh châu Âu hồi phục sau khủng hoảng được kỳ vọng đóng góp được 7%. Trong 20 năm tới, ASEAN-5 có thể phát triển đạt kích cỡ đủ để có tác động lớn hơn.

Khu vực hạ Sahara ở châu Phi cũng có thể là động lực tiềm tàng cho tăng trưởng kinh tế thế giới. Năm 1984, khu vực này đóng góp 2% vào tăng trưởng toàn cầu, ngang bằng với ASEAN, kém Ấn Độ. Ngày nay, khu vực này đóng góp 4%, cao hơn Nga hay Ấn Độ. Với mỗi bà mẹ trung bình sinh 5 con, dân số hạ Sahara sớm đạt mốc 1 tỷ người, cơ cấu dân số trẻ khá thuận lợi cho khu vực này. Tuy nhiên, xung đột bộ lạc và bất ổn liên miên cản trở tiến bộ, khiến hạ Sahara tụt hậu.

Theo Theo National Interest