Ai cương ai nhu

TP - Mỹ có động thái mới chống Trung Quốc (TQ) ức hiếp láng giềng ở Biển Đông. Các doanh nghiệp TQ lớn nhất có hành vi sai trái tại Biển Đông sẽ bị trừng phạt và chín công ty bị cấm đầu tư vào Mỹ. Nghịch lý ở chỗ hành động cuối nhiệm kỳ của chính quyền Trump dường như phản ánh thế yếu của Mỹ hơn là ngược lại.
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị phía Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng trái phép. (Nguồn: Reuters)

Hôm 14/1, Reuters từ Washington đưa tin Tập đoàn Dầu lửa Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đối mặt với các hạn chế mới từ Mỹ. Họ bị cáo buộc áp bức các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Chín công ty TQ khác cũng vào sách đen trong đó có nhà sản xuất máy bay Comac và nhà sản xuất điện thoại Xiaomi.

Các trừng phạt quả tình chủ yếu giơ cao đánh khẽ. Nặng ký nhất là CNOOC chỉ bị kiểm soát nhập thiết bị Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross gọi tập đoàn này là “côn đồ” khi đe dọa hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các nước đòi chủ quyền ở Biển Đông. Nói thì thế nhưng sản phẩm chiến lược của NCOOC không bị chế tài gì như dầu thô, dầu tinh, khí thiên nhiên hóa lỏng.

Bốn năm cứng rắn của chính quyền Trump khó mà xoay chuyển 40 năm yếu thế của Mỹ trước TQ. Năm 2009, TQ công bố đường chín đoạn chiếm 90% diện tích Biển Đông. Táo tợn ấy chỉ nhận được phản ứng trung tính của ngoại trưởng Hillary Clinton tháng 7/2010 với một khẳng định chung chung về “lợi ích quan trọng” của Mỹ ở khu vực này.

Nhún nhường chiến lược của Mỹ thể hiện nhỡn tiền trên thực địa. Rảnh tay dựng các đảo, đá ở Biển Đông đã giúp TQ “mở rộng khoảng cách biên giới an ninh chiến lược thêm 1.000 km”. Cùng với đó, hiện diện kinh tế của họ ở Đông Nam Á không ngừng mở rộng; còn với Mỹ thì ngược lại. Năm 2019, ASEAN qua mặt Mỹ để thành đối tác thương mại lớn thứ hai với TQ.

Mỹ hầu như không tận dụng được phán quyết tháng 7/2016 của tòa trọng tài quốc tế để kìm hãm chiều hướng xấu đi ở Biển Đông. Tình huống trên “cho thấy TQ chứ không phải Mỹ có ý chí quyết tâm hơn”, Tạp chí Nghiên cứu An ninh và Biển Châu Á-TBD của TQ viết. “Nếu các xu hướng này tiếp tục, Mỹ quả thực phải rời Nam Hải”.

Tổng thống Trump quyết liệt là thế mà trừng phạt cũng chỉ mang tính biểu tượng, trong khi tổng thống đắc cử Joe Biden không bình luận gì. Tạp chí đã dẫn tự tin “Mỹ không còn hy vọng có thể đảo ngược tình hình”. Đúng là không thể nếu Mỹ tiếp tục tấn công TQ chủ yếu về ngoại giao và diễu võ về quân sự mà gần như quên hẳn hiện diện sâu sắc về kinh tế và thương mại ở khu vực địa chiến lược Đông Nam Á.