600 sĩ tử 'luyện công' trong 'lò' ôn siêu tốc

TPO - Gần 600 người chen nhau trong phòng học rộng gần 100 m2 ở Hà Nội, luyện thi cấp tốc. Phía trên, thầy "trổ tài bắt đề" năm nay, thỉnh thoảng nói đùa vài câu, giúp học sinh đỡ… ngáp. Ở dưới, nhiều người vừa nghe giảng, vừa bấm điện thoại, ngủ gật, vuốt tóc, soi gương…

> Đình chỉ hai lò “luyện thi là đỗ” 

Lớp ôn luyện hàng trăm sĩ tử. Ảnh: Đỗ Hợp.

Thầy "bắt đề" trong "lò" ôn siêu tốc

Khác với không khí nhiều lò luyện thi ở Thủ đô năm nay vắng vẻ, Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa TL (Hà Nội) thu hút rất đông học sinh. Lớp học đỉnh cao lên tới 600 người, còn "làng nhàng" cũng 300 - 400 sĩ tử.

Trong căn phòng rộng khoảng 100 m2 của trung tâm TL, gần 600 học sinh ngồi chen nhau "luyện". Những bộ bàn ghế hai người ngồi, giờ nhồi lên thành ba, bốn. Thí sinh đến muộn năm phút là không còn chỗ.

Muộn 30 phút so với giờ thông báo, thầy giáo dạy Ngữ văn bước vào lớp. Mọi năm, đề thi hay hỏi về tác gia Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Xuân Diệu và Nam Cao. Năm nay, bằng linh cảm của mình, tôi "bắt" đề hỏi hai tác gia là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tố Hữu… – Thầy giáo "bắt" đề thi ngay trong phần đầu bài giảng.

Tiếp đó, nhấn vào những mảng mà nghi đề thi sẽ hỏi, thầy giáo này đọc đi đọc lại ba lần cho học sinh chép nguyên đoạn đặt vấn đề của mình. Ông cũng không quên bật mí cho học sinh những bí kíp: phần tự chọn, khi nào làm tác phẩm thơ, khi nào là văn xuôi…

Theo lời nhận xét của một giáo viên dạy môn Ngữ văn tại trường chuyên có tiếng ở Hà Nội, học sinh của cô thường theo học môn này của thầy M ở trung tâm TL.

Giáo viên này cho hay, những năm trước, một số học sinh cô biết thi vào Đại học Ngoại thương, Đại học Hà Nội, học thầy M, đạt điểm khá cao.

Cô tò mò, từng đến lò học thử thì thấy, thầy dạy không xuất sắc, nhưng do tiếng tăm truyền miệng học sinh, nên lớp học đông.

“Đến học thầy để biết chọn cái dễ mà viết. Khi nào thì chọn viết Hai đứa trẻ, lúc nào chọn Nguyễn Tuân” - thầy trên bục giảng nói, trò ở dưới cặm cụi chép, ghi.

Lớp siêu tốc cứ thế diễn ra, với hai phần chính: Một, thầy "tiên đoán" đề thi. Hai, thầy chăm chỉ đọc, trò cắm cúi chép.

Nguyễn Văn T (học sinh trường THPT Trần Phú - Hà Nội) cho biết: “Vì cấp tốc nên thầy dạy rất nhanh. Mỗi buổi học, mình chép cả chục trang giấy. Một tháng chạy cấp tốc là học hết kiến thức hai năm học”.

Trò… ngủ

Trong giờ học môn Ngữ văn, chưa đầy một tiếng ngồi nghe thầy giảng bài, phía dưới, nhiều học trò đã… gục ngủ. Một số khác mang tai nghe cắm vào điện thoại nghe nhạc(?!), trong khi, nhiều nữ sinh lấy gương ra soi, vuốt tóc.

Không ít sĩ tử dường như quên đến đây để học, hí hoáy đánh tiện tử bằng điện thoại, người nhắn tin, kẻ gọi điện... Nhiều bạn uống nước, ăn bánh vô tư trong lớp…

Học sinh... ngủ. Ảnh: Đỗ Hợp.

Dù trong "lò" có quạt, nhưng với lượng kiến thức thầy "tua" cấp tốc, không ít học sinh mệt bơ phờ, toát mồ hôi. “Biết là học cấp tốc thế này không hiệu quả nhưng vẫn đi ôn. Nếu thầy cứ đọc, học sinh chép, ra khỏi lớp là quên ngay thôi”- Nguyễn Thị Hương (quê Thường Tín- Hà Nội), ngồi bên cạnh, quay sang nói chuyện riêng với tôi.

Còn Đỗ Linh (quê Hà Nam), luyện thi ba môn ở đây, cho hay: “Nghe anh chị ở quê và bạn bè bảo sau tốt nghiệp nên ôn thi cấp tốc hiệu quả nhưng em thấy thầy chỉ đọc - chép. Mỗi bài chép dài hơn chục trang, sau buổi học chẳng đọng lại gì trong đầu”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, luyện thi ở lớp cấp tốc này, mỗi học sinh phải đóng 60.000 đồng cho hai ca học (khoảng bốn tiếng). Trong thời gian đó, học sinh luyện một môn, với cách thức chủ yếu là thầy đọc, trò chép.

“Vì là giai đoạn nước rút nên nhiều bạn cố đến lò luyện thi cho yên tâm là chính” - Trần Văn Đức (Hà Nội), năm nay, thi vào Đại học Hà Nội, ôn luyện tại trung tâm TL cho biết.

Giá cả "nhảy tưng tưng", sĩ tử... mặt méo

Ngoài trời nắng như đổ lửa, trong căn phòng trọ 10m2 ở Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), Nguyễn Huy (quê Thanh Ba - Phú Thọ) cho biết, hơi choáng khi lên Hà Nội ôn thi. Hơn hai triệu bố mẹ đưa Huy khi bắt xe lai kinh ôn luyện đã hết.

“Tiền ôn luyện cấp tốc gần hai triệu đồng (tăng 20% so với trước - PV), tiền ăn một tháng khoảng một triệu; tiền điện, tiền nước đến cuối tháng phải trả. Nhà trọ bé, nóng, thế mà giá 1,7 triệu đồng. Em đi bộ đi học, bữa ăn toàn rau để lấy tiền bù vào tiền nước, tiền điện…”- Huy cho biết.

Cậu học trò này chia sẻ, số tiền bố mẹ đầu tư một tháng cho ôn luyện ở Hà Nội đến lúc thi vào Đại học Mỏ Địa chất, cũng gần 10 triệu đồng, mà chẳng biết có nên cơm cháo gì không.

Theo Viết