Ấn tượng Performance art

TP - Năm 2011, có khá nhiều tác phẩm trình diễn (performance art) của các nghệ sĩ đương đại. Có thể thấy, Hà Nội vẫn là “đại bản doanh” của các nghệ sĩ trình diễn với số lượng các tác phẩm nhiều nhất và tạo được ấn tượng mạnh với công chúng.
Đào Anh Khánh

> Hoành tráng nhưng còn vài hạt sạn

Đào Anh Khánh.
 

Sau đây là những tác phẩm trình diễn ấn tượng nhất trong năm, thứ tự được đặt theo tiến trình thời gian.

Lại Thị Diệu Hà:

22-2, tại Nhà sàn Studio, Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội.

Mở đầu màn trình diễn, Diệu Hà bê ra giữa sàn một chậu đựng đầy những miếng bóng lợn. Chậm rãi, nữ nghệ sĩ này rải các miếng đó xuống sàn nhà, dùng bàn là nóng là lên từng miếng. Họa sĩ Diệu Hà lặp đi lặp lại hành động này, rồi vắt những miếng bóng cho kiệt nước.

 

Sau đó, Diệu Hà còn đắp từng miếng bóng lợn lên mặt, lên tay, lên chân trần và lấy bàn là chà đi chà lại. Dưới sức nóng của bàn là, người xem có thể thấy khói bốc lên nghi ngút và những tiếng xèo xèo.

Vài chục phút sau, chị bắt đầu xắn tay áo lên đến khuỷu tay, chà hơ xát mặt bàn là vào hai cánh tay nhiều lần cho đến khi da đỏ rộp lên. Lại Thị Diệu Hà bóc những miếng da bị rộp lên, gói vào những miếng bóng lợn và lặp lại quy trình này hai lần trong sự sợ hãi của không ít khán giả.

Trước và sau trình diễn, Lại Thị Diệu Hà không phát ngôn điều gì. Tác phẩm không có tên và được một số tờ báo gọi là “trình diễn hành xác”.

Trước buổi trình diễn, ban tổ chức đã yêu cầu khán giả không quay phim, chụp hình và xem đây là một buổi biểu diễn khép kín. Vì vậy chỉ có vài hình ảnh của buổi trình diễn được quay trộm với chất lượng cực thấp.

Buổi biểu diễn của Diệu Hà diễn ra hơn một giờ. Năm 2010, Diệu Hà được dư luận chú ý với tác phẩm trình diễn “Bay lên”.

Nhóm Phụ lục.
 

Nhóm Phụ Lục:

“Bàn dài sáu thước”

3-2011, tại không gian Fectory 11 Bảo Khánh - Hà Nội.

Theo các tác giả (Nguyễn Huy An, Ngô Thành Bắc, Hoàng Minh Đức, Nguyễn Dương Hải Đăng, Nguyễn Song, Vũ Đức Toàn), tác phẩm lấy cảm hứng từ việc Ăn, Uống, Tiệc tùng và được bố cục dựa trên tác phẩm kinh điển “Bữa tiệc cuối cùng” của Leonardo da Vinci.

Từ trái qua phải, Nguyễn Song, tay cầm bánh chưng ăn rồi nhả ra những ốc vít, đinh han, sắt gỉ, Vũ Đức Toàn nín thở và úp mặt vào thau rau muống, Nguyễn Huy An đội một cái nồi như đeo mặt nạ, Hoàng Minh Đức thì nghển cổ cắn cái lưỡi câu sắt với mồi là chiếc bánh mỳ, chỗ trống là Nguyễn Dương Hải Đăng nằm bất động dưới đất và thò hai chân ra ngoài, cuối cùng là Ngô Thành Bắc ngồi chăm chú nhìn chiếc đuôi bò được kê trên thớt thái, tất cả ai làm việc của người đó và không ai quan tâm đến ai, tác phẩm diễn ra hơn 1 giờ.

Lê Nguyên Mạnh.
 

