90% vi phạm ở nút giao là người điều khiển xe máy: Vì sao chưa thể xử phạt nguội?

TPO - Ngày 18/12, CSGT Hà Nội cho biết, có đến 90% các vụ vi phạm ở nút giao là người điều khiển xe máy. Tuy nhiên, việc xử phạt nguội xe máy vẫn chưa thể thực hiện.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 18/12, lãnh đạo các Đội CSGT địa bàn tại các quận nội thành Hà Nội cho biết, trung bình mỗi tháng lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông trên đường đã kiểm tra, xử phạt hàng nghìn trường hợp xe máy vi phạm. Lỗi phổ biến nhất của xe máy là: vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, rẽ trái - phải tại nơi có biển cấm. Mức phạt với lỗi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều cao nhất là 1 triệu, tước giấy phép lái xe 2 tháng; lỗi rẽ trái, rẽ phải, đi sai phần đường phạt 500 nghìn đồng…

Trung tá Đặng Hồng Giang, Đội trưởng Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Hà Nội - PC08) cho biết, việc xử phạt được CSGT thực hiện thường xuyên, tuy nhiên mức độ vi phạm của người điều khiển xe máy được ông Giang đánh giá là vẫn phổ biến.

“Vào khung giờ cao điểm, CSGT có nhiệm vụ chính là điều tiết, phân luồng giao thông nên việc dừng xử phạt xe máy chỉ có thể tiến hành song song hoặc ngoài các khung giờ cao điểm”, ông Giang nói.

Xe máy vượt đèn đỏ và rẽ trái sai với sự điều tiết giao thông của lực lượng chức năng tại nút giao Giải Phóng - Kim Đồng.

Dẫn thực tế việc này, ông Giang cho biết, trung bình mỗi tháng Đội kiểm tra, xử phạt khoảng 2.000 trường hợp xe máy vi phạm giao thông. “Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Đội CSGT số 3 đã xử phạt 20.100 trường hợp phương tiện tham gia giao thông vi phạm trên đường, trong số này xe máy chiếm đến 90%”, ông Giang cho biết.

Đề cập đến hình thức xử lý các trường hợp xe máy vi phạm, ông Giang cho biết, chủ yếu là kiểm tra, xử phạt trực tiếp.

Phóng viên đề cập đến việc vì sao không giám sát và xử phạt nguội? Lãnh đạo Đội CSGT số 3 cho biết, vừa qua Đội triển khai cả hình thức xử phạt nguội, tuy nhiên việc này chỉ thực hiện thủ công - tức là nhận hình ảnh người dân cung cấp qua các kênh zalo, báo chí và ứng dụng “iHanoi”… Nhưng việc này cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác xác minh, xác định chủ xe; mất nhiều thời gian vì xe máy không chính chủ khá nhiều.

Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội CSGT số 7 (PC08) cho biết, thời gian qua Đội đã kiểm tra, xử phạt hơn 400 trường hợp xe máy vi phạm tại các nút giao thông, trong đó nhiều nhất là nút giao Thanh Xuân (Nguyễn Trãi - Vành đai 3). Theo ông Thắng, các trường hợp xử phạt này cũng chỉ là kiểm tra, xử phạt trực tiếp, Đội chưa thể triển khai xử phạt nguội xe máy vi phạm.

Nêu khó khăn của việc này, ông Thắng cho biết, nguyên nhân chính là do số lượng xe không chính chủ còn nhiều dẫn đến khó khăn trong việc xác minh chủ sở hữu.

Tăng mức xử phạt xe máy và sẽ thực hiện kiểm định

Đưa ra giải pháp có thể xử phạt nguội và ngăn chặn xe máy vi phạm, Trung tá Đặng Hồng Giang, Đội trưởng Đội CSGT số 3 cho biết, cần đồng bộ hệ thống quản lý dân cư với dữ liệu quản lý xe máy, từ đó hệ thống camera giám sát giao thông trên địa bàn thành phố sẽ có dữ liệu để trích xuất thông tin xe và chủ xe có phương tiện vi phạm; cùng với đó là tăng mức xử phạt với xe máy, có giải pháp quy hoạch giao thông, dân cư phù hợp để giảm mật độ xe trong khu vực nội đô…

Xe máy ngược chiều, cắt mặt nhiều dòng xe tại nút giao Thanh Xuân.

Với giải pháp trước mắt, Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội CSGT số 7 (PC08) cho biết, hiện vi phạm giao thông đối với xe máy chủ yếu là người trẻ - thanh niên và các tài xế xe ôm công nghệ. Do vậy, trong thời gian chờ cơ quan chức năng tháo gỡ các khó khăn nêu trên, hiện Đội CSGT số 7 đang rà soát, thống kê các vụ vi phạm của xe máy, với các trường hợp vi phạm là xe ôm công nghệ, đội sẽ kiến nghị lãnh đạo Phòng gửi danh sách xe vi phạm đến cơ quan cung cấp ứng dụng để cơ quan chủ quản có thêm các hình thức xử phạt “nguội” bổ sung, như ngừng/cắt kết nối “app” với lái xe vi phạm giao thông.

Chiều 18/11, Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó trưởng Phòng CSGT Hà Nội cho biết, Phòng đang có kế hoạch lập lại trật tự tại các nút giao thông, trong đó trong tháng 12 đã triển khai hơn 20 nút giao “An toàn về giao thông”. Tại đây, cùng với công tác điều tiết giao thông, các đội địa bàn được yêu cầu bố trí đủ lực lượng để kiểm tra, xử lý triệt để phương tiện trong đó có xe máy đi ngược chiều, vượt đèn đỏ.

Về giải pháp đồng bộ, lâu dài, Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, Bộ Công an đang xây dựng dự thảo tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông trên đường, trong đó khi dự thảo có hiệu lực thì với lỗi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, xe máy sẽ bị xử phạt từ 5 đến 6 triệu đồng (tăng gấp 5 lần mức phạt hiện nay). Với việc quản lý, giám sát để có thể xử phạt nguội xe máy, hiện Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo thực hiện kiểm định đối với xe máy, khi xe máy được kiểm định theo định kỳ như ô tô thì dù xe chính chủ hay không chính chủ khi xe vi phạm giao thông được ghi nhận qua hình ảnh, chủ xe không đến thực hiện nộp phạt thì sẽ bị từ chối kiểm định.