Một bộ phim khoa học viễn tưởng lấy bối cảnh như vậy không có gì quá mới mẻ, nhưng After Yang đã trộn lẫn các chi tiết tương lai với đời sống truyền thống/ hiện tại như đặt khán giả vào một thế giới trong mơ nơi thời gian dường như là một điều mơ hồ. Giống như tiêu đề phim, After Yang kể về câu chuyện về gia đình ba người với người bố là Jake (Colin Farrell), mẹ là Kyra (Jodie Turner-Smith) và cô bé con gái Mika (Malea Emma Tjandrawidjaja) đối mặt với “cái chết” của người máy tên Yang đã gắn bó thân thiết với họ. Bộ phim đặt ra các câu hỏi về bản dạng sắc tộc, hiện sinh, hay như thế nào mới được xem là con người, v.v. và để cho khán giả tự chiêm nghiệm tìm ra câu trả lời cho bản thân dựa theo góc nhìn cá nhân của mình. Trong đó, ý nghĩa về cái chết và sự kết thúc là chủ đề cốt lõi của bộ phim.
Cái chết dường như là một đề tài cấm kị ít ai nhắc đến vì đối với họ, cái chết luôn mang ý nghĩa tiêu cực và khi ta đề cập đến nó thì ta đang nói điềm gở. Không ai mong muốn cái chết vì nó là sự kết thúc của cuộc sống và kèm theo đó là tất cả những thứ ta đang có như các mối quan hệ, tiền bạc và vẻ đẹp của thế giới này. Dù ít hay nhiều, hầu như phần lớn chúng ta đều cảm thấy sợ hãi khi nghĩ về cái chết và cảm giác trống rỗng đi kèm với nó. Trong quyển The Denial of Death, (Khước từ cái chết) Earnest Becker đã viết rằng: “Ý niệm về cái chết, nỗi sợ hãi về nó ám ảnh loài vật tên là con người khác hẳn so với những thứ khác.” Cái chết là một trải nghiệm công bằng, không phân biệt địa vị xã hội, chủng tộc, giống loài. Bất kể ai, con vật nào, hay đồ vật máy móc gì cũng sẽ đi đến hồi kết; tuy nhiên chỉ có con người mới có nhận thức và xúc cảm mạnh mẽ đối với ý niệm về cái chết. Chính vì sự công bằng không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác hay địa vị xã hội đó khiến cái chết tăng thêm phần đáng sợ vì ta hiểu rõ rằng không ai có thể mua chuộc hoặc gian lận tử thần. Nhưng liệu cái chết có thật sự đáng sợ đến như vậy?
Như một suy nghĩ mặc định, khi nói về cái chết, ta sẽ nghĩ tới cuộc sống của mình đã trải qua. Cái chết không chỉ đơn thuần là sự kết thúc của cuộc sống, nó chính là một nửa không thể thiếu của cuộc sống này. Carl Jung từng nói: “Về mặt tâm lý, cái chết cũng quan trọng và giống như việc sinh sản, nó là một phần không thể thiếu của cuộc sống.” Cái chết chính là cội nguồn của sự sống, như khi nhìn vào thiên nhiên ta có thể thấy xác chết của động vật tạo ra một nguồn dinh dưỡng lớn giúp cây cối phát triển và chúng lại trở thành một nguồn thức ăn dành cho các loài động vật và côn trùng ăn cây cỏ khác. Đó là một vòng tuần hoàn linh thiêng và vững chắc mà không một thế lực nào có thể phá vỡ. Bộ phim After Yang đã sử dụng hình ảnh con bướm để nói về vòng tuần hoàn này qua câu trích dẫn của Lão Tử (nhưng thực ra câu nói gốc là của Richard Bach): “Cái kết của con sâu bướm lại được cả thế giới gọi là con bướm”, nghĩa rằng con sâu bướm “chết” đi để chuyển hoá thành con bướm đẹp đẽ gấp nhiều lần. Sự kết thúc của một thứ chính là sự khởi đầu của một thứ khác.
Cái chết đôi khi còn là sự cứu rỗi đối với những người mắc các bệnh nan y hay chứng bệnh tâm lý khiến họ phải đối mặt với nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần từng giây từng phút mỗi ngày. Đối với họ, cái chết là một đặc ân cuối cùng trong đời, một lối giải thoát khỏi sự đau đớn tột cùng mà họ đang phải chịu đựng. Với nhu cầu xác đáng như vậy, hiện nay trên toàn thế giới đã có bảy quốc gia thông qua điều luật cho phép những bệnh nhân đang ở trong tình trạng nguy kịch về mặt sức khoẻ chọn phương án trợ tử. Đây là một xu hướng có phần tích cực hơn là tiêu cực bởi vì ta không thể cố duy trì sự sống cho một người đang phải vật lộn với chính cơ thể họ từng ngày, đó là một hành động có thể nói là ích kỉ.
Nỗi ám ảnh cái chết mặc dù đáng sợ với đa số nhưng lại là nguồn cảm hứng vô tận đối cái các triết gia từ xưa đến nay, đặc biệt là với những người theo trường phái chủ nghĩa hiện sinh hay khắc kỷ. Trường phái khắc kỷ không tin vào nỗi sợ cái chết vì đó là quy trình tự nhiên và họ luôn sử dụng câu thành ngữ “Memento Mori” (Hãy nhớ rằng người sẽ chết) như một lời nhắc nhở rằng cuộc sống của họ hữu hạn để từ đó biết trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống này. Cái chết là động lực khiến con người sống hết mình để rồi khi chết đi họ không còn nuối tiếc điều gì nữa cả. Do đó ta không nên sợ hãi cái chết, thứ đáng sợ hơn là việc chưa từng thực sự sống. Triết gia Marcus Aurelius đã nói: “Hãy tưởng tượng rằng ngươi đã chết. Ngươi đã sống xong cuộc đời của mình. Rồi giờ hãy dùng những tháng ngày còn lại để sống hết mình”. Khi ta nhận thức được từng giây phút trôi qua thì cái chết lại tới gần hơn một chút, lúc đó ta mới nhận ra rằng không nên coi nhẹ bất cứ khoảnh khắc nào trong cuộc sống, dù có bình thường đến đâu, từ đó tập trung vào những thứ quan trọng và những mối quan hệ đã góp phần khiến cuộc sống này đáng sống.
“Chúng ta không lo ngại về cái chết, bởi vì miễn sao ta còn tồn tại thì cái chết vẫn chưa xảy ra. Và một khi nó đã tới rồi, thì ta không còn tồn tại nữa.” - Epicurus.
Cái tên Yang của anh chàng người máy trong phim After Yang dường như có hàm ý nói đến nửa dương trong vòng tròn âm-dương (ying-yang) có nguồn gốc từ Đạo giáo. Trong Đạo giáo, cuộc sống và cái chết, hay tử và bất tử, đều là một. Tử là bất tử và bất tử là tử, cũng giống như cuộc sống là cái chết và cái chết cũng chính là sự sống. Mặc dù sinh mạng của Yang đã đến hồi kết, nhưng anh vẫn đem lại nhiều điều tích cực cho gia đình con người của mình. Cái chết của Yang đã khiến Jake nhận ra những điều tốt đẹp trong cuộc sống mà anh đã lãng quên, giúp anh hàn gắn lại mối quan hệ với vợ và con gái của mình. After Yang với thời lượng hơn 1 tiếng rưỡi đem lại cảm giác như một buổi thiền cho tâm hồn để chiêm nghiệm về vẻ đẹp của sự kết thúc.
“Mọi vật đều đến từ sự hư vô.” – Yang.