> Đại gia 'chân đất' mua dâm 2.500 USD
Phất lên từ vài năm nay do nghề cò đất, nhưng khổ nỗi Dũng lại không biết ăn chơi nên ít khi gia nhập nhóm đại gia mới nổi. Nhưng để làm thân với họ thì Dũng biết cách.
7 giờ sáng, Dũng dắt tôi ra gặp hội của đại gia tên là Sáu và giới thiệu là bạn, đang có nhu cầu tìm một miếng đất chừng 2 tỷ.
Anh Sáu dân quận 9 gốc, trước là nông dân, có mảnh vườn rộng đến mấy chục công (1 công rộng 1.000m2) ngay ở phường Phước Long, quận 9.
Dân cư phát triển, các dự án được mở ra, mảnh vườn của anh Sáu có tiền đền bù lên tới gần 50 tỷ.
Có nhiều tiền, anh Sáu đầu tư xây mấy chục phòng trọ cho thuê, làm mươi cái kiốt bán hàng cho vợ quản lý.
Còn anh thì hàng ngày vừa làm cò đất vừa ăn chơi, “cho bõ mấy chục năm trời cày ruộng”.
Hội của anh Sáu đều dạng đại gia mới nổi như thế. Giờ họ gặp nhau hàng ngày, tiêu xài thoải mái với những đồng tiền có được từ “lộc” bán đất.
Hội đại gia chân đất trên thường tụ tập vào sáng sớm để cùng đạp xe thể dục. Sau vài vòng cho giãn cơ, cả nhóm ghé quán cà phê, cà kê tìm mối vui chơi.
Anh Sáu năm nay đã hơn 60, tướng tá lực điền. Hờ hững nghe tôi trình bày ý định kiếm mảnh đất, anh bảo muốn cỡ nào cũng có nhưng để lúc khác, giờ ngồi đây chơi cho vui.
Nhớ mánh thằng bạn chỉ, tôi ngỏ ý muốn mời anh làm vài ly làm quen, anh cười rất tươi: “Bạn thằng Dũng mà cũng biết nhậu à? Thôi ngồi đây chút đi rồi tính”.
Tâm tình với tôi, anh Sáu bảo “tiền của anh không thiếu, chia cho con cái cũng còn mấy tỷ bỏ ngân hàng lãnh lãi dư xài. Anh làm thêm nghề cò đất cho vui, chủ yếu là tìm mối giải khuây chớ đã hơn 60 rồi, chết có đem được tiền đi đâu mà giữ làm chi.
Nhưng cũng phải biết cách tiêu xài chớ không thì bi nhiêu tiền cũng hết”. Anh kể về một người bạn cách đây mười mấy năm cũng được đền bù đầt chừng mười mấy tỷ.
Ngay sau khi “ôm” số tiền khủng đó, ông hỏi con cháu: “Tụi bây thích gì tao cho”. Cả đám cùng nhao nhao: “Xe Dream! Xe Dream” (thời đó xe Dream là giấc mơ của mọi người).
Ông già ra tiệm bán xe, hỏi thẳng chủ tiệm: “Xe Dream bi nhiêu một chục đó chú?”. Chủ tiệm ú ớ vì lần đầu tiên có người mua xe như mua… trái cây.
Nhưng rồi ông ta cũng trấn tĩnh được: “Thì cứ nhân lên đi. Mỗi chiếc 36 triệu, 10 chiếc là 360 triệu thôi”. Tưởng ông già quê hỏi cho vui, nào ngờ ông giở mấy cái giỏ lác đem theo ra. “ Rồi! Chú lấy cho tôi 10 chiếc”.
Anh Sáu bảo, như ông bạn đó là sai lầm vì sau đó con cháu đứa thì sứt đầu mẻ trán vì đua xe, đứa thì mải ăn chơi rồi xe cũng bán.
Điểm đến đầu tiên của cả nhóm là một quán ăn sân vườn mà một thành viên trong hội mới phát hiện. Mới hơn 9 giờ sáng quán chỉ vừa mở cửa. Cô phục vụ còn đang ngái ngủ, nhìn thấy mấy ông khách đạp xe đi vào thì ngơ ngác: “Chú ơi chú vô đây làm chi?”.
“Nhậu chớ đi đâu! Kêu chủ quán ra đây, lẹ lên”-một ông xẵng giọng. Chủ quán bước ra: “Trời! Anh Sáu, sao hôm nay ghé quán em vậy.
Tụi bây đâu! Dọn bàn lẹ lên”. Cả quán nháo nhào chạy tới chạy lui. Chỉ lát bàn nhậu đã được dọn ra ở góc vườn, bia lon đưa ra, khui liên tục dù trên bàn chưa có chút mồi nào.
“Mồi đây nè!”-anh Sáu kéo tay cô bé tiếp viên đang bày chén đũa, hôn cái chụt vào má. Có lẽ mới vô nghề nên cô bé giật mình, buông tay làm rớt bể cái chén.
Anh Sáu cười lớn: “Không sao! Anh đền nè” và móc ra tờ 500 ngàn, nhét vào ngực cô bé. Cô bé xấu hổ đứng sượng trân. Một cô bé khác có lẽ đã quen cảnh này nhào vô thế chỗ: “Anh Sáu nhớ em hông?”.
Lại một cái vỗ, một cái nhéo… và một tờ 500 ngàn khác được đưa ra. Không chịu thua, thành viên khác cũng vít cổ một cô bé hôn chụt chụt.
Cũng móc tiền dúi vào trong tiếng cười cô bé… Chưa ấm chỗ, thành viên tên Hai đã đứng lên: “Xin phép cả bàn cho em đi trước”, rồi kéo một cô bé ra cổng, vẫy taxi đi mất hút.
Anh Sáu thở dài: “Cái thằng Hai, đụng cái gì cũng ào ào. Thôi uống đi tụi bây, có mồi gì đưa lẹ lên chủ quán”. Phút chốc quán sân vườn trở thành quán bia ôm đúng nghĩa.
Các em bé biết anh Sáu là đại ca thi nhau chạm ly, thi nhau đố vui. Cốt làm cho anh hài lòng để có tiền.
Cuộc chơi kéo dài chừng 2 tiếng thì anh Sáu bảo: “Thôi chán rồi! Kiếm chỗ khác chơi đi”. Biết ý, tôi nhanh nhảu: “Anh Sáu để em góp phần đầu”. Anh Sáu nhìn tôi có vẻ hài lòng, gật đầu.
Bỏ lại xe, tất cả leo lên taxi nhằm hướng Bình Dương. “Trên đó mới có mấy quán ngon, chớ ở mấy khu Thủ Đức và quận 9 này quen mặt hết rồi. Chán lắm!”- một đại gia thì thào với tôi.
Điểm đến là khu câu cá nằm ẩn khuất trong một con hẻm nhỏ gần bờ sông. Những con đường rải sỏi trồng hoa hai bên dẫn tới những căn phòng sang trọng nằm nép bên bờ ao.
Ghế bố, cần câu, phòng nghỉ ngơi đều được bố trí sẵn. Anh Sáu hất hàm: “Bảo thằng Tám ra đây. Nhớ nói bưng giùm bình rượu ngâm tay gấu anh đặt hôm nọ nghe”. Phục vụ dạ ran. Bàn bày ra, rượu đưa lên.
Rồi đến các em, toàn loại chân dài tới nách trong các bộ đồ ngắn không thể nào ngắn hơn bước ra phục vụ. Đúng là đẳng cấp ăn chơi của miệt vườn. Ngồi câu cá có em út phục vụ, ai thích thì ghé phòng thư giãn. Cá câu chẳng bao nhiêu mà toàn câu các em.
Trong cái không khí nóng nực của đầu hè, khung cảnh mát rượi của miệt ven đô càng thêm kích thích các đại gia. Họ thi nhau thể hiện đẳng cấp với các em thông qua tờ giấy bạc xanh.
Một lát, đại gia lại gọi thêm đại gia, lại gọi thêm chân dài tới góp vui. Bàn nhậu từ lúc chỉ có vài người thoắt đã lên tới hơn hai chục. Toàn đại gia mới nổi với túi tiền đầy ăm ắp. Câu cá, nhậu, chọc ghẹo và lôi nhau vào “thư giãn”… Rồi lại ra nhậu tiếp. Cứ thế cuộc chơi kéo dài đến gần tối.
Lên xe trở về, những con người sung sức hồi sáng giờ đã bèo nhèo, bệ rạc vì rượu bia, vì các em đã moi hết cả sức lực. Còn tiền bạc thì khó có thể kể ra bởi chẳng biết mỗi đại gia đã chi bao nhiêu cho ngày vui này nữa.
Anh Sáu rờ túi, lè nhè nói với tôi: “Sáng nay cầm đi 1 cọc, giờ vẫn còn mấy tờ. Anh em mình ghé đâu làm tiếp nghe, chớ về sớm làm chi?”. Tôi chưa trả lời đã nghe tiếng anh ngáy.
Thôi thì về. Một lần đi với đại gia cũng đủ làm tôi ớn lạnh. Vài chục triệu cho một ngày ăn chơi, mỗi tháng vài ba lần như vậy, mà đại gia vẫn cho là bình thường!