80.000 tỷ giải phóng mặt bằng đường cất hạ cánh mới sân bay Nội Bài

Cục Hàng không Việt Nam ước tính kinh phí giải phóng mặt bằng làm đường cất hạ cánh số 3 sân bay Nội Bài là 80.000 tỷ đồng...
80.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng làm đường cất hạ cánh số 3 sân bay Nội Bài.

Tại buổi làm việc giữa UBND thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải chiều 6/4, Hà Nội đề xuất về việc sớm hoàn chỉnh quy hoạch và tổ chức cắm mốc giới quy hoạch, mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài. Hà Nội cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng theo quy hoạch.

Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 20/5/2008, với định hướng sau 2020 sẽ triển khai đầu tư các nhà ga và đường cất hạ cánh số 3 về phía Nam, kinh phí giải phóng mặt bằng, Cục Hàng không Việt Nam ước tính khoảng 80.000 tỷ đồng.

Trong trường hợp thành phố Hà Nội có thể bố trí đủ vốn cho công tác giải phóng mặt bằng theo quy hoạch đã được duyệt nêu trên, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Theo phương án này không phải điều chỉnh quy hoạch được duyệt, chỉ rà soát điều chỉnh cục bộ vị trí các công trình trong phạm vi quy hoạch được duyệt.

Còn trong trrường hợp không đủ vốn cho giải phóng mặt bằng để phát triển theo quy hoạch đã được duyệt, trước nhu cầu vận tải hàng không tăng nhanh Cục Hàng không Việt Nam đang đề xuất phương án rà soát, điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở quỹ đất hiện có và một phần đất quân sự phía Bắc.

"Đây là phương án khá phức tạp nên Cục Hàng không Việt Nam đề xuất cần thuê tư vấn quốc tế để thực hiện. Do nguồn vốn ngân sách dành cho công tác lập quy hoạch cũng khó khăn nên Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam đang cân nhắc về nguồn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép lựa chọn tư vấn nước ngoài để lập quy hoạch.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài là cảng hàng không trung tâm của cả nước, cửa ngõ của Thủ đô đón khách quốc tế và cả nước đi - về, do vậy cần được đầu tư tương xứng với vị thế của nó.

Do đó, Bộ trưởng đề nghị Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo Cục Hàng không và Tổng Công ty Cảng Hàng không khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, xem còn phù hợp thực tế hay không, tránh để đến lúc quá tải như Tân Sơn Nhất mới điều chỉnh.

"Muốn làm quy hoạch thì ngoài trách nhiệm của các cơ quan trong Bộ, phải phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để có nghiên cứu khoa học, cụ thể, cần có tầm nhìn chiến lược lâu dài, phải phù hợp với sự phát triển trong 50 thậm chí là 70 năm hoặc lâu hơn nữa chứ không phải vừa quy hoạch xong đã lỗi thời không đáp ứng nổi sự tăng trưởng vận tải. Nếu các cơ quan trong nước không đáp ứng được nghiên cứu quy hoạch tốt thì mời tư vấn nước ngoài…", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.

Theo Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được nâng cấp thành sân bay quốc tế lớn phía Bắc. Đến năm 2020, Nội Bài đạt cấp độ sân bay 4E với lưu lượng hành khách đạt 20-25 triệu hành khách/năm.

Đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có thể tiếp nhận 35 triệu hành khách/năm và sau năm 2030 là 50 triệu hành khách/năm.Trước đó, hồi giữa năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo đầu tư dự án nhà ga T3, T4 sân bay quốc tế Nội Bài. Xem xét mở các đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn khách du lịch quốc tế trọng điểm.

Hiện, sân bay quốc tế Nội Bài có nhà ga T1 và T2. Mục tiêu mở rộng nhà ga T3 và T4 là phát triển hạ tầng sân bay để phục vụ khoảng 50 - 75 triệu hành khánh.

Sân bay Nội Bài hiện có tổng công suất 25 triệu hành khách mỗi năm. Năm 2015, nhà ga T2 được đưa vào hoạt động, toàn bộ ga T1 chỉ khai thác khách quốc nội với công suất tối đa 8 triệu khách/năm. Tuy nhiên, T1 nhanh chóng đối mặt với vấn đề quá tải khi đón hàng chục triệu lượt khách mỗi năm.

Theo Theo Vneconomy