Ở bé trai, độ tuổi dậy thì thông thường rơi vào khoảng 12-17 tuổi, và trung bình mỗi bé trai phải mất 4 năm để quá trình dậy thì trở nên ổn định. Bé trai được gọi là dậy thì sớm nếu có dấu hiệu trưởng thành trước tuổi thứ 10.
Những bé trai dậy thì sớm tuy có dáng dấp của người lớn trước tuổi nhưng cũng lại ngừng phát triển rất sớm và có xu hướng thấp bé hơn so với người bình thường.
Nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm rất phức tạp. Có thể là do di truyền, bất thường hoặc bị tổn thương não (ở vùng dưới đồi, tuyến yên), tuyến sinh dục (buồng trứng, tinh hoàn), hoặc do ăn uống, dùng thuốc (có chất nội tiết).
Ngoài ra, dậy thì sớm còn do ảnh hưởng của môi trường sống và xã hội. Chẳng hạn tuổi dậy thì ngày nay sớm hơn ngày trước, trẻ ở thành thị dậy thì sớm hơn ở nông thôn.
Bé trai dậy thì sớm tăng nguy cơ trầm cảm. Nhóm nghiên cứu thuộc Trường đại học Illinois (Mỹ) đã tiến hành khảo sát trên 160 bé trai và gái. Họ nhận thấy tình trạng dậy thì sớm ở trẻ có liên quan đến các yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm như mức độ lo lắng cao, cảm giác mặc cảm hoặc các vấn đề xã hội khác như xung đột với gia đình và bạn bè, kết bạn với những người cũng hay gặp rắc rối. Nghiên cứu còn cho thấy bé trai dậy thì sớm cũng tăng nguy cơ trầm cảm mà trước đây thường được cho rằng chỉ liên quan đến bé gái.
Ngày càng nhiều bé trai dậy thì sớm hơn trước. Không chỉ các bé gái, các bé trai ngày nay cũng đang phát triển dậy thì sớm hơn những thế hệ trước, theo một nghiên cứu mới được công bố của các nhà khoa học thuộc Trung tâm y tế Cedars Sinai ở Los Angeles (Mỹ). Các nhà nghiên cứu giải thích giải thích nguyên nhân khiến các bé trai ngày nay phát triển dậy thì sớm hơn là do ảnh hưởng của gene, môi trường, chế độ dinh dưỡng và điều kiện giáo dục.
Trong thời điểm này, các ông bố bà mẹ nên giúp trẻ trang bị những kiến thức về giới tính một cách đúng đắn để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Cha mẹ nên dạy con nhận biết, gọi tên và hiểu chức năng của các bộ phận trên cơ thể ngay từ khi trẻ nhận biết tốt.