50 năm 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không: Vít cổ 'siêu pháo đài bay' B-52

TP - Được Lầu Năm Góc quảng bá là vũ khí linh hoạt nhất trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ (tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom B-52), thế nhưng tại Việt Nam và đặc biệt là trên bầu trời Hà Nội, “siêu pháo đài bay” B-52 đã bị đánh gục bởi tài trí của bộ đội tên lửa.

Tìm cách đánh B-52

Với Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Phiệt - nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị, nguyên Bí thư Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ), những chiến công của ông và đồng đội trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 vẫn vẹn nguyên trong ký ức chiến trận.

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt (ngoài cùng bên phải) trao đổi rút kinh nghiệm với kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 57 sau một trận đánh. ẢNH: TL

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt kể: Ngay từ cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ nhất (1964-1968) ở miền Bắc, Mỹ đã dùng máy bay B-52 đánh ra vĩ tuyến 17 trên tuyến hành lang cửa khẩu nhằm chặn chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Trung đoàn Tên lửa 238 (mang phiên hiệu Đoàn Hạ Long) được lệnh hành quân vào vĩ tuyến 17 đánh B-52 để bảo vệ tuyến cửa khẩu, bảo vệ quân dân khu vực giới tuyến và tuyến vận chuyển của ta. Ngày 17/9/1967, Tiểu đoàn 84 của Trung đoàn 238 đã đánh trận đầu tiên và đánh trúng, bắn rơi B-52.

“Tuy máy bay B-52 chưa rơi tại chỗ nhưng đã giúp chúng ta có nhiều kinh nghiệm và là cơ sở vô cùng quan trọng, quý giá để có những tài liệu ban đầu về cách đánh B-52. Qua nhiều lần rút kinh nghiệm, chúng ta khẳng định tên lửa và không quân là hai lực lượng chủ yếu đánh B-52”, ông nói.

Theo ông Phiệt, cuối năm 1972, trước những dấu hiệu leo thang của Mỹ nhằm đạt ý đồ trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris, thực hiện các chỉ đạo của trên, Quân chủng PK-KQ đã chỉ thị cho các đơn vị, các binh chủng tên lửa, không quân và rađa tổ chức bàn cách phát hiện, bắt, đánh B-52. Cuối tháng 10/1972, Hội nghị rút kinh nghiệm của bộ đội tên lửa được tổ chức tại Sư đoàn Phòng không 361 do Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri chủ trì (lúc này ông Phiệt là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57, Trung đoàn Tên lửa 261, Sư đoàn 361). Cuốn cẩm nang bìa đỏ in rô-nê-o mà bộ đội PK-KQ vẫn thường gọi là “Sách đỏ” dùng để đánh B-52 đã ra đời từ đây (đã nhắc trong bài 6).

Trong hội nghị mang tính đột phá này, cấp trên đã xác định B-52 là đối tượng chủ yếu của lực lượng tên lửa phòng không và bàn kỹ về những điểm mạnh, yếu của “siêu pháo đài bay”. Cùng với đó, việc xác định chính xác đường bay là rất quan trọng, bởi nếu nắm được quy luật chọn đường bay cơ bản của địch thì sẽ đưa ra được phương án đánh và bố trí lực lượng chiến dịch phòng không của ta một cách phù hợp. Đặc biệt là vấn đề chống gây nhiễu khi các kíp chiến đấu sục sạo, bám bắt mục tiêu để phóng đạn tên lửa tiêu diệt B-52…

“Điều khiến tôi tự hào nhất trong 12 ngày đêm là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 57 không quản khó khăn, gian khổ, đảm bảo cho bộ khí tài luôn trong trạng thái tốt nhất để sẵn sàng chiến đấu”

Trung tướng NGUYỄN VĂN PHIỆT

“Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, Tiểu đoàn tôi lập trận địa tại xã Đại Mạch, nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Quân số cả đơn vị khoảng 120 người cùng với 6 bệ phóng tên lửa đất đối không CA-75 (phương Tây gọi là SAM-2), xe điều khiển, xe thu phát tín hiệu, 12 xe tiếp đạn, xe xác định phần tử và lập tọa độ, xe chia điện… Tối ngày 18/12, cả đơn vị vào cấp 1 chiến đấu đánh B-52 theo lệnh trên nhưng không bắn trúng chiếc nào. Sau đó, chúng tôi thay đổi cách đánh và bắn rơi 4 chiếc B-52 trong chiến dịch phòng không đánh bại chiến dịch tập kích đường không mang tên Linebacker II của Mỹ ”, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt nói.