Lê Nguyên Mạnh

“Sự hủy diệt vô hình”

24-5, tại OM-studio (cảng Cống Thôn, thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội).

Trình diễn của Lê Nguyên Mạnh, lần đầu tiên tại Việt Nam, sử dụng các máy móc cơ khí lớn như máy xúc, xe tải, xe công nông đầu ngang... Tác phẩm mang tên “Sự hủy diệt vô hình” là sự kết hợp giữa trình diễn (performance art), sắp đặt (installation art), vẽ trên cơ thể (body painting), trên nền âm nhạc pha trộn theo phong cách world music.

Nghệ sĩ nói, tác phẩm trình diễn trên cảm thức “nguy cơ cuộc sống của con người bị máy móc đè bẹp”. Lê Nguyên Mạnh (cùng với một nghệ sĩ khác) trình diễn trên khoảng đất trống vốn là một bãi than đầy than khô, các máy cơ khí lớn gồm máy xúc, xe tải, xe công nông đầu ngang… đang hoạt động. Trong khi trình diễn, máy xúc đổ đất cát lên cả người nghệ sĩ.

Lê Nguyên Mạnh làm ba tác phẩm trình diễn trong năm 2011 (một tác phẩm trong khuôn khổ dự án “Đen” do curator Kuo Yen Wei (Đài Loan) tổ chức, một tác phẩm tham dự Festival Mỹ thuật Trẻ 2011).

Lê Anh Hoài

 

“Cắt - CUT”

1 - 6, tại Không gian Khoan Cắt Bê Tông, số 48, đường 18, Kha Vạn Cân, Thủ Đức, TPHCM.

Tác phẩm trình diễn Cắt - CUT của nghệ sĩ Lê Anh Hoài lấy cảm hứng từ những sự kiện mới diễn ra thời điểm đó trên Biển Đông Việt Nam. Họa sĩ Ngô Lực vẽ body art trên người Lê Anh Hoài với những đường ngang dọc như kinh – vĩ tuyến. Cùng lúc, video art mang tên “Nước” của nghệ sĩ thị giác Nguyễn Quang Tuyến cũng được trình chiếu như một sự tương tác.

Nghệ sĩ quấn băng cứu thương kín người, trình diễn trên một khoảng nền xi măng vẽ sơn đỏ. Khán giả tương tác bằng cách dùng kéo cắt dần băng trên người nghệ sĩ.

Lê Anh Hoài tham gia ba tác phẩm trình diễn trong năm 2011 (“Dập” – 31-10, tại 22A Hai Bà Trưng, Hà Nội và một tác phẩm tham gia dự án IM của OM-studio, 5-2011).

Phan Lan Phương.
 

Phan Lan Phương

“Quỷ đỏ”

19- 6, tại Không gian Khoan Cắt Bê Tông, Số 46/8, đường 18, Kha Vạn Cân, Thủ Đức, TPHCM

Bắt đầu bằng một bản đồ thế giới trên nền giấy trắng, khách đến xem muốn viết vẽ gì lên đó cũng được. Thế rồi “quỷ đỏ” xuất hiện, nữ quỷ này xâm chiếm, xóa nhòa tất cả bằng màu đỏ. Những khán giả dùng các màu khác viết vẽ lên người nghệ sĩ, trong khi đó cô lột bỏ dần áo quần. Sau hơn 30 phút trình diễn, màu đỏ trên người nghệ sĩ dần biến màu, chủ yếu là đen.

Nghệ sĩ trình diễn trong ánh sáng đỏ và nhạc tiếng ồn (noise music) do Nguyễn Hồng Giang chơi ứng tác tại chỗ.

Năm nay, Phan Lan Phương cũng đã trình diễn tác phẩm Quỷ đỏ II, cũng tại Khoan Cắt Bê Tông.

Nguyễn Văn Hè.
 

Nguyễn Văn Hè

“Cảm nhận”

28-11, tại Nhà triển lãm Vân Hồ, Hà Nội, trong buổi khai mạc Festival Mỹ thuật Trẻ 2011.

