6 tác phẩm bắt buộc môn Ngữ văn: Thiếu tình yêu, cuộc sống bình dị

Theo TS Trịnh Thu Tuyết, với 6 tác phẩm bắt buộc, học sinh tìm đâu ra đời thường bình dị, nhọc nhằn, đa diện của cuộc sống và hình ảnh con người với cả vẻ đẹp và nỗi đau?
Nhiều ý kiến băn khoăn về dự thảo chương trình môn Ngữ văn. Ảnh minh họa: Lê Hiếu.

Ngày 12/1, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, thông tin dự thảo chương trình môn Ngữ văn mới sẽ đưa ra 6 tác phẩm bắt buộc.

Đó là bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc Tuyên ngôn độc lập. Các tác phẩm văn học khác được đưa vào phụ lục.

Trên cơ sở này, các nhóm tác giả viết sách giáo khoa có thể chủ động lựa chọn những tác phẩm khác nhau để đưa vào sách giáo khoa. Nhìn chung, các bộ sách phải hướng đến việc thông qua ngữ liệu để phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Ngay sau khi thông tin này được công bố, nhiều ý kiến bình luận trao đổi trên các diễn đàn về văn học.

Tranh luận 'Chí Phèo' không là tác phẩm bắt buộc

Chủ đề: 'Tại sao Chí Phèo không là tác phẩm bắt buộc của chương trình mới?' thu hút hàng trăm bình luận trên một diễn đàn văn học.

Người có tài khoản Nguyễn Ngọc Ánh nêu quan điểm chương trình này còn thiếu những tác phẩm kinh điển của văn học Việt. Khi bị bỏ đi, học sinh không có cơ hội hiểu sâu sắc những tác phẩm này.

Bạn Trương Ngọc Minh Thư viết cô lười học Ngữ văn, nhưng riêng với tác phẩm Chí Phèo, nữ sinh lắng nghe giáo viên giảng, đọc đi đọc lại mọi khía cạnh của bài.

'Không phải vì tác phẩm Chí Phèo hay mà vì thật từng câu chữ, lối hành văn, khiến con người day dứt và tiếc thương cho một nhân vật, lên án thẳng thắn xã hội phong kiến… Văn học là cách vẽ nên cuộc đời một cách chân thực nhất. Một tác phẩm 'rất đời' bị bỏ đi, buồn thật sự vì Chí Phèo không còn là tác phẩm bắt buộc', nữ sinh viết.

Trước đó, trong cuộc tranh luận về đề xuất loại bỏ tác phẩm Chí Phèo khỏi chương trình sách giáo khoa phổ thông của nghiên cứu sinh Nguyễn Hiền, TS Văn học Trịnh Thu Tuyết - nguyên giáo viên trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, cho rằng truyện ngắn này xứng đáng tồn tại bên cạnh bất kỳ tác phẩm nào trong các giai đoạn trước và sau nó.

Ngoài Chí Phèo, nhiều học sinh khác cũng bày tỏ sự tiếc nuối với hàng loạt tác phẩm khi không còn xuất hiện bắt buộc trong chương trình như: Hai đứa trẻ (Thạch Lam), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng)…

Thầy Nguyễn Thành Nam - giáo viên Ngữ văn tại Hà Nội - bày tỏ sự băn khoăn: Đa phần tác phẩm bắt buộc đều thuộc văn học trung đại, thiếu giai đoạn văn học trước năm 1975, phong trào thơ mới. Trong khi đó, chính những tác phẩm này mới thực sự gần gũi với các em.

'Nếu nhìn vào toàn bộ tác phẩm là thơ chữ Hán và văn học trung đại sẽ tạo mệt mỏi cho học sinh. Trong khi đó, tình yêu nước chính là yêu những con người, những điều gần gũi. Vậy cớ sao phải học bắt buộc những tác phẩm giữ nước, đấu tranh giành độc lập mà quên mất những trang văn đời thường, tình yêu, cuộc sống?', thầy Nam đặt câu hỏi.

Chưa cân đối

Theo TS Trịnh Thu Tuyết, chương trình Ngữ văn mới xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể, mà chú trọng những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp...

Các nhóm tác giả viết sách giáo khoa có thể chủ động lựa chọn tác phẩm khác nhau. Nhìn chung, các bộ sách đều phải hướng đến việc thông qua ngữ liệu để phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Đó là hướng đi mới, khắc phục được tình trạng học vẹt, học theo văn mẫu, chú trọng phát triển kỹ năng đọc, viết, nói và nghe, đọc hiểu, tạo lập, thực hành, vận dụng văn bản.

Một điểm khiến dư luận quan tâm là trên cơ sở định hướng ấy, chương trình môn Ngữ văn mới sẽ đưa ra 6 tác phẩm bắt buộc. Đó là bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập.

TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng nói hẹp thì 'văn là người', nói rộng hơn chương trình ngữ văn một quốc gia thường phản ánh khá chính xác gương mặt tinh thần, chiều sâu và đẳng cấp văn hoá của quốc gia đó.

Quan sát 6 tác phẩm bắt buộc trong dự thảo chương trình Ngữ văn mới, có thể thấy nội dung tư tưởng, cảm hứng chủ đạo, đặc trưng thể loại chưa thật cân đối.

Trong số 6 tác phẩm bắt buộc, ngoại trừ Truyện Kiều, 5 tác phẩm còn lại đều phản ánh tinh thần quật cường, bất khuất, ý chí độc lập tự chủ của dân tộc Việt trong và sau những cuộc chiến tranh vệ quốc.

Theo nữ giáo viên, đọc chương trình, thấy tự hào về truyền thống nghìn năm bất khuất, mà vẫn không khỏi băn khoăn: Cả 5 tác phẩm đều mang cảm hứng sử thi, hướng về vận mệnh cộng đồng, ca ngợi những phẩm chất cộng đồng, phản ánh những nỗi đau và vẻ đẹp cộng đồng...

Vậy, học sinh tìm đâu cái đời thường bình dị, nhọc nhằn, đa đoan, đa diện của cuộc sống nhân sinh thế sự? Tìm đâu con người cá nhân với cả vẻ đẹp, góc tối khuất và những nỗi đau?

Không chỉ nội dung cảm hứng, thể loại cũng là vấn đề cần suy nghĩ khi 6 tác phẩm tập trung hai thể: Thơ và văn chính luận. Yếu tố thời đại cũng đặt ra khi ngoại trừ Tuyên ngôn độc lập năm 1945, tất cả đều thuộc văn học trung đại.

'Đành rằng còn rất nhiều tác phẩm đưa vào chương trình tự chọn, tuy nhiên có nên chăng phác họa gương mặt tinh thần của dân tộc đầy đặn hơn ngay trong những nét khái lược nhất của các tác phẩm bắt buộc?', TS Tuyết đặt câu hỏi.

Theo Theo Zing