Làm không hiệu quả để làm gì?
Mới đây, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã gạt một số đề tài nghiên cứu với kinh phí được Bộ Tài chính duyệt khoảng 90 tỷ đồng. Theo đó, đây là những đề tài không sát với nhu cầu thực tế sản xuất.
Những đề tài này nếu thực hiện, kéo dài thêm 4 năm nữa, sẽ mất 360 tỷ đồng; như vậy sẽ mất khoảng 450 tỷ đồng. Ông Phát cho rằng, việc dừng những đề tài trên cũng gặp sự phản ứng của nhiều nhà khoa học. “Nhưng làm mà không có trọng tâm, không có hiệu quả thì để làm gì. Tôi cũng đề nghị 100 đề tài khuyến nông còn manh mún cần cải tiến để tạo ra sự chuyển biến thực sự cho nông dân”- ông Phát nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết: Những đề tài trên đã được phê duyệt năm 2013, nhưng sau đó kiểm tra, thấy có một số nhiệm vụ chưa sát với mục tiêu tái cơ cấu ngành nên điều chỉnh. Nguồn kinh phí trên, Bộ đã đề nghị với Bộ Tài chính chuyển sang thực hiện năm 2014; tiếp tục đặt hàng một số đề tài có tính khả thi, đồng thời phục vụ cho quá trình tái cơ cấu ngành.
TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Chính sách Nông nghiệp và PTNT (Bộ NN&PTNT) cho hay, thời gian qua các đề tài nghiên cứu khoa học nông nghiệp rất kinh viện, hàn lâm. Hầu hết không phù hợp với yêu cầu của bà con, doanh nghiệp, cũng như từ đề nghị của đơn vị xây dựng chính sách. “Cũng có nhiều đề tài xuất phát từ địa phương, nhưng lật đi, lật lại, qua các hội đồng, nó đi đâu mất”- ông Sơn nói. Cũng theo ông Sơn, nếu thành lập hội đồng, để các nhà khoa học phê duyệt, các đề tài đưa lên “gần như không ứng dụng được”.
Việc nhiều đề tài nghiên cứu còn xa rời thực tế, bà Thủy cho rằng: “Đánh giá về ứng dụng cần có lộ trình. Không hẳn đề tài sau khi nghiên cứu được ứng dụng 100% ngay lập tức, mà có thể tạo bước đệm cho những đề tài nghiên cứu tiếp theo”.
Theo bà, lúc nghiên cứu, đề tài thường đi theo các ý tưởng của nhà khoa học. Vì tin tưởng rằng, đi theo lộ trình nào thì cuối cùng nó cũng ra một sản phẩm nào đấy cho thực tiễn. “Khoa học thực tế cũng có lúc gặp thất bại, vì nó là ý tưởng. Đương nhiên, từ ý tưởng đó để sàng lọc, cuối cùng sản phẩm ra được để phục vụ thực tiễn, là một quá trình”- Bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, nguồn kinh phí cho khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngoài các đề tài nghiên cứu được sử dụng nguồn ngân sách trên, các đơn vị của Bộ cũng đấu thầu, tham gia các đề tài, chương trình từ nguồn khác.Thành tựu “lẹt đẹt”
TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, do bó buộc về cơ chế, nên thành tựu thực sự khoa học trong nông nghiệp “lẹt đẹt”. Theo ông, thời gian gần đây xảy ra “chảy máu chất xám” ở các đơn vị nghiên cứu công lập, do thu nhập thấp. “Ai cũng hiểu lương bổng của các nhà khoa học rất thấp. Ai cũng nói thế, nhưng có sửa được đâu. Mấy anh em đi học tiến sĩ về, cũng tiến từng bậc nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính... lương lên theo bậc, theo năm”- ông Bảnh nói.
“Hiện, chúng ta quan tâm đến vé, hóa đơn, tàu xe… chứ chưa quan tâm sản phẩm ra sao, tiến bộ khoa học được ứng dụng hay không. Cần thưởng, phạt trong thực hiện đề tài mới làm được”.
TS Đặng Kim Sơn
Theo TS Đặng Kim Sơn, Nghị định 115 của Chính phủ ban hành từ năm 2005 về trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị khoa học công lập, nhưng hiện vẫn bị lùi thời gian thực hiện. Do vậy, đến nay, nội dung quan trọng (trao quyền tự chủ về tổ chức cán bộ, ký kết hợp đồng với cán bộ khoa học, giao tài sản, giao vốn cho các đơn vị, khoán đề tài, giao nhiệm vụ kèm lương thưởng...) vẫn chưa thực hiện được.
Cũng vì thế, ngay ở Viện Chăn nuôi Quốc gia, TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng cho biết: Viện có tới gần 1.300 người, trong đó hơn 670 cán bộ khoa học. “Nếu cho tôi quyền lựa chọn, quyết định chắc chắn không cần đến con số đông như thế. Tuy nhiên, cơ chế chưa cho phép, nên không thể cắt gọn được”-ông Sơn nói.
TS Đặng Kim Sơn cũng cho rằng, cần thực hiện quyền tự chủ cho các đơn vị nghiên cứu, cắt “bầu sữa” ngân sách. Trong đó, cần gắn viện nghiên cứu với trường đại học, buộc khoa học phải gắn với thực tế, theo các đơn đặt hàng của nông dân, doanh nghiệp. Ông Sơn cũng đề nghị cần tách phần lương ra khỏi tiền nghiên cứu. Hiện, tiền nghiên cứu như một khoản xóa đói giảm nghèo, chưa khuyến khích được các nhà khoa học.
Ông Sơn cho hay, để chia nhỏ miếng bánh ngân sách, các trường, viện nghiên cứu phải tạo ra cơ chế cạnh tranh; giám sát, loại bỏ những đơn vị, cán bộ kém hiệu quả.