Tôi đi theo đoàn thăm Áo, Italia và Vatican của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và cách đây ít lâu là đoàn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Cuba và hai nước Nam Mỹ Argentina, Uruguay và thấy nét độc đáo của các chuyến thăm của lãnh đạo nước ta là thường có cuộc gặp mặt với đại diện kiều bào ta ở nước ngoài và nhiều khi cả bạn bè quốc tế, những người yêu Việt Nam, giúp đỡ Việt Nam thông qua việc làm ăn hoặc các hoạt động theo tuyến ngoại giao nhân dân. Những cuộc gặp mặt như vậy thường diễn ra khá trang trọng, ấm áp và vui.
Cuộc gặp mặt tại Áo diễn ra chiều tối ngày 23/7, tức là ngay trong chiều Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thủ đô Vienna sau một chặng bay liên tục hơn 10 tiếng đồng hồ. Sau khi gặp một số người bạn Áo, Chủ tịch nước đã gặp khoảng 100 bà con Việt kiều đại diện cho hàng triệu người Việt. Nói hàng triệu là vì đến cuộc gặp mặt không chỉ có đại diện Việt kiều ở Áo mà cả ở nhiều nước châu Âu như Séc, Slovakia, Ba Lan… tụ về.
Tôi nhìn thấy ở đây lãnh đạo cộng đồng người Việt ở Séc mà tôi từng gặp trong chuyến công tác tại đó năm 2017. Rồi tay bắt mặt mừng cùng cái ôm siết chặt với Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan, người mà tôi quen và vẫn duy trì quan hệ từ sau lần đến Ba Lan tham gia tổ chức cuộc Liên hoan “Tôi yêu tiếng nước tôi” dành cho các giọng hát nghiệp dư người Việt toàn thế giới năm 2019. Và tôi cũng gặp ở đây vợ chồng chị Thủy - anh Thành, những người tôi đã gặp một lần năm 2018 (chị Thủy từng là Chủ tịch Hội phụ nữ ở Vienna 2 khoá liền). Cảm động thay là cái tình của người xa xứ, tôi không nhớ được mặt chị Thuỷ - anh Thành, còn anh chị thì nhận ra tôi giữa khá đông người trong đoàn tuỳ tùng của Chủ tịch nước và ngày hôm sau, nhân nhóm tổng biên tập các báo được đi theo trong đoàn tháp tùng Chủ tịch nước trống chương trình hoạt động, đã dùng xe của mình chở chúng tôi đi trọn một ngày thăm thú, trải nghiệm khắp thành phố.
Những đại diện kiều bào đến cuộc gặp mặt Chủ tịch nước thật vui và náo nức. Hầu hết họ ăn mặc rất trang trọng và đẹp, đa phần nam thì mặc vét và cà vạt, nữ áo dài, nhiều người mang trang phục in rực một màu cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc. Nhiều nhà đi cả nhà, có cả các cháu nhỏ (nhớ lần Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt Việt kiều ở Argentina, tôi còn gặp một gia đình tam đại đồng đường, dâu rể cháu chắt 5-6 người đi hàng mấy trăm cây số cùng đến cuộc gặp).
Đặc điểm chung của các cuộc gặp như thế thường là nếu có không gian phù hợp thì sẽ có các ca sĩ hát các bài về quê hương đất nước và có các tiết mục nhạc cụ truyền thống trong chương trình. Nếu có kê bàn thì thể nào trên đó cũng bày một số thứ quà đậm hương vị quê nhà như bánh cốm, bánh đậu xanh…, hoặc hoa quả mà hậu cần của đoàn đại biểu cất công mang theo. Và mỗi người dự khi về đều được nhận một túi nhỏ đựng những món quà bánh, trà lá giản dị nhưng đậm tình quê hương.
Ở các cuộc gặp gỡ đều có một số đại diện kiều bào phát biểu. Tôi bao giờ cũng lắng nghe và ghi chép kỹ những lời nói của những người có trách nhiệm trong cộng đồng người Việt ở xa Tổ quốc và cảm nhận tấm tình cùng nỗi đau đáu hướng về Tổ quốc của những con dân nước Việt vì nhiều lý do khác nhau mà giờ sinh sống ở nơi đất khách. Họ có thể đã là những người thành công ở nước sở tại, kinh tế vững vàng, có địa vị pháp lý ổn, nhiều người đã đầu tư hoặc giới thiệu đầu tư về cho đất nước nhưng vẫn tâm huyết kiến nghị Đảng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa để củng cố địa vị pháp lý và tạo thêm điều kiện làm ăn cho cộng đồng bà con kiều bào ở nước ngoài và đầu tư về quê hương để xây dựng đất nước. Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Séc, Chủ tịch Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại châu Âu đã phát biểu như vậy trong cuộc gặp tại Vienna - Áo, và ông Trần Minh Khôi - Chủ tịch Hiệp hội tương trợ Italia - Việt Nam cũng nói như thế tại cuộc gặp ở Roma - Italia.
