60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển: Nhớ lần gặp bác sĩ Ðặng Thùy Trâm…

TP - Anh hùng Nguyễn Văn Ðức là một trong những người tham gia đường Hồ Chí Minh trên biển từ thời kỳ đầu thành lập, có không ít kỷ niệm trong những chuyến vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam. Và một trong số kỷ niệm đó là lần ông cùng đồng đội bị thương, được Bệnh xá nơi bác sĩ Ðặng Thùy Trâm làm việc cứu chữa để sau đó trở về miền Bắc an toàn.
Anh hùng Nguyễn Văn Ðức kể về những lần vận chuyển vũ khí cho lớp trẻ hôm nay. Ảnh: SGGP

VƯỢT BIỂN RA BẮC ÐỀ NGHỊ CẤP VŨ KHÍ

Anh hùng Nguyễn Văn Đức sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại huyện Thạnh Phú (Bến Tre). Năm 13 tuổi, ông làm giao liên tại địa phương, 17 tuổi là Bí thư Đoàn xã Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú). Khi phong trào Đồng Khởi diễn ra tại tỉnh Bến Tre, ông tích cực tham gia cách mạng. “Sau phong trào Đồng Khởi, tôi gia nhập Đội du kích huyện Thạnh Phú. Bấy giờ vũ khí đánh giặc thiếu lắm, không riêng gì Bến Tre, cả miền Nam đều cần vũ khí”- Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Đức cho biết.

CCB Nguyễn Văn Đức kể, thời đó, trước việc thiếu vũ khí, một số địa phương tại miền Nam được lệnh ra Bắc để báo cáo tình hình. Đầu tháng 6/1961, khi tròn 20 tuổi, Nguyễn Văn Đức được chọn vào đội thuyền của tỉnh Bến Tre vượt biển ra miền Bắc thực hiện nhiệm vụ trên. Hôm tiễn đội thuyền ra biển, bà Nguyễn Thị Định, bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre căn dặn, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, các đồng chí cố gắng hoàn thành.

Nhận nhiệm vụ, Nguyễn Văn Đức cùng đồng đội giả làm ngư dân vượt biển trên chiếc thuyền gỗ đơn sơ. Sau nhiều ngày lênh đênh, thuyền vượt qua vĩ tuyến 17, dừng lại ở Hà Tĩnh rồi tiếp tục ra Bắc. Tại đây, đoàn của Nguyễn Văn Đức được gặp Ủy ban Thống nhất Trung ương để báo cáo tình hình và đề xuất được cấp vũ khí đánh Mỹ.

Lúc đó, Nguyễn Văn Đức rất mừng khi biết có một con đường vận chuyển vũ khí trên Biển Đông sắp được hình thành. Sau đó, khi đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức được thành lập (23/10/1961), Nguyễn Văn Đức là một trong những người đầu tiên tham gia lực lượng tàu không số hoạt động trên tuyến đường này. Ông đã tham gia nhiều chuyến đi, vận chuyển thành công hàng trăm tấn vũ khí cho chiến trường.

Khi được hỏi: “Trong những chuyến đi của mình, ông nhớ kỷ niệm nào nhất?”- CCB Nguyễn Văn Đức trả lời: “Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm, nên thật khó xác định nhớ kỷ niệm nào nhất. Nhưng có một kỷ niệm mà mỗi khi hồi tưởng lại, tôi rất xúc động. Đó là lần vận chuyển vũ khí đầu năm 1968, khi đồng đội của tôi hy sinh, còn những người bị thương, trong đó có tôi được bác sĩ Đặng Thùy Trâm cùng những người làm việc tại Bệnh xá huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) chữa trị để sau đó ra Bắc tiếp tục nhận nhiệm vụ”.

GẶP BÁC SĨ ÐẶNG THÙY TRÂM

CCB Nguyễn Văn Đức kể, sau chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968 được ít lâu, Lữ đoàn 125 nhận lệnh tổ chức một đợt vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam. Lữ đoàn 125 quyết định chọn 4 tàu đi đợt này, gồm tàu 235 (do Nguyễn Phan Vinh là thuyền trưởng, đã đề cập ở những kỳ trước-K.N) vào Hòn Hèo (Khánh Hòa), tàu 165 vào Vàm Lũng (Cà Mau), tàu 56 vào Lô Giao (Bình Định) và tàu 43 (ông Nguyễn Văn Đức là thuyền phó) vào Đức Phổ (Quảng Ngãi) để giao vũ khí.

Tối 27/2/1968, các tàu trên đều xuất phát, đi theo các tuyến đã định. Với tàu 43, sau khi xuất phát được vài giờ thì máy phát gặp trục trặc, may sửa chữa kịp thời. Đến đêm thứ tư của cuộc hành trình, tàu 43 tới đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) thì gặp nhiều tàu chiến của địch. Chúng chia thành nhiều lớp bao vây tàu 43. Đứng trong buồng lái, thuyền phó hàng hải Nguyễn Văn Đức thấy ngoài việc bao vây, trực thăng địch còn bay lượn trên đầu tung pháo sáng dày đặc sáng rực mặt biển. Địch nổ súng bắn vào tàu ta, ta cũng bắn trả làm một tàu của chúng bốc cháy.

Năm 2015, CCB Nguyễn Văn Ðức được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông hiện là Trưởng ban Liên lạc CCB Ðoàn tàu không số tại TP Hồ Chí Minh.

Bị tàu địch siết chặt vòng vây, tàu 43 vẫn luồn lách tìm cách thoát hiểm. Nhưng tàu địch quá đông, chúng xả đạn dữ dội khiến lái tàu Vũ Văn Ruệ hy sinh. “Đỡ Ruệ trên tay, tôi không cầm được nước mắt vì cậu ấy mới cưới vợ được 3 ngày trước khi làm nhiệm vụ”- CCB Nguyễn Văn Đức cho biết. Rồi ông kể, khi đó, Lưu Công Hào lên lái thay cũng bị thương.

Thấy vậy, thuyền trưởng tàu 43 Nguyễn Đắc Thắng hạ lệnh cho đạp khối hỏa mù để che mắt địch, nhờ vậy tàu thoát ra được vòng ngoài để vào gần bờ. Nhưng tàu địch lập tức duy trì thế bao vây. Trước tình huống này, thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng quyết định cho hủy tàu. Anh ra lệnh đồng đội nhảy khỏi tàu để bơi vào bờ, còn mình cùng máy trưởng tàu 43 ở lại đặt kíp nổ. Sau đó, một tiếng nổ long trời lở đất, tàu 43 chìm xuống biển. “Trong số 16 thành viên tàu 43 thoát được lên bờ, thêm hai đồng đội nữa của tôi hy sinh”- CCB Nguyễn Văn Đức nghẹn ngào cho biết.

Thuyền phó Nguyễn Văn Ðức (hàng sau, thứ 3 từ trái sang) cùng các đồng đội tàu 43 trước khi rời Bệnh xá huyện Ðức Phổ. Ảnh: T.L

14 thành viên tàu 43 thoát được lên bờ khoảng 4h30 sáng. Họ được người dân thôn Quy Thiện, xã Phổ Khánh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) đùm bọc, che chở, thoát khỏi sự lùng sục của kẻ địch. Và trong số 14 thành viên tàu 43 khi đó, có tới 12 người bị thương. Người dân nơi đây đã đưa các anh đến Bệnh xá huyện Đức Phổ, nơi bác sĩ Đặng Thùy Trâm đang là người phụ trách để chữa trị. Nhìn vết thương của các thành viên tàu 43, bác sĩ Trâm không cầm được nước mắt.

“Khi đó, chị Trâm nói, các anh đã về đến đây cứ yên tâm điều trị để nhanh chóng lành vết thương và hồi phục sức khỏe”- CCB Nguyễn Văn Đức kể. Rồi ông cho biết, ngày đó, chiến trường Khu 5 cũng như cả chiến trường miền Nam sau tết Mậu Thân vô cùng khó khăn. Vậy mà trong quãng thời gian điều trị tại đây, trong khi bác sĩ Đặng Thùy Trâm và những người làm việc tại Bệnh xá cùng người dân địa phương phải ăn độn khoai lang, thì các thành viên tàu 43 được ăn cơm với rau má chấm cá chượp. “Nghĩa tình ấy chúng tôi không bao giờ quên”- CCB Nguyễn Văn Đức nghẹn ngào cho biết.

Sau hơn một tháng chữa trị, các thành viên tàu 43 khỏe mạnh và chia tay lên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Về chuyện này, trong nhật ký của mình, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã viết: “Vậy là chiều nay các anh lên đường để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ… Những chiếc ba lô vụng về may bằng những tấm bao Mỹ đã gọn gàng trên vai, mọi người còn nấn ná đứng lại bắt tay chào mình một lần cuối…”. “Những dòng nhật ký này mãi về sau chúng tôi mới được đọc. Cũng như sau đó một thời gian khá lâu, chúng tôi mới biết, hai năm sau khi chúng tôi rời Bệnh xá huyện Đức Phổ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã hy sinh”- CCB Nguyễn Văn Đức nghẹn ngào.