Ám ảnh cuộc sống của những người chịu thảm họa khí độc

TPO - Ngày 3/12/1984, một nhà máy thuốc trừ sâu thuộc công ty đa quốc gia Union Carbide Corporation bị rò rỉ khí độc, cướp đi sinh mệnh của hàng ngàn người tại thành phố Bhopal, bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ. Đây được coi là một trong những thảm họa tồi tệ nhất ngành công nghiệp thế giới. 

30 năm, những ảnh hưởng của thảm họa vẫn đeo bám cuộc sống của những người dân thành phố này. 

Đến nay, thậm chí, chất độc vẫn tồn tại dưới lòng đất, ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống của người dân. Nhiều trẻ em ở đây bị ảnh hưởng bởi hóa chất độc hại sinh ra có nhiều đột biến như tổn thương não, rối loạn cơ xương…

Còn những người trực tiếp tiếp xúc khí gas hiện phải chịu đựng những căn bệnh chết người như ung thư, bệnh về hô hấp...

Aseem Ansari, 15 tuổi, sinh ra với khuôn mặt dị dạng, bị suy nhược cơ thể mãn tính, luôn mệt mỏi và thường xuyên chảy máu mũi. Ansari phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. 

Sharaz Raeen, 21 tuổi, bị tổn thương não nghiêm trọng, luôn phải có người trông nom. Raeen không thể nói chuyện hay tự chăm sóc bản thân. 

Anh Gas Mohammad sinh ra chỉ vài giờ sau vụ thảm họa và gia đình đặt tên cho anh là Gas Mohammad. Chịu ảnh hưởng từ thảm họa, anh không thể giao tiếp nhiều, suy nhược cơ thể và khó thở. 

Anh Gas Mian cũng chào đời chỉ vài giờ sau thảm họa. “Trông tôi có giống người đàn ông 30 tuổi không? Nhưng tôi nhiều tuổi hơn đấy. Thảm họa đó đã tàn phá cuộc sống của tôi”, anh nói. Con trai của anh Mian, Faran sinh ra với một chân bị tật. Gia đình anh hiện vẫn chịu ảnh hưởng từ thảm họa. 

Cha mẹ của Chetna Koli, 21 tuổi, là nạn nhân trong thảm họa Bhopal. Koli bị ảnh hưởng ở mắt và khó thở. Em trai 15 tuổi của cô sinh ra với một khối u trên lưng và phải phẫu thuật 3 ngày sau sinh. Koli muốn làm việc trong một bệnh viện hoặc phòng khám để có thể chữa giúp cha cô, hay những nạn nhân khác trong thảm họa-những người có thu nhập thấp. 

Asif Shaikh, 29 tuổi, chào đời 4 tháng sau thảm họa. Anh bị suy nhược cơ thể mãn tính, không thể lao động chân tay nhiều và khó thở. 

Mẹ của Shaima Shaikh (15 tuổi) chịu ảnh hưởng nặng của vụ rò rỉ khí từ khi còn trẻ. Khi chào đời, Shaikh bị dị tật ở chân, luôn mệt mỏi, nhức đầu thường xuyên và hoa mắt. 

Cha mẹ của Faizan Shaikh (15 tuổi) đều bị ảnh hưởng bởi thảm họa Bhopal nên khi sinh ra, Shaikh bị dị tật ở mắt phải. Trông Shaikh có vẻ khỏe mạnh nhưng thực chất, cậu không thể làm các công việc nặng nhọc. 

Theo Theo BBC