Nói về ý niệm khi làm tác phẩm này, Nguyễn Văn Hè có phần văn hoa: “Tôi yêu phụ nữ mà chẳng ngôn ngữ, màu sắc nào tả hết. Chỉ cảm nhận là hạnh phúc đối với tôi rồi… Cái đẹp thì đã chết, thứ mà chúng ta tìm được chỉ còn là linh hồn”.

Mở đầu trình diễn, Nguyễn Văn Hè bước ra với hộp nước màu xanh, ngâm những bông hồng xanh. Anh im lặng tiến đến các khán giả nữ, và đề nghị mỗi người chọn một bông hồng. Khi khán giả đã chọn gần hết hoa hồng trong hộp nước, Nguyễn Văn Hè đặt hộp ở giữa sân.

Anh lặng lẽ đến từng khán giả nữ đã chọn hoa, đưa lên miệng để họ ngậm cuống hoa. Rồi anh hôn lên những bông hồng. Kết thúc, Nguyễn Văn Hè cởi áo khoác ra, bê hộp nước lên đổ lên đầu mình.

Hà Thị Hồng Ngân.
 

Hà Thị Hồng Ngân

“Hạnh phúc”

2-12, tại Viện Goethe Hà Nội (56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội)

Tác phẩm trình diễn của Hà Thị Hồng Ngân hướng người xem tới cảm giác về thứ hạnh phúc bất an, có thể gọi là phản hạnh phúc. Ngân dùng khối băng đúc thành chiếc khăn của cô dâu trong ngày cưới đội lên đầu, tay cô cầm một đóa hoa trắng bằng băng đá, cổ đeo một chiếc vòng băng khá nặng.

Hồng Ngân tươi cười khi bắt đầu, trong khi khối băng đá trên cơ thể tan dần, tỏa hơi lạnh. Cô gồng mình chống đỡ, bật khóc và cuối cùng phải buông tất cả những đồ vật bằng băng xuống.

Trình diễn này trong triển lãm nghệ thuật thị giác mang tên “Phập phồng” (sáu nữ nghệ sĩ trẻ gồm Nguyễn Thị Hoài Thơ, Phạm Thu Thủy, Hường By Nguyễn, Phạm Hồng, Võ Ngọc Huế và Hà Thị Hồng Ngân (giám tuyển Trần Lương). Hà Thị Hồng Ngân có thêm tác phẩm sắp đặt “Chiến” trong triển lãm, gây tranh cãi về việc nghệ sĩ dùng con mèo (và chuột) nhốt lại để phục vụ cho mục đích nghệ thuật.

Đào Anh Khánh.
 

Đào Anh Khánh

“Hương vị đất trời”

19-12, tại nhà hàng Nhật Shinbashi và ngoài đường phố (Hà Nội).

Theo nghệ sĩ Đào Anh Khánh, tác phẩm nhằm mang đến thông điệp về môi trường sống tốt hơn cho con người, đặc biệt nhấn mạnh chủ đề thực phẩm sạch.

Mặc bộ đồ xanh, Đào Anh Khánh ngụ ý mình như một cái cây, vươn lên đón chào sự sống bất chấp mưa bão. Có lúc cao hứng, họa sĩ nhảy lên cây cột đá trước cửa nhà hàng Shinbashi; nhảy ra giữa đường Triệu Việt Vương khiến nhiều người đi đường thích thú dừng lại xem.

Tác phẩm này của Đào Anh Khánh có sự trợ giúp của nhiều thành viên nhóm múa Nhật Bản.

Phần hai trong “Hương vị đất trời”, Đào Anh Khánh mặc quần lụa, cởi trần khoe những hình vẽ lạ mắt (do họa sĩ Phương Vũ Mạnh thực hiện). Vị trí biểu diễn của Đào Anh Khánh là trên mặt bàn kính lớn, tượng trưng cho một chiếc mâm.

Theo Báo giấy