Thưa ông, năm ATGT Hà Nội có đặt ra mục tiêu giảm 20% số người chết vì TNGT, đã 8 tháng trôi qua nhưng con số này vẫn chưa đạt được, ông cho biết đâu là nguyên nhân?
Nhìn chung tai nạn và ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội trong 8 tháng qua đã chuyển biến rõ rệt. So cùng kỳ năm ngoái số vụ TNGT Hà Nội đều giảm trên cả ba tiêu chí: số vụ giảm 10,4%; số người chết giảm 19,2%; số người bị thương giảm 15%. 8 tháng qua Hà Nội không để xảy ra vụ TNGT thảm khốc nào.
Về số lượng các vụ TNGT và người chết xảy ra trên địa bàn Hà Nội vừa qua, đa số xảy ra trên các tuyến đường ở khu vực ngoại thành.
Theo thống kê 70% các vụ TNGT vừa qua xảy ra tại đây, đặc biệt là một số tuyến đường như Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng đi qua địa bàn huyện Từ Liêm, QL 1A địa qua địa bàn các quận huyện Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, QL 3 địa qua địa bàn Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh… Lý do chính là lượng phương tiện đông, hạ tầng còn hạn chế nên TNGT tại các địa phương này vẫn ở mức cao.
Vậy để giảm số vụ TNGT và người chết tại khu vực ngoại thành, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã có biện pháp gì?
Theo Phòng CSGT Hà Nội, 8 tháng qua toàn thành phố để xảy ra 439 vụ TNGT làm 356 người chết, 210 người bị thương. Các quận huyện có số lượng người chết vì TNGT nhiều nhất là Thường Tín: 32, Từ Liêm: 28, Thanh Trì: 19, Hoàng Mai: 18 người, Long Biên: 15, Hà Đông: 14
Cùng với kế hoạch của TP triển khai trong Năm ATGT, từ nay đến cuối năm Phòng CSGT tiếp tục phối hợp với thanh tra giao thông, công an các quận huyện thực hiện quyết liệt các giải pháp như tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông, tuần tra xử lý mạnh các trường hợp vi phạm.
Cùng với đó là phối hợp với Sở Giao thông Vận tải nâng cao chất lượng hạ tầng để việc lưu thông thuận tiện hơn.
Các biện pháp trên đang từng bước có hiệu quả khi dịp lễ Quốc khánh 2-9 và khai giảng năm học mới vừa qua tại các khu vực ngoại ô, đặc biệt là tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến (vành đai 3) đã không xảy vụ ùn tắc, TNGT nghiêm trọng như thường lệ.
Để giảm số người chết và đạt được mục tiêu thành phố Hà Nội đề ra, Phòng CSGT có những hoạt động gì trong tháng 9 và các tháng còn lại của Năm ATGT?
Thông thường tháng 9 là Tháng ATGT, nhưng năm nay Chính phủ lấy năm 2012 là Năm ATGT nên nhiệm vụ giảm ùn tắc, TNGT đều được thực hiện liên tục, cả năm. Tuy nhiên với Hà Nội, tháng 9 hàng năm được coi là tháng rất quan trọng.
Để tập trung đảm bảo ATGT trong tháng 9 và tạo đà cho các tháng cuối năm, Chủ tịch Ủy ban ATGT - Chủ tịch UBND TP Hà Nội, vừa có chỉ đạo không chỉ CSGT mà tất cả các sở ngành, quận huyện từ nay đến cuối năm phải thực hiện 6 nhiệm vụ, trong đó có một số việc trọng tâm là tăng cường công tác tuyên truyền đến đại bộ phận nhân dân; đẩy mạnh xử lý các lỗi là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc, TNGT; xác định các điểm đen về TNGT để có các biện pháp xử lý, hạn chế thấp nhất nguy cơ gây TNGT; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; đẩy nhanh và sớm hoàn thành các dự án hạ tầng theo tiến độ.
Với CSGT, cùng với thực hiện các nhiệm vụ trên, trong tháng 9 và các tháng cuối năm, chúng tôi tiếp tục tăng cường phối hợp với TTGT, công an các quận huyện để xác định các điểm, nút thường xuyên xảy ra ùn tắc, khoanh vùng tăng cường lực lượng và giao trách nhiệm cụ thể.
Xác định các lỗi là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc, TNGT, để có biện pháp xử lý, ví như một số điểm đen như nút Đại Xuyên (cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ), Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến (Vành đai 3)… đang được CSGT và Sở GTVT xử lý, tổ chức lại giao thông và đã cho hiệu quả khả quan; với các tuyến QL cửa ngõ khác tập trung xử lý về các sai phạm như đi sai phần đường, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện. Phối hợp các sở ngành, trường học cắm các biển cấm dừng đỗ khu vực trước cổng ra vào của 75 trường học có các tuyến đường lớn chạy qua.
Cảm ơn ông.
Trọng Đảng
Thực hiện