Các đại diện Việt kiều cũng báo cáo với Chủ tịch nước những nỗ lực đoàn kết, liên kết để hỗ trợ nhau trong cộng đồng người Việt ở mỗi nước cũng như quy mô toàn châu Âu. Ở Italia, ông Phạm Văn Hồng - Chủ tịch Phòng Thương mại Italia - Việt Nam (một tổ chức của Italia mà tôi nhớ không nhầm thì thuộc ngành Thương mại Italia) kể rằng các hội nhóm người Việt tại Italia đã hiệp thương thành lập được Liên minh Chủ tịch các hội người Việt Nam tại nước này. Nguồn cơn thì do có khá nhiều hội nhóm trong cộng đồng mấy nghìn kiều bào của ta ở Italia, trước đây nếu có sáng kiến hoạt động chung gì của cộng đồng cũng phải mất rất nhiều thời gian để trực tiếp xin ý kiến thống nhất trong ban chấp hành các hội nhóm này. Nay Liên minh ra đời, chỉ cần trao đổi trong Liên minh là xong.
Tại cuộc gặp ở Áo, ông Hoàng Đình Thắng cho biết cộng đồng người Việt toàn châu Âu khoảng gần 1 triệu người đã thành lập được Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại châu Âu liên kết các tổ chức của người Việt tại 23 nước trong châu lục. Liên hiệp đóng trụ sở tại Prague - thủ đô CH Séc. Tới nay, Liên hiệp đã hai lần tổ chức đại hội, thường xuyên tổ chức hoặc tài trợ, giúp đỡ nhiều hoạt động của cộng đồng. Liên hiệp có quan hệ với Nghị viện châu Âu, đã tổ chức gặp gỡ với một số nghị sĩ của Nghị viện châu Âu một số lần để vận động ủng hộ cộng đồng người Việt và vận động họ ủng hộ mối quan hệ với Việt Nam.
Một số đại biểu Việt kiều mong muốn kể chi tiết cho Chủ tịch nước và các lãnh đạo nước nhà nghe công việc của cộng đồng người Việt, những thành tựu của họ nơi đất khách và những hoạt động hướng về quê hương, nên đôi khi ý kiến phát biểu khá dài và phải xin thêm thời gian để nói. Ông Trần Minh Khôi - Chủ tịch Hội tương trợ Italia - Việt Nam là một trường hợp như thế. Đại sứ Việt Nam Dương Quốc Hưng nhắc “anh Khôi cố gắng nói ngắn lại” đôi lần, ông cười bẽn lẽn rồi lại tiếp tục xin thêm thời gian. Mọi người đều cười và chắc là không ai nỡ giận ông. Từ ý kiến của ông, tôi lọc được những thông tin thú vị, như trong 15 năm qua có khá nhiều phụ nữ Việt Nam lấy chồng người Italia và ở nước này hiện có đến 1.500 con nuôi người Việt Nam; các gia đình người Việt ở ở Italia thường là gia đình hỗn hợp, vợ Việt - chồng Italia hoặc ngược lại, đặc biệt ở thế hệ F2 thì tỷ lệ gia đình hỗn hợp là gần như 100%. Các gia đình hầu hết vững về kinh tế…
"Đảng và Nhà nước coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam".
"Những thành tựu của Việt Nam cho đến nay có sự đóng góp của các bạn quốc tế của Việt Nam và cũng là thành tựu của họ".
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng
Qua các phát biểu mới thấy rõ kiều bào ta ở nước ngoài không chỉ lo hoà nhập và làm ăn mà họ đau đáu việc giữ gìn văn hoá Việt và bảo tồn tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng. Chị Vũ Thị Hải, đại diện Hội Phụ nữ Việt Nam tại thành phố Vienna và cộng đồng Việt Nam sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Áo, cho biết cộng đồng người Việt rất quan tâm đến việc dạy tiếng Việt cho con cái nhưng gặp khó khăn về giáo viên, giáo án. Chị bày tỏ mong muốn được hỗ trợ để tổ chức dạy tiếng Việt trực tuyến và đề nghị các cấp lãnh đạo giúp kết nối với các trung tâm dạy tiếng Việt, hỗ trợ sách, đặc biệt là sách song ngữ để đặt giá sách Việt tại các thư viện ở Vienna và Áo…
Tại cuộc gặp trong Đại sứ quán ta ở thủ đô Roma, ngoài kiều bào còn có mặt một số bạn bè người Italia. Điều đó cho thấy ở nước ngoài, chúng ta may mắn có những người bạn ngoại quốc có thể coi như người trong nhà vì những người Italia đó được nghe toàn bộ các ý kiến phát biểu của Việt kiều và nội dung phát biểu của Chủ tịch nước với họ.
Ông Fulvio Albano - Phu quân của bà Sandra Scagliotty lãnh sự danh dự Việt Nam tại Torino, Italia đến cuộc gặp mặt thay vợ vì bà bị ốm. Bà Sandra Scagliotty và chồng là người thân thiết, yêu quý Việt Nam, làm được nhiều việc cho Việt Nam đến mức nhiều người coi bà là “người Ý gốc Việt” và chồng bà, ông Fulvio Albano gọi người Việt Nam là “những đồng hương của vợ tôi”.
Ông Fulvio Albano cho biết vừa qua đã hỗ trợ việc thành lập hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở các thành phố Torino và Napoli cũng như hỗ trợ Sứ quán ta trong việc tổ chức Hội thảo “Tìm hiểu quãng đời hoạt động của Hồ Chủ tịch ở Italia”.
Tôi đặc biệt thích phát biểu của ông Mauro D’Angelis - Chủ tịch Hiệp hội Intra, người cho biết hiệp hội này đã sưu tầm, tập hợp được khoảng 5.000 cuốn sách tiếng Việt, tiếng Italia và một số ngôn ngữ khác về Việt Nam, trong đó có khoảng 300 cuốn về Bác Hồ. Hiệp hội quyết định sẽ số hoá toàn bộ số sách này và sẽ thành lập một thư viện về Việt Nam và Bác Hồ tại thành phố Todi, tỉnh Perugia ở miền Trung Italia.
Sau cuộc gặp, nhóm bạn người Italia đã tập trung tại sân Sứ quán để đề nghị Chủ tịch nước cho chụp chung một bức ảnh kỷ niệm và tôi để ý thấy sau đó, một người bạn Italia đã chập hai tay mình lại giơ lên ngang cằm trước mặt Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng để tỏ lòng yêu quý Việt Nam và sự mến mộ đối với cá nhân Chủ tịch.
Phát biểu tại các cuộc gặp, Chủ tịch nước đã thông báo tình hình đất nước, hiện trạng và triển vọng mối quan hệ hợp tác với các nước mà kiều bào đang sinh sống và đặc biệt đánh giá rất cao những thành tựu của kiều bào trong việc hoà nhập với cuộc sống ở nước sở tại, làm ăn kinh doanh hiệu quả, giúp đỡ nhau thiết thực và cố gắng có những hành động thiết thực hướng về Tổ quốc. Ông ca ngợi những nỗ lực và thành công của bà con kiều bào khi nói: “Làm ăn ở trong nước đã khó, ở bên ngoài còn khó hơn. Tôi rất chia sẻ với bà con về điều đó, đồng thời rất vui mừng vì thấy bà con có cuộc sống ổn định, hòa nhập tốt, đặc biệt là ở châu Âu nơi cộng đồng người Việt được tổ chức bài bản với nhiều nhóm hội, tổ chức...”.
Chủ tịch nước cũng khẳng định lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất coi trọng và quan tâm đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài, dẫn ra những văn bản rất quan trọng là Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và “Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”. Chủ tịch nói tinh thần chung quan trọng nhất là Đảng và Nhà nước coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam; Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện để bà con hoà nhập, làm ăn, phát triển tại nơi sinh sống. Ông cũng mong bà con kiều bào “đã nỗ lực thì nỗ lực hơn nữa, hòa nhập tốt hơn, làm ăn kinh tế tốt, củng cố địa vị pháp lý của cộng đồng người Việt tại các nước; đẩy mạnh các hoạt động cộng đồng; hướng về quê hương, nếu có điều kiện thì trực tiếp làm ăn hoặc giới thiệu đối tác làm ăn với Việt Nam; giữ gìn văn hóa dân tộc và tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam, nhất là từ thế hệ thứ ba trở đi”.
Vói các bạn bè người nước ngoài, Chủ tịch nước đã trân trọng cảm ơn họ về tấm lòng và những giúp đỡ thiết thực của họ cho Việt Nam, khẳng định những thành tựu của Việt Nam cho đến nay có sự đóng góp cuả họ và cũng là thành tựu của họ.
Trong các cuộc gặp, tôi luôn cảm thấy niềm vui lan toả trong kiều bào qua cái nhìn, ánh mắt, tiếng cười, qua việc họ nô nức chụp ảnh với lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và tin rằng những dịp gặp gỡ như thế sẽ là những kỷ niệm đẹp trong họ, rồi qua họ tác động tới cộng đồng kiều bào, điều mà chắc chắn sẽ biến thành những năng lượng tích cực, những hành động thiết thực nơi đất khách.