Vạch nhiễu tìm thù, lập công xuất sắc

Tập kích đường không vào Hà Nội, Hải Phòng và các mục tiêu ở miền Bắc cuối năm 1972, trên mỗi chiếc B-52 đều có hệ thống gây nhiễu khổng lồ. Đồng thời mỗi khi xuất kích, đội hình B-52 được hộ tống rất chặt chẽ, gồm cả cường kích F-4 và máy bay gây nhiễu EB-66 tạo nhiễu “giả B-52” đánh lừa bộ đội phòng không. Rađa bị nhiễu nhòe nhoẹt cả màn hiện sóng. Các sóng về cố định chìm hết vào nhiễu như một màn sương mù, sáng trắng.

Đối mặt với chiến thuật tinh vi này, Tiểu đoàn 57 của ông Phiệt đã gặp lúng túng trong ngày đầu Mỹ triển khai chiến dịch Linebacker II. Sau khi thảo luận và phân tích lại các tình huống, chỉ huy tiểu đoàn quyết định đợi B-52 vào gần hơn thì mới hạ lệnh phóng tên lửa. Cuộc thảo luận đã cho kết quả như mong đợi, cự ly phóng tên lửa được rút lại từ hơn 40km trước đây xuống còn 34-35km, thậm chí dưới 30km khi bắt được mục tiêu.

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam trong chiến dịch này đã đánh 192 trận, sử dụng 334 quả đạn tên lửa, tiêu diệt 36 máy bay các loại, trong đó có 29 chiếc B-52. Riêng trên bầu trời Hà Nội, tên lửa đã đánh 137 trận, sử dụng 246 quả tên lửa, tiêu diệt 25 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ) và một chiếc F-4.

Tối 19/12, khi đón bắt được mục tiêu, thực hiện lệnh của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt, sĩ quan điều khiển ấn nút phóng 2 quả tên lửa ở cự ly 28km và 27km. Cả 2 đạn điều khiển tốt. Tên lửa thứ nhất đi đến cự ly 22km thì nổ và kíp trắc thủ hô vang: “Máy bay bốc cháy!”. Giải tỏa tâm lý căng thẳng sau màn hạ gục “siêu pháo đài bay”, rạng sáng ngày 21/12, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 57 đã lập công xuất sắc với hai chiếc B-52 bị tiêu diệt chỉ trong vòng 10 phút. Tiếp đó, vào đêm 22/12, tiểu đoàn tiếp tục bắn rơi chiếc B-52 thứ tư.

Nói về bí quyết đánh B-52 hiệu quả của Tiểu đoàn 57, ông Phiệt cho biết là nhờ tinh thần quả cảm và sáng tạo trong chiến đấu. Sự sáng tạo này thể hiện ở hai yếu tố là kinh nghiệm chống nhiễu và cải tiến khí tài tốt. Sau mấy trận đánh nhưng không trúng, chiến sĩ ta dùng phép thử là khi máy bay địch tiến gần Hà Nội thì mở sóng điều khiển tên lửa. Cứ mỗi lần bật “phóng giả” tên lửa thì thấy máy bay F-4 cơ động sang hai bên, bay nhốn nháo tránh tên lửa, còn riêng tín hiệu B-52 thì vẫn đi thẳng.

Nhờ kinh nghiệm tách dải nhiễu đó, bộ đội tên lửa đã “tìm ra đối tượng”. Đồng thời tìm được điểm yếu của B-52 là lúc ném bom thì bay ổn định ở tầm thấp (10-11km) so với mặt đất nên cũng dễ “bắt bài”. Mặt khác, các chuyên gia Liên Xô khi đó đã kịp thời giúp chúng ta trong việc cải tiến khí tài tên lửa. Trước đây đầu đạn tên lửa chỉ có 320 mảnh đạn, sau đó được cải tiến lên thành hơn 3.000 mảnh để tăng thêm xác suất bắn trúng mục tiêu.

“Trong 12 ngày đêm này, Tiểu đoàn 57 nhiều lần bị máy bay chiến thuật Mỹ ném bom và phóng tên lửa không đối đất AGM-78 vào trận địa tên lửa, khiến một chiến sĩ hy sinh và 6 đồng đội khác bị thương. Điều này khiến chúng tôi càng thêm quyết tâm tiêu diệt B-52 để trả thù cho đồng bào và đồng đội bị bom đạn Mỹ giết hại”, ông Phiệt